Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 1 - Ảnh: TT dự báo khí tượng thủy văn TƯ |
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết hồi 11g ngày 24-6, vị trí tâm bão trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng 60 đến 90km một giờ), giật cấp 11-12.
Bão đã gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10)). Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có gió giật mạnh cấp 7-8. Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80mm...
Diễn biến phức tạp
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - bão số 1 là cơn bão đầu mùa hình thành trên biển Đông đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng có diễn biến phức tạp.
Dù chiều 23-6, dự báo trọng tâm bão đi vào Quảng Ninh nhưng trong đêm 23 và rạng sáng nay (24-6), bão hầu như không di chuyển và thay đổi cả về hướng đi, mạnh thêm một cấp trước khi đổ bộ vào đất liền.
Ông Tuấn lưu ý bão số 1 có gió ở vùng sau của tâm bão mạnh hơn vùng trước của tâm bão nên người dân, cơ quan phòng chống bão cần lưu ý sau khi vị trí tâm bão vào đất liền vẫn còn gió mạnh hơn trước đó và có thể kéo dài.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của bão số 1, ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80mm. Dự báo từ 24 đến 25-6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ ngày 24 đến 26-6, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét. Trong đợt lũ này, mực nước sông Lục Nam tại Lục Nam; sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên trên mức báo động 1 (4,3m), các sông khác còn dưới mức báo động 1.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện lũ với biên độ lũ lên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-5m, hạ lưu từ 1-2m; các sông ở Hà Tĩnh thượng lưu lên từ 1-2m, hạ lưu từ 0,5-1m; đỉnh lũ trên các sông còn dưới mức báo động 1.
Hải Phòng: Hai tàu bị đắm
Sáng 24-6, thị trấn Cát Hải, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) có mưa lớn kèm gió mạnh - Ảnh: Hoàng Linh |
Sáng 24-6, bão số 1 gây gió lớn làm hai tàu đang trú bão trong âu cảng Bạch Long Vĩ đứt neo, đâm vào bờ và bị đắm. Một ngư dân bị thương nặng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hải Phòng, tính đến 10g30 sáng 24-6, tại khu vực các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải có mưa lớn, gió giật mạnh cấp 11, cấp 12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Đức Quân, giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ cho biết ngư dân bị thương tên Nguyễn Văn Tỵ (36 tuổi).
Theo ngư dân này, khoảng 5g sáng, khi gió giật cấp 10, cấp 11, cột buồm của tàu đổ đè vào người làm anh bị thương nặng ở vùng trán đỉnh trái, sau đó được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu. Hiện các bác sĩ đã cầm máu, điều trị vết thương cho ngư dân này.
Ông Đào Minh Đông, phó chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết khoảng từ 3g sáng 24-6, trên khu vực huyện đảo có mưa to, gió mạnh cấp 10. Các cơ quan công sở tại đảo đều đóng cửa trong sáng nay.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bạch Long Vỹ đã tổ chức neo đậu cho 430 tàu bè, 1.965 lao động trú tránh nơi an toàn, không còn tàu thuyền hoạt động quanh đảo.
Ghi nhận trong khu vực nội thành Hải Phòng, đến trưa nay đã có mưa nhỏ, thỉnh thoảng mưa rào rải rác, gió giật nhẹ. Các cơ quan công sở vẫn hoạt động bình thường.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hải Phòng, cho biết hơn 4.000 phương tiện cùng gần 15.000 lao động về nơi trú bão an toàn. Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định cấm các tàu đánh bắt ra khơi, các tàu du lịch ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn trước và trong bão.
Quảng Ninh duy trì lực lượng ứng trực chống bão 24/24 giờ
Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 1.
Ông cũng chỉ đạo các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, duy trì việc ứng trực chống bão 24/24 giờ. Các địa phương vùng núi cảnh giác và xây dựng các phương án đề phòng nguy cơ mưa lớn, lũ cuốn và sạt lở đất đá.
Tại huyện Bình Liêu, cơ quan chức năng đã rà soát và khẩn trương triển khai ngay các phương án đề phòng lũ quét, sạt lở đất đá. Các xã chỉ đạo nghiêm túc việc di dời các hộ nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở đất đá, lũ quét đến nơi an toàn trước khi mưa bão lớn xảy ra. Huyện đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết tại các nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, trường học để di dời dân đến khi cần thiết.
Ở huyện ven biển Tiên Yên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động về vật tư, thiết bị tại chỗ với 32 nhà bạt các loại, 1 xuồng cao tốc, 10 xuồng cao su, 10 phao bè, trên 1.000 phao tròn, áo phao và 3.000 bao tải dứa.
Tại Quảng Yên, địa phương có nhiều tuyến đê xung yếu, thị xã đã huy động hàng nghìn người, trên 75.000 bao tải, 2.615 rọ thép và gần 10.000m3 đá hộc để chống bão. Quảng Yên cũng bố trí người trực liên tục tại các trạm chỉ huy và những điểm đê xung yếu có thể xảy ra sự cố khi bão về. Thị xã đã huy động 70 xe tải, 68 xe khách và hàng chục máy xúc, máy cẩu các loại ứng trực đối phó với tình huống xấu của bão...
Tại đảo Quan Lạn, ông Hoàng Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera - trực tiếp trực chỉ đạo đơn vị phòng chống bão trên đảo Quan Lạn cho biết từ 2g sáng nay 24-6 trên đảo mưa to, gió lớn. Lượng mưa và sức gió ngày một mạnh, đến 8g sáng gió giật tới cấp 10, 11.
Ông Hưng cũng cho biết hơn 100 khách du lịch đang trú ở khu resort Vân Hải vẫn được đảm bảo an toàn, chăm sóc chu đáo.
Nam Định chủ động phương án sơ tán dân
Để chủ động ứng phó với bão số 1, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các huyện, các đơn vị thực hiện cấm biển từ 7g ngày 24-6 cho đến khi bão tan.
Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. Các xã, phường, thị trấn, nhất là ở các huyện ven biển hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; kiểm tra, rà soát các ngôi nhà tạm để chủ động phương án sơ tán dân...
Tính đến 10g sáng 24-6, Nam Định đã kêu gọi gần 2.000 tàu, thuyền và lao động hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn, thông báo các chủ lều, chòi canh ngao về tình hình, diễn biến của bão.
Lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng giao thông tại khu vực cầu Bãi Cháy, không cho xe gắn máy qua cầu - Ảnh: Đức Hiếu |
Xe tải chở người và xe máy qua cầu - Ảnh Đức Hiếu |
Cấm xe máy qua cầu Bãi Cháy Từ 8g sáng nay (24-6), xe gắn máy đã bị cấm qua cầu Bãi Cháy do tại đây có gió mạnh trên cấp 6. Tại hai phía cầu Bãi Cháy, lực lượng chức năng đã thành lập hai chốt điều tiết giao thông, hướng dẫn lối đi cho các loại xe. Các ôtô vẫn được qua lại bình thường, còn các loại mô tô không được qua cầu để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, một số người đi đường vẫn qua mặt lực lượng chức năng và phóng lên cầu. Đại úy Trần Việt Cường, đội cảnh sát giao thông TP Hạ Long cho biết: “Sáng nay, trên cầu Bãi Cháy có sức gió mạnh trên cấp 6, không đảm bảo an toàn cho mô tô, xe gắn máy và phương tiện thô sơ. Công ty cầu phà Quảng Ninh đã có kế hoạch phối hợp cùng các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông trên địa bàn tổ chức cấm lưu thông trên cầu đối với các loại xe trên từ 8g sáng”. Trong buổi sáng, công ty TNHH MTV cầu phà Quảng Ninh đã thuê 5 xe tải đưa người và xe gắn máy qua cầu miễn phí. Tuy nhiên, số lượng người và xe muốn qua cầu rất lớn, một số xe tải của tư nhân nhân dịp này đã tổ chức dịch vụ đưa người và xe qua cầu với giá 50.000 đồng/lượt, nếu thêm hàng hóa là 70.000 đồng/lượt. Chị Nguyễn Thị Lý (người dân thị xã Quảng Yên) cho biết, để đưa xe máy cùng số hàng hóa mua được từ buổi sáng qua cầu Bãi Cháy, chị phải trả cho nhà xe số tiền 100.000 đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận