Chị Katie Marcoux đẩy chồng chị (anh Eric) trên chiếc xe lăn trong khi mẹ chị - bà Judy Christensen và cô con gái Eva Kolb nhìn về phía hai người tại nhà họ ở Potomac, bang Maryland, ngày 3-12-2020 - Ảnh: AFP
Theo báo Washington Post, nhiều nhà thầu xây dựng hiện nay ở Mỹ đã chuẩn bị sẵn những bản thiết kế nhà phù hợp cho nhiều thế hệ sống chung thoải mái trong cùng một gia đình.
1/5 dân số sống cùng cha mẹ
Sau khi chia tay chồng năm 2007, chị Katie Marcoux cùng hai con gái chuyển về sống chung với cha mẹ chị để tiết kiệm chi phí. Khi đó chị ước tính nhiều nhất sẽ ở cùng cha mẹ trong một năm.
Ấy vậy mà 13 năm sau, ở tuổi 49 và đã đi bước nữa, chị vẫn đang sống trong ngôi nhà ấy cùng cha mẹ và con gái lớn Eva (20 tuổi), trong khi con gái út Jenna (19 tuổi) đã chuyển tới New York học đại học.
Ngày đó, lúc chuyển về sống cùng cha mẹ, chị Marcoux đang làm việc bán thời gian cho một hệ thống trường học và không dư dả lắm về tiền bạc. Sống cùng cha mẹ, chị vừa có thể duy trì công việc vừa học thêm và vẫn có thể nuôi dạy, chăm sóc con.
Thật may khi đó mẹ chị, bà Judy Christensen, đã hỗ trợ con gái rất nhiều. "Khi hai cháu còn nhỏ, chúng tôi giúp Katie đưa đón chúng để con bé có thể làm việc" - bà Christensen, 78 tuổi, chia sẻ với Hãng tin AFP. Nhờ đó chị Marcoux có thể dành thời gian phát triển sự nghiệp và giờ ổn định hơn với một công việc toàn thời gian. Điều tuyệt vời nhất là nhờ sống chung với cha mẹ, chị đã có thể tự chủ và độc lập tài chính.
Người chồng sau này của chị, anh Eric Marcoux, cũng cảm thấy "như ở nhà" khi ở cùng cha mẹ vợ. Bởi vậy anh quyết định bán nhà và chuyển về ở rể luôn cùng ông bà. Ông Dano, 80 tuổi, cha chị Marcoux, cảm thấy hài lòng với cuộc sống đông vui của gia đình hiện nay. "Chúng tôi rất gần gũi với tất cả các cháu. Nhưng thật đặc biệt khi chúng sống cùng" - ông nói.
Chị Marcoux khẳng định việc sống cùng cha mẹ là kế hoạch của vợ chồng chị. "Khi sửa lại căn nhà, chúng tôi đã làm lại các phòng vệ sinh để người lớn tuổi dễ dàng ra vào hơn" - chị nói. Mặc dù còn hai anh trai sống ở gần đó, nhưng chị Marcoux tự nhận về mình trách nhiệm chăm sóc cha mẹ.
Những gia đình có nhiều thế hệ sống chung như nhà chị Marcoux đang ngày càng nhiều hơn ở Mỹ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 1/5 dân số Mỹ đang sống trong các gia đình kiểu "tam đại đồng đường" như vậy.
Kinh tế là động lực chính
Bà Dana Scanlon, nhân viên môi giới bất động sản làm việc tại vùng Washington, cho biết trong đại dịch COVID-19, nhiều gia đình trẻ đang lựa chọn giải pháp tương tự này. "Chúng tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ chuyển về sống cùng cha mẹ trong những ngôi nhà họ từng lớn lên, một điều mà hẳn chưa bao giờ họ nghĩ sẽ làm vậy" - bà Scanlon nói.
Cũng theo bà Dana Scanlon, khi con còn nhỏ, việc về sống chung cùng cha mẹ giúp các ông bố bà mẹ còn trẻ yên tâm hơn khi trong nhà có sẵn các "bảo mẫu" giúp họ giám sát việc học của con cái qua ứng dụng trực tuyến trong lúc bản thân bận bịu công việc.
Ông Richard Fry, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Pew, cho biết trong thập niên qua đã ghi nhận mức tăng vọt số người trẻ trưởng thành chọn sống chung trong các gia đình nhiều thế hệ.
Năm 2016, số người trẻ trong độ tuổi 25-29 sống như vậy là 33%, tăng 10% so với 23% của 9 năm trước. Một thách thức lớn với những người trẻ thế hệ Millennials (những người sinh ra trong khoảng từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990) và những người trẻ khác ở Mỹ là gánh nặng nợ sinh viên. Bởi vậy, ông Fry cho rằng: "Rõ ràng điều này phản ánh một thực tế có một bộ phận trong những người trẻ trưởng thành không thể kiếm đủ tiền để sống độc lập".
Đành rằng kinh tế là động lực chính, song cũng phải nói tới một nhân tố khác nữa phía sau sự thay đổi này, đó là tình trạng già đi của dân số Mỹ. Mặc dù nhiều người sinh sau Thế chiến thứ 2 hiện vẫn còn khỏe, song đã lo toan tới một lúc nào đó sau này sinh hoạt sẽ khó khăn hơn.
Trên thực tế, xu thế "gia đình đa thế hệ" ở Mỹ đã bắt đầu tăng dần từ những năm 1980, khi các gia đình nhập cư từ châu Á và châu Mỹ Latin có xu hướng sống chung trong cùng gia đình với các thành viên thuộc nhiều thế hệ.
Xu thế này tiếp tục tăng thêm vào khoảng năm 2009 khi xảy ra giai đoạn đại suy thoái. Lúc này số người lớn quay về sống cùng cha mẹ tại những ngôi nhà thời thơ ấu của họ đã tăng tới mức giống giai đoạn những năm 1950. Và nay, khi đại dịch COVID-19 nổi lên và hoành hành suốt gần một năm qua, nhiều người Mỹ lại đang quay về sống cùng ông bà, cha mẹ.
"Nhà trong nhà"
Lennar là một trong những công ty xây dựng chuyên tập trung phát triển mảng nhà ở dành cho nhiều thế hệ cùng chung sống hiện nay ở Mỹ. Họ gọi đó là mô hình "nhà trong nhà" được thiết kế sao cho đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu riêng tư và sự gần gũi giữa các thế hệ sống chung dưới một mái nhà.
Theo ông Jon Jaffe - đồng chủ tịch kiêm đồng giám đốc điều hành Công ty Lennar, công ty này bắt đầu xây dựng các ngôi nhà cho thế hệ kế tiếp (Next Gen) từ khoảng một thập niên trước trong giai đoạn khủng hoảng tài chính để đáp ứng nhu cầu của các gia đình cần chăm sóc cha mẹ già và giảm bớt chi phí nhà cửa.
Hiện nay, 5-10% trong tổng số nhà Công ty Lennar xây dựng là nhà thiết kế theo mô hình Next Gen. Thị trường lớn nhất cho kiểu nhà này của họ là tại thành phố Phoenix, bang Arizona, nơi có tới 25% đơn hàng của họ là kiểu nhà Next Gen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận