03/01/2018 11:07 GMT+7

Tại sao Hong Kong đòi dân chủ quyết liệt hơn Macau?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Khi những cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra rầm rộ ở Hong Kong, sự im lặng lại thường thấy tại Macau. Sở hữu nhiều điểm tương đồng về lịch sử nhưng Macau và Hong Kong đang đi theo hai hướng khác nhau.

Tại sao Hong Kong đòi dân chủ quyết liệt hơn Macau? - Ảnh 1.

Người biểu tình giẫm lên chân dung các chính trị gia Hong Kong, những người mà họ cho là thân Trung Quốc đại lục, trong cuộc biểu tình ngày 1-1-2018 trước trụ sở chính quyền thành phố - Ảnh: REUTERS

Nằm cách nhau chỉ 60km trên vùng châu thổ Châu Giang và sẽ sớm được nối liền bằng một cây cầu; là thuộc địa của châu Âu trước khi được trao trả về Trung Quốc; cùng được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong và Macau - hai đặc khu hành chính của Trung Quốc, đang cho thấy hai mặt khác biệt.

Hồi tháng 8-2017, chính quyền Macau đã yêu cầu quân đội Trung Quốc hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Hato, cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm. Điều này dẫn đến việc triển khai quân đội đại lục lần đầu tiên trên đường phố Macau kể từ thời điểm trao trả vào năm 1999. 

Nhưng nếu quân đội đại lục được huy động ở Hong Kong - ngay cả trong vai trò nhân đạo, nó sẽ ngay lập tức làm dấy lên lo lắng. Còn ở Macau, sự hiện diện của binh lính đại lục lại được cổ vũ.

Trong khi người Hong Kong luôn ồn ào, đôi khi là kích động trong việc đòi hỏi nền dân chủ cao hơn, tại Macau, đó dường như không phải là điều đáng lưu tâm. Tại sao lại như vậy?

Vị thế Hong Kong

Một số lập luận cho rằng người Hong Kong muốn có nền dân chủ tương đương với tầm quan trọng của đặc khu này đối với kinh tế Trung Quốc nên luôn đấu tranh.

Điều đó có thể đúng cách đây 20 năm, khi Hong Kong vừa được Anh trao trả lại cho Trung Quốc và chiếm tới 16% GDP của nước này, theo báo The Economist.

Sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc, với những Thâm Quyến, Phố Đông ở đại lục cùng hơn 200 thành phố khác trên 1 triệu dân đã khiến câu chuyện khác đi vào thời điểm hiện tại. Không một thành phố nào ở Trung Quốc có thể chi phối GDP như cách đây 2 thập kỷ.

Vậy Hong Kong đã bớt quan trọng với Trung Quốc trong khi người dân đặc khu đang sống trong hào quang của quá khứ?

Không hẳn là vậy. Thực tế, trong lĩnh vực tài chính, không một thành phố nào ở đại lục hiện nay có thể thay thế Hong Kong - nơi được ví như cánh cửa bước ra thế giới của Trung Quốc. Một môi trường đầu tư ổn định, được bảo vệ bởi các tòa án công bằng, nền pháp quyền thực thi minh bạch... Đó là những điều nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tìm thấy tại Hong Kong chứ không phải đại lục.

Đối với Bắc Kinh, Hong Kong dường như là nơi để thử nghiệm một loạt cải cách tài chính, bao gồm cả tham vọng biến nhân dân tệ trở thành một đồng tiền toàn cầu kể từ năm 2009. Điều ngạc nhiên là trong khi chính quyền Hong Kong luôn sẵn sàng tiếp nhận những thử nghiệm này với niềm tin rằng chúng sẽ có lợi cho sự phát triển của thành phố, người dân lại cho thấy điều ngược lại.

Tại sao Hong Kong đòi dân chủ quyết liệt hơn Macau? - Ảnh 2.

Buổi tuyên thệ của các nghị sĩ trẻ Hong Kong tháng 10-2016, với các hành động phản đối Trung Quốc đại lục, bao gồm biểu ngữ "Hong Kong không phải Trung Quốc" như trong hình, là cái cớ cho một loạt sự can thiệp từ Bắc Kinh sau đó - Ảnh: REUTERS

Những người trẻ Hong Kong, lực lượng đòi dân chủ quyết liệt nhất hiện nay, luôn cảnh giác và phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ. Các thử nghiệm của Trung Quốc tại Hong Kong bị họ xem là tiền đề cho các sự can thiệp sâu hơn của Bắc Kinh.

Việc các nghị sĩ dân cử Hong Kong mất ghế vì không tuyên thệ trung thành với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" của Bắc Kinh hồi năm 2016 càng củng cố cho niềm tin Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát Hong Kong. 

Cuộc biểu tình mang tên "Bảo vệ Hong Kong" ngay trong ngày đầu năm 2018 chỉ là một phần trong bức tranh. Ở những mảng khác, các lực lượng trung thành với Bắc Kinh vẫn hiện diện, kể cả trong chính quyền đặc khu. 

Điều đó đồng nghĩa, cuộc đấu tranh sẽ còn tiếp diễn, giữa những người Hong Kong đòi dân chủ với các ảnh hưởng vô hình của Bắc Kinh và những người trung thành với chính quyền trung ương.

​Lứa 20 tuổi Hong Kong nghĩ gì về Trung Quốc? ​Lứa 20 tuổi Hong Kong nghĩ gì về Trung Quốc?

TTO - “Nếu bạn hỏi tôi 100 lần đi nữa, tôi vẫn trả lời như thế”, hãng tin Reuters dẫn lời Chau Ho-oi, một trong những người trẻ Hong Kong không muốn làm người Trung Quốc.

Macau trầm lắng

Các quan chức Trung Quốc coi Macau là một mô hình chính trị mà Hong Kong nên noi theo: phù hợp với mong muốn của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thể hiện lòng yêu nước một cách rõ ràng. 

Sự trung thành được khắc sâu vào từng người dân, hiện diện trên phương tiện truyền thông và trong trường học. Điều luật 23, được sử dụng dưới danh nghĩa trừng phạt tội phản bội tổ quốc và chủ nghĩa ly khai, trong khi được thực hiện ở Macau và khiến người dân tuân thủ, thì không có gì ngạc nhiên khi nó bị đình chỉ ở Hong Kong.

Nhưng sự giàu có có thể là một phần cho câu trả lời về sự khác biệt giữa hai thành phố. 

Macau là nơi duy nhất tại Trung Quốc mà việc đánh bạc trong casino là hợp pháp. Trong vòng 10 năm kể từ khi được trao trả, Macau đã trở thành Las Vegas của châu Á, đem lại nhiều công việc được trả lương cao. 

GDP đầu người của Macau năm 2016 là 554.619 pataca (73.187 USD), thuộc nhóm cao nhất trên thế giới và cao hơn 68% so với Hong Kong, theo báo The Economist. Ngoài tiền lương, mỗi năm chính phủ còn trợ cấp thêm cho mỗi cư dân 9.000 pataca.

Tại sao Hong Kong đòi dân chủ quyết liệt hơn Macau? - Ảnh 4.

Binh sĩ Trung Quốc được triển khai giúp người dân Macau dọn dẹp đống đổ nát sau bão Hato năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền chính trị của lãnh thổ này đã tồn tại trước cả khi kết thúc sự cai trị của Bồ Đào Nha. 

Trong những năm 1960, khi Cách mạng văn hóa diễn ra ở đại lục, nó đã tràn sang cả Hong Kong và Macau. Trong khi người Anh đã thành công trong việc ngăn chặn "làn sóng đỏ" ở Hong Kong, Cách mạng văn hóa đã lan rộng tại Macau, len lỏi vào cả xã hội dân sự và gây ra các cuộc bạo loạn.

Trong khi ở Hong Kong là cuộc đấu tranh đòi dân chủ, ở Macau, đó là những phàn nàn về chi phí mua nhà, sự thiếu hụt nhà ở xã hội, tình trạng của giao thông và bệnh viện công. Một sự khác biệt rõ rệt.

Thỏa thuận trao trả Hong Kong (1997) và Macau (1999) giữa Anh, Bồ Đào Nha với Trung Quốc cho phép hai thành phố này duy trì các hệ thống chính quyền cũ và quyền tự trị trong ít nhất 50 năm sau đó.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể trả lời điều gì sẽ xảy ra sau khi các thỏa thuận này hết hiệu lực, lần lượt đối với Hong Kong vào năm 2047 và Macau năm 2049.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên