Những chiếc thuyền câu được thả ra biển, tái hiện hình ảnh những binh phu dong thuyền mở cõi - Ảnh: TRẦN MAI
Sáng 20-4 (nhằm 16-3 âm lịch), tại Di tích cấp Quốc gia Đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh cùng các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ, tri ân công đức các binh phu Hoàng Sa năm xưa đã không tiếc thân mình giong thuyền ra khơi dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Các bậc tiền hiền bái lạy, tri ân công đức của đội hùng bình Hoàng Sa năm xưa - Ảnh: TRẦN MAI
Vọng tiền nhân mở cõi
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được nhân trên đảo tổ chức tại đình làng An Vĩnh - nơi ngày xa xưa đã có những cư dân Lý Sơn hy sinh thân mình nhổ neo mang theo sứ mệnh vua ban giữ gìn mỗi tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc... vào ngày 16.3 âm lịch hằng năm.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân địa phương và khách du lịch đã tập trung về Đình làng An Vĩnh để tham dự lễ. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa với âm thanh bát âm đã tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa của cư dân trên đảo.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với nhiều nghi lễ như: Lễ cung nghinh, Lễ yết và rước thần và linh vị binh phu Hoàng Sa, Lễ tế cổ truyền, Lễ thả hình nhân thế mạng và Lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng).
Những chiếc thuyền câu và hình nhân binh phu gợi nhớ âm đức của đội hùng binh - Ảnh: TRẦN MAI
Theo sử sách còn ghi lại, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những dân đinh là trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội sung vào đội Hoàng Sa để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ và bảo vệ chủ quyền.
Những dân đinh cứ tháng Hai nhận lệnh ra đi. Chèo khoảng 3 ngày, 3 đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Đến tháng Tám trở về cửa Eo ở Thuận An (Huế), để dâng lên kinh thành Huế các loại hải vật quý giá và những thứ nhặt được trên vùng biển đảo này, như đồ đồng, đồ thiếc.
Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm ngàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào.
Tương truyền, mỗi dân binh khi nhận lệnh triều đình ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, bảy nẹp tre và bảy sợi dây mây cùng một thẻ bài ghi tên tuổi, quê quán.
Bình thường, chiếc chiếu được các dân binh trải nằm, nhưng khi không may gặp chuyện chẳng lành giữa biển khơi thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại.
Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, đó là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân nhận ra họ.
Thầy tế lễ kính cẩn đọc công trạng và cầu nguyện cho đội hùng binh phù hộ độ trì cho lớp lớp người dân Việt Nam đang thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt - Ảnh: TRẦN MAI
Đường đi bất trắc, nhiều hiểm nguy nên trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên và nguyện cầu sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro cho những binh phu đi Hoàng Sa.
Để nói về sự bất trắc, hiểm nguy của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa xuôi thuyền tiến ra biển đi đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc ở huyện đảo Lý Sơn còn tương truyền nhiều câu ca:
- Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.
- Hoàng Sa trời nước mênh mông/người đi thì có mà không thấy về
- Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa... luôn vọng trong tâm khảm bao thế hệ người dân Lý Sơn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa luôn thu hút đông người dân và du khách - Ảnh: TRẦN MAI
Khẳng định chủ quyền
Có lẽ, vì hành trình vượt biển ra đảo của các binh phu năm xưa đầy rẫy hiểm nguy nên theo quan niệm của người Lý Sơn xưa, trong buổi lễ người ta thường làm những hình nhân bằng giấy, hoặc bằng gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên bàn thờ tại đình làng để làm lễ "thế mạng" cho những dân binh.
Khi những hình nộm đã được tế xong được đem ra thả ngoài biển và cầu mong đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người đăng lính.
Để thực hiện nghi lễ, người ta chuẩn bị 3 ban thờ đặt đồ tế như thịt heo, gà, muối, bánh khô…, bài vị các Cai đội và các hùng binh Hoàng Sa. Trước các bàn thờ là 5 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển).
Những chiếc thuyền hình nhân nối đuôi nhau, vọng nhớ hình ảnh đội hùng binh năm xưa - Ảnh: TRẦN MAI
Buổi lễ đã tái hiện, khắc họa sinh động lại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, với những thuyền câu, trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo...
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của người dân Lý Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Tiếng ốc u nổi lên cũng là lúc đoàn thuyền tiến về phía Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Lê Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ trên đảo bảo tồn, duy trì suốt 400 năm qua. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Lễ tế trang nghiêm với những lời sấm truyền theo mãi người Lý Sơn dặn nhau bảo vệ từng tấc biển khơi - Ảnh: TRẦN MAI
Thông qua nghi lễ này giúp người dân trên đảo và du khách hiểu rõ hơn về khó khăn gian khổ cũng như công lao của dân binh đội Hoàng Sa trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền lãnh hải quốc gia; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước, đặc biệt là với chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Viết tiếp trang sử của những hùng binh Hoàng Sa hàng trăm năm trước, hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa ngày nay vẫn kiên cường bám biển để phát triển kinh tế và bảo vệ lãnh hải đất nước. Họ - những ngư dân được ví như những "Trường Lũy" bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận