Chiều 16-4, tại phía nam chân đèo Cả thuộc khu vực xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có đến 4-5 chiếc xe chở khí hóa lỏng LPG nằm phơi nắng trước một quán ăn.
Theo quy định, xe bồn chở khí hóa lỏng LPG, các xe chở hóa chất độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm… không được phép lưu thông qua các hầm đường bộ bởi có thể gây nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông trong hầm.
Nhiều xe bồn "tiến thoái lưỡng nan"
Tài xế Nguyễn Đình Tụ (36 tuổi, trú Phú Yên) cho biết xe tải chở bình gas và xe bồn chở LPG đều thuộc loại phương tiện không được lưu thông trong hầm đường bộ đèo Cả cũng như các hầm đường bộ khác.
Anh Tụ chở 300 bình gas loại 12kg từ Nha Trang ra Phú Yên để giao cho một cửa hàng ở TP Tuy Hòa.
Thông thường xe qua đèo Cả để giao hàng, nhưng từ ngày 14-4, khi lực lượng chức năng phân luồng, cấm tạm thời toàn bộ các loại ô tô không đi trên quốc lộ 1 qua đèo Cả để đảm bảo việc khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, xe anh Tụ "chôn chân" tại khu vực phía nam đèo.
Các tài xế xe bồn chở khí hóa lỏng chỉ có thể ngủ trên xe để chờ đến ngày đèo Cả được lưu thông - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
"Từ đây về tới điểm giao hàng bình thường chỉ 1 giờ, nhưng xe ra tới đây thì bị cấm qua đèo, nằm 3-4 ngày rồi. Nếu phải quay lại thị xã Ninh Hòa rồi vòng lên hướng Tây Nguyên, đi vòng về huyện miền núi Sông Hinh của Phú Yên đi xuống Tuy Hòa thì quãng đường tăng tới cả trăm cây số, chi phí nào chịu nổi. Vì vậy, tôi phải nằm đây chịu trận thôi", anh Tụ bộc bạch.
Tài xế Lê Minh Hải (39 tuổi, trú Yên Bái) cho biết đây là ngày thứ tư xe bồn chở 52.000 lít khí hóa lỏng của anh phải "đứng hình" tại đây.
"Tôi không thể lựa chọn những lộ trình khác bởi sợ đi theo phân luồng thì có thể vào phải một số đường cấm xe chở LPG, chưa kể các rủi ro khác. Trước giờ chúng tôi chỉ đi tuyến đường qua đèo Cả, nên giờ chỉ biết đợi ở đây", tài xế Hải cho hay.
Khắc phục xong sự cố hầm đường sắt mới cho ô tô chạy lên đèo Cả
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Văn phòng quản lý đường bộ III.3 (thuộc Khu Quản lý đường bộ III, Cục Quản lý đường bộ) cho biết sau khi xảy ra sự cố sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió, đơn vị đã ra thông báo về việc tổ chức phân luồng giao thông qua khu vực đèo Cả.
Đồng thời đơn vị đã đề nghị Công ty CP Xăng dầu khí Phú Yên, Công ty Xăng dầu Khánh Hòa thông báo cho các phương tiện chở xăng dầu, xe chở các chất dễ cháy nổ thuộc các công ty biết và chủ động chọn lộ trình phù hợp.
"Chúng tôi đã tìm những phương án phân luồng giao thông thuận lợi nhất, ngoài ra cũng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Chúng tôi rất chia sẻ với các phương tiện không thể lưu thông qua hầm đường bộ cũng không thể qua đèo Cả.
Khi nào khắc phục xong sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió mới xem xét gỡ lệnh cấm ô tô qua đèo Cả được", vị đại diện Văn phòng quản lý đường bộ III.3 cho hay.
Trong khi đó, ông Hoàng Gia Khánh - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết đến thời điểm này vẫn chưa thể dự kiến được khi nào có thể khắc phục xong sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.
"Tất cả các mũi thi công đang tập trung hết công suất. Chúng tôi đang cố gắng thông hầm sớm nhất có thể", ông Khánh cho hay.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ đầu giờ chiều 12-4, hầm Bãi Gió bị sạt lở gây ách tắc hoàn toàn đường sắt Bắc - Nam. Ngành đường sắt phải thiết lập các đoàn tàu ở hai đầu ga Giã và ga Tuy Hòa, trung chuyển khách bằng xe khách qua hầm đường bộ Đèo Cả để tiếp tục hành trình.
Để việc khắc phục sự cố sạt lở tại hầm Bãi Gió đảm bảo an toàn và thông hầm sớm nhất có thể, lực lượng chức năng đã cấm tất cả ô tô lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận