01/09/2019 08:44 GMT+7

Tại sao người vợ bị chồng võ sư đánh tố cáo chồng xong lại rút đơn?

TÂM LỤA - L.ANH ghi
TÂM LỤA - L.ANH ghi

TTO - Có những người vợ bị chồng đánh đập, hành hung kéo dài liên tục nhiều năm. Họ nhẫn nhịn vì muốn giữ gìn tổ ấm và hy vọng chồng thay đổi. Đến khi kiệt quệ về tinh thần, họ mới chọn cách tố cáo hoặc nộp đơn xin ly hôn.

Tại sao người vợ bị chồng võ sư đánh tố cáo chồng xong lại rút đơn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều phụ nữ vẫn sợ xấu hổ nên không dám nói ra việc bị chồng đánh. Họ chịu đựng vì nghĩ đó là cách giữ danh dự cho mình, giữ gia đình cho con. Đến khi không thể chịu đựng, họ mới làm đơn tố cáo.

Một cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bình Tân, TP.HCM

Nạn bạo hành lâu nay vẫn gây nhức nhối vừa lần nữa khuấy động dư luận khi clip "võ sư đánh vợ" được lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, người vợ sau đó xin rút đơn tố cáo chồng vì vợ chồng đã hòa giải. Thực tế người vợ trong clip này chỉ là một trong vô vàn trường hợp vợ bị chồng bạo hành trong xã hội hiện nay, dù rằng họ được pháp luật và xã hội bảo vệ.

Làm sao chấm dứt được nạn bạo hành gia đình? Chịu đựng như nhiều người vợ có phải là giải pháp để "vì con"?... Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến về vấn đề này.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội Quyền bảo vệ trẻ em TP.HCM):

Nạn nhân chính là con trẻ

Khi đi tham vấn, tôi thường khuyên phụ nữ "đừng cằn nhằn lúc chồng đang bực tức hoặc say xỉn". Bởi bản tính của phụ nữ thường hay cằn nhằn, mà khi đàn ông nóng giận sẽ dễ dẫn đến việc "động tay động chân".

Tôi nói vậy để giảm những hậu quả không mong muốn chứ xét dưới góc độ pháp luật, người chồng không được phép dùng bạo lực với vợ hoặc với con. Không thể biện minh "vợ tôi tôi có quyền đánh" hay "con tôi tôi có quyền dạy dỗ".

Từng tham vấn cho nhiều vụ ly hôn, bạo hành gia đình, tôi thấy một thực trạng đau lòng là có những người vợ chịu đựng bị chồng chửi bới, đánh đập trong 10 năm liên tiếp. Người chồng thường xuyên đánh đập vợ trước mặt các con. Hậu quả đứa trẻ lớn lên, chứng kiến việc bạo hành ấy cũng trở nên hung dữ, táo bạo.

Tôi từng dự một phiên tòa trẻ chưa thành niên giết người. Ra tòa, bị cáo khai hành vi đánh bị hại mà sau đó mẹ bị cáo đã đến khóc với tôi và nói rằng: "Ngày xưa bố nó đánh tôi như thế nào, bây giờ nó đi đánh người ta như thế". Có đứa trẻ đến lớp thường xuyên gây gổ với bạn bè, dùng chân đá bạn bất cứ khi nào trẻ không vừa lòng chuyện gì đó. Cô giáo hỏi tại sao con làm vậy, đứa trẻ nói: "Tại ở nhà cha con cũng làm thế".

Tôi tự hỏi tại sao người mẹ lại lựa chọn sống trong cảnh bị bạo hành trong thời gian dài? Câu trả lời phổ biến nhất của họ là "vì con". Nhưng một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ bị chấn thương tâm lý kéo dài và khó có thể chữa lành. Trẻ trở nên u uất, ức chế, hung dữ...

Tôi muốn nhắn với những người phụ nữ đang chịu đựng rằng chúng ta dù là nam hay nữ, dù là vợ hay chồng đều có sự bình đẳng trên mọi phương diện và bình đẳng trước pháp luật. Nếu bị chồng đánh đập, đừng im lặng chịu đựng, đừng đôi co, mà hãy làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Cũng có thể tìm đến hội phụ nữ, tổ dân phố, luật sư... để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ.

Tại sao người vợ bị chồng võ sư đánh tố cáo chồng xong lại rút đơn? - Ảnh 3.

Đến khi nào phụ nữ mới thôi trở thành nạn nhân của chồng mình!? - Ảnh chụp màn hình

ThS Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM):

Quyết liệt thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

Còn nhớ vào cuối năm 2018, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã thông báo những con số đáng giật mình về nạn bạo hành gia đình tại Việt Nam: 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực gia đình gồm bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục.

Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Điều đáng lưu ý là trong số các vụ ly hôn, tỉ lệ phụ nữ đệ đơn xin ly hôn chiếm tới 70%, điều đó cũng có nghĩa nạn nhân của các vụ bạo hành dẫn tới ly hôn là phụ nữ.

Trước thực trạng đáng lo ngại về bạo lực gia đình mà đa số thủ phạm là đàn ông và nạn nhân là phụ nữ, có nhiều ý kiến lý giải do người ta thiếu các kỹ năng làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm vợ hoặc thiếu các kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong gia đình.

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân sâu xa khiến những người đàn ông sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" xuất phát từ sự bất bình đẳng giới trong xã hội. Bất bình đẳng giới có nghĩa là đàn ông được hoặc tự cho mình có quyền hơn phụ nữ, mình là trụ cột trong gia đình, mình là ông chủ trong gia đình nên người vợ, người phụ nữ phải phục tùng.

Vì vậy, theo tôi, việc xử phạt nghiêm khắc hành vi bạo lực gia đình là cần thiết, nhưng chưa đủ để kéo giảm nạn bạo hành gia đình. Ngoài sự trừng phạt, chúng ta cần phải có những giải pháp truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của mọi người về quyền con người, về địa vị và quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội. Nội dung về bình đẳng giới phải được dạy cho học sinh ngay từ bậc tiểu học và kéo dài suốt quá trình giáo dục phổ thông.

Việc truyền thông về bình đẳng giới, về quyền con người phải được thực hiện thường xuyên ở trường học, cộng đồng, các cơ quan đoàn thể và cả xã hội để dần dần làm thay đổi nhận thức của mọi người về sự bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội. Chỉ như vậy mới mong giảm được những vụ bạo hành gia đình trong tương lai.

Tại sao người vợ bị chồng võ sư đánh tố cáo chồng xong lại rút đơn? - Ảnh 4.

Không ai nghĩ chị M.T.D. là biên tập viên truyền hình lại bị chồng đánh đập tàn tệ trong nhiều năm - Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

BS Nguyễn Ngọc Quyết (chuyên gia về phòng chống bạo lực gia đình):

Không để người phụ nữ đơn độc

Bạo lực gia đình thật sự phức tạp, số vụ có vẻ giảm đi nhưng lại lan rộng ra nhiều thành phần xã hội. Tuy có luật, ai cũng sợ luật, nhưng có những ông không sợ, có ông không bạo hành thể chất thì bạo hành tinh thần vợ. Có phụ nữ là nhà giáo, nhà báo, người có học vấn, có vai trò xã hội nhưng vẫn bị bạo hành.

Có người chủ động tìm đến sự hỗ trợ, có người hi vọng sự tiến bộ của người chồng, có người lại sợ nói ra ảnh hưởng gia đình, cha mẹ, người thân và ngay chính bản thân họ, vì thế họ cam chịu.

Sự cam chịu này có thể dẫn đến mất ngủ, có người bị căng thẳng thần kinh, lâu dài ảnh hưởng đến con cái, như việc họ có thể cáu gắt con cái và khi đó chính đứa con phải chịu bạo lực gia đình. Thống kê trước đây của chúng tôi cho thấy 100% nạn nhân bạo lực gia đình bị khủng hoảng tinh thần.

Khắc phục bằng cách nào? Tôi cho rằng điều quan trọng là người phụ nữ không cam chịu. Nhưng gia đình, xã hội không nên để phụ nữ đơn độc, hỗ trợ họ bằng sự chân tình, không để bạo lực tiếp diễn. Hội phụ nữ cũng cần hỗ trợ bằng cách phát hiện sớm, càng để lâu càng khó xử lý. Vụ võ sư đánh vợ gần đây có phải mới xảy ra đâu, nhưng giờ mới phát hiện thì đó là sự thất bại vì người vợ đã phải chịu bao nhiêu trận đòn rồi.

Chúng ta muốn đứng về phụ nữ, nhưng luật pháp liên quan vấn đề này vẫn chưa với tới từng gia đình để hỗ trợ họ.

Cả 3 mẹ con đều có giấy chứng thương

Hai vợ chồng là nhân viên ngân hàng, có địa vị xã hội, nhưng khó ai ngờ chị N.M.C. (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) lại bị chồng bạo hành thời gian dài. Cho rằng vợ hay cằn nhằn, không biết chia sẻ với những áp lực công việc của mình nên hễ có chuyện không vừa ý, chồng chị C. lại lôi vợ ra đánh.

Lúc đầu, chị C. cố gắng nhẫn nhịn vì nghĩ chồng sẽ thay đổi. Nhưng bản tính vũ phu của anh không bớt, mà ngày càng tăng. Tháng 3-2019, không chịu đựng nổi những trận đòn roi của chồng, chị C. quay về tạm lánh ở quê nhà Cần Thơ.

002

Cả ba mẹ con đều từng vào bệnh viện vì những trận đòn roi của người chồng, người cha. Trong ảnh: giấy chứng nhận thương tích của cả 3 người - Ảnh: T.Lụa

Đến khi trở lại, chị C. tiếp tục bị chồng đánh đến mức phải nhập viện chữa trị. Giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện cho thấy chị C. bị chấn thương đầu, tụ máu mi mắt, xuất huyết kết mạc mắt. Hai đứa con trai 10 tuổi thấy mẹ bị đánh liền can ngăn cũng bị cha bóp cổ và đánh vào đầu dẫn đến chấn thương cột sống cổ, sưng vùng da đầu, bầm gò má...

Mỗi lần nhờ chính quyền địa phương đến hòa giải, chị C. lại bị chồng đánh đau hơn. Không chịu nổi những trận đòn roi của chồng, chị đâm đơn ra tòa xin ly hôn. "Tại sao chị lại phải chịu trong nhiều năm đến vậy?", trả lời câu hỏi của tòa, chị C. nói "vì sợ, vì muốn giữ gia đình cho các con...".

Trước các giấy chứng nhận thương tích của 3 mẹ con, trước các hình ảnh chị C. bị đánh đến thâm tím mặt mày, tháng 5-2019, TAND quận Bình Tân đã chấp thuận cho vợ chồng chị C. ly hôn. (T.LỤA).

87% phụ nữ bị bạo hành không tìm hỗ trợ ở dịch vụ công 87% phụ nữ bị bạo hành không tìm hỗ trợ ở dịch vụ công

TTO - Bà Hà Thị Quỳnh Anh - cán bộ Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) - cho biết như vậy tại hội thảo 'Định hướng truyền thông về bình đẳng giới'.

TÂM LỤA - L.ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên