Xe tải tông xe khách, 6 người chết, 4 người bị thươngMột ngày hai vụ tai nạn giao thông, 13 người chếtCông bố nguyên nhân tai nạn thảm khốc làm 6 người chết
Phóng to |
Sơ đồ nơi dải phân cách đổ trong vụ tai nạn chết người Đồ họa: V.Cường |
Ngoài lỗi của tài xế xe tải còn có một thông tin đáng chú ý là khối bêtông dải phân cách trên quốc lộ 1 bị đổ tạo thành chướng ngại vật gây cản trở giao thông.
Tài xế ngủ gật
Xác định tài xế xe tải biển số 54Z-9532 là Lê Văn Thắng (24 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) có lỗi trong vụ tai nạn nên trong ngày 13-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Thắng về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 202 Bộ luật hình sự.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Lê Việt Thắng điều khiển xe tải có tải trọng 7,4 tấn, chở 366 két nước ngọt các loại từ Hóc Môn, TP.HCM đến Bến Tre giao cho khách hàng. Khoảng 5g10 ngày 11-5, do buồn ngủ, thiếu tập trung nên Thắng không phát hiện một khối bêtông dải phân cách có độ dài 2m tại điểm hở qua đường ở km 1954+200 quốc lộ 1 đã đổ nằm trên phần đường xe của mình đang lưu thông nên đâm vào khối bêtông này. Sau đó xe tải bị mất lái, đâm qua phần đường bên trái và đụng mạnh vào ôtô khách loại 16 chỗ ngồi đang lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn làm sáu người chết tại chỗ, trong đó có năm người trong gia đình ông Lê Văn Tốt (83 tuổi, Việt kiều Mỹ) và tài xế xe khách chở gia đình ông Tốt.
Cơ quan điều tra xác định trước khi xe tải đụng vào khối bêtông dải phân cách nằm trên đường thì vỏ xe trước bên trái không bị nổ, hệ thống phanh hoạt động bình thường, xe có mở đèn cốt phía trước. Do đó, lỗi thuộc về tài xế Thắng khi thiếu quan sát dẫn đến tai nạn.
Theo lời khai của tài xế Thắng, anh bị cảm sốt từ một tuần trước khi xảy ra vụ tai nạn. Khoảng 22g30 ngày 10-5, tức buổi tối trước khi lái xe đi Bến Tre, Thắng có uống một liều thuốc trị bệnh cảm. Do đó, khả năng lớn nhất là Thắng buồn ngủ, không làm chủ tay lái trước thời điểm gây tai nạn. Cơ quan điều tra đang tiếp tục phân tích mẫu máu và nước tiểu của Thắng để giám định nồng độ cồn và chất kích thích, chất gây buồn ngủ.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về trách nhiệm của cơ quan quản lý quốc lộ 1 đối với vụ tai nạn này khi khối bêtông dải phân cách bị đổ, đại tá Phạm Hữu Châu - phó giám đốc Công an tỉnh Long An - nói dải phân cách đổ ra đường có thể do bị một xe khác va quẹt từ trước và vẫn chưa xác định được thời điểm dải phân cách này bị đổ. Việc này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, ông Châu cũng nói thêm là khối bêtông dải phân cách bị đổ ban đêm thì cơ quan quản lý khó mà biết và khắc phục được.
Trong khi đó, một người dân sống gần hiện trường xảy ra vụ tai nạn cho biết khối bêtông trên bị đổ ra đường là do một xe container khi quay đầu xe tại điểm hở dải phân cách làm ngã. Không chỉ làm ngã dải phân cách, xe container nói trên còn va quẹt làm trầy xước biển báo đặt tại dải phân cách.
Cơ quan quản lý đoạn quốc lộ 1 phải liên đới trách nhiệm
Ông Huỳnh Ngọc Hùng, phó giám đốc Sở GTVT kiêm phó Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, cho biết về nguyên tắc thì ngành giao thông phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý. Khi phát sinh các chướng ngại vật trên đường có khả năng gây ra tai nạn thì cơ quan quản lý đoạn đường đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Long An thì cơ quan quản lý là Khu Quản lý đường bộ 7.
Cũng theo ông Hùng, đến chiều 13-5 Ban An toàn giao thông tỉnh Long An vẫn chưa được thông tin chính thức từ công an về nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Ông Hùng cho biết nếu đúng như xe đâm vào khối bêtông bị đổ thì ngoài trách nhiệm của lái xe còn có trách nhiệm của Khu Quản lý đường bộ 7 khi chưa kịp thời hoặc chưa nắm thông tin dải phân cách bị đổ gây mất an toàn giao thông để khắc phục. Vì nếu kịp thời sửa chữa, đưa khối bêtông đó về đúng vị trí thì có thể tai nạn đã không xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Hà, phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7, cho biết cơ quan này là chủ đầu tư dự án quốc lộ 1, nhưng đơn vị quản lý trực tiếp đoạn qua tỉnh Long An là Công ty TNHH một thành viên 76 (thuộc Cienco 6). Ông Hà nói theo thông tin từ Công ty 76 thì khối bêtông dải phân cách tại nơi xảy ra tai nạn bị đổ trước đó chỉ vài giờ, tức bị đổ ban đêm nên không kịp phát hiện để sửa chữa.
Cũng theo ông Hà, từ trước đến nay các đơn vị quản lý đường bộ chỉ tuần tra ban ngày, chưa có chế độ tuần tra 24/24 giờ. Chính vì vậy các sự cố xảy ra gây mất an toàn giao thông trên quốc lộ 1 như khối bêtông bị đổ nói trên thì không thể phát hiện để khắc phục trong đêm. Từ việc này, Khu Quản lý đường bộ 7 sẽ rút kinh nghiệm, yêu cầu đơn vị quản lý đường tăng cường lực lượng và tăng thời gian tuần đường để kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, đảm bảo an toàn giao thông.
Phải kiểm tra tuyến đường ít nhất 1 lần/ngày Theo một lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) thông tư 47/2012 của Bộ GTVT quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định trách nhiệm của nhân viên tuần đường là trong một ngày làm việc mỗi vị trí trên tuyến đường phải được kiểm tra ít nhất 1 lần (với cầu yếu, vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông phải kiểm tra ít nhất 2 lần). Khi tuần tra thấy sự cố mất an toàn giao thông, hành vi vi phạm phải báo cáo ngay cho đơn vị bảo trì đường bộ và tuần kiểm viên để có biện pháp khắc phục xử lý kịp thời. Với những hư hỏng nhỏ không cần vật tư thiết bị như biển báo, cọc tiêu xiêu vẹo, đá lăn, cây đổ..., nhân viên tuần đường thực hiện hoặc yêu cầu công nhân bảo trì thường xuyên xử lý ngay. Tuy nhiên, với khối bêtông bị đổ trong vụ tai nạn ở quốc lộ 1 qua Long An, vị này cho biết để xác định khối bêtông đổ trước hay sau thời điểm nhân viên tuần đường đi kiểm tra khu vực đó rất khó. Nếu có nhân chứng nhìn thấy nhân viên tuần đường đi qua có thấy khối bêtông đổ nhưng không có biện pháp khắc phục, cảnh báo thì sẽ quy trách nhiệm dễ dàng. T.PHÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận