22/09/2017 13:30 GMT+7

Tại sao chúng ta không thể giàu như Bill Gates?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Rất nhiều người thường nghĩ tài năng và nỗ lực là chìa khóa của sự thành công, bạn sẽ nghĩ sao nếu có học giả nói “vận may” mới là thứ tạo nên “định mệnh”?

Tại sao chúng ta không thể giàu như Bill Gates? - Ảnh 1.

Vận may đóng một vai trò quan trọng trong thành công của tỉ phú Bill Gates - Ảnh: REUTERS

Trong bài phân tích sau, học giả người Đài Loan Chengwei Liu - giáo sư ngành Khoa học chiến lược và hành vi thuộc Trường Kinh doanh Warwick của ĐH Warwick (Anh), sẽ giải thích vai trò của yếu tố "may rủi" trong đời sống của mỗi con người.

Con đường của Bill Gates là độc nhất

Bill Gates may mắn hơn những gì chúng ta biết. Ông ấy có thể là một người tài năng, từ chàng sinh viên bỏ học đi lên thành người giàu nhất thế giới.

Nhưng, thành công tột bậc của ông ấy càng cho thấy tầm quan trọng của những hoàn cảnh vượt ngoài kiểm soát (của Bill Gates), thay vì chứng minh tài năng và sự kiên trì được đền đáp ra sao.

Chúng ta thường tin rằng những người dẫn đầu là những người giỏi và tài năng nhất, nhưng điều này còn thiếu sót. 

Nói đúng hơn, họ là những người may mắn nhất, may mắn vì đã ở vào đúng nơi và đúng thời điểm.

Nhiều người xem Bill Gates, và những nhân vật thành công giống ông ấy, xứng đáng nhận được sự tưởng thưởng, và rằng họ là những hình mẫu chúng ta có thể học hỏi để thành công.

Tuy nhiên, nếu nghĩ đơn giản chỉ cần nỗ lực sẽ thành "người chiến thắng" thì cơ may thất vọng rất cao. Thậm chí nếu bạn có thể bắt chước mọi thứ Bill Gates đã làm, bạn không cách nào có được vận may ban đầu của ông ấy.

Ví dụ, xuất thân thượng lưu và nền giáo dục tư cho phép Bill Gates có thêm kinh nghiệm lập trình vào thời điểm mà có ít hơn 0,01% thế hệ ông ấy tiếp cận được máy vi tính.

Tại sao chúng ta không thể giàu như Bill Gates? - Ảnh 2.

Tỉ phú Bill Gates bình dị đi xem giả quần vợt Mỹ mở rộng tại TP New York hôm 8-9 - Ảnh: REUTERS

Mối quan hệ xã hội của mẹ Bill Gates với ông chủ tịch IBM giúp Gates kiếm được một hợp đồng với hãng máy tính hàng đầu thời bấy giờ.

Điều này rất quan trọng vì hầu hết khách hàng sử dụng máy tính IBM đều bị ép phải học cách dùng phần mềm Microsoft kèm theo. Và phần mềm tiếp theo họ mua khả năng cao cũng là của Microsoft, không phải vì nó tốt nhất, nhưng vì hầu hết mọi người đều quá bận rộn để học những thứ khác.

Đương nhiên, tài năng và nỗ lực của Bill Gates đóng vai trò lớn trong thành công vượt bậc của Microsoft, nhưng những yếu tố đó có lẽ không đủ nếu thiếu hoàn cảnh thuận lợi mà ông ấy có được ngay từ đầu.

Con số nhiệm màu

Bạn có thể tranh luận rằng, dù sao những người dẫn đầu vẫn có được khả năng giỏi nhờ lao động chăm chỉ và nghị lực mạnh mẽ, do đó họ xứng đáng nhận được nhiều hơn.

Một số người cho rằng có một con số nhiệm màu để dẫn đến thành công, hay còn gọi là quy tắc 10 năm/10.000 giờ. Rất nhiều chuyên gia, vận động viên xuất sắc rõ ràng đã mài giũa tài năng của họ nhờ tập luyện không ngừng nghỉ.

Thật ra, 10.000 giờ học lập trình của Bill Gates thời còn trẻ được xem là một lý do nổi bật giúp ông thành công.

Tại sao chúng ta không thể giàu như Bill Gates? - Ảnh 3.

Luyện tập chăm chỉ suốt 10 năm liệu có đảm bảo thành công? - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết từng trường hợp của mỗi người, chúng ta sẽ thấy luôn có những yếu tố tình huống vượt ngoài kiểm soát của họ. 

Lấy ví dụ câu chuyện của ba nhà vô địch quốc gia môn bóng bàn tại Anh, tại sao họ sống trên cùng một con đường, cùng một khu ngoại ô nhỏ của một thị trấn ở Anh?

Đó không phải là sự ngẫu nhiên hoặc vì họ không có chuyện gì làm ngoài việc chơi bóng bàn. Hóa ra có một huấn luyện viên bóng bàn nổi tiếng, ông Peter Charters, sống ở đó sau khi về hưu.

Rất nhiều đứa trẻ sống gần nhà ông Charters bị thu hút bởi môn thể thao này, và ba người trong số họ, sau khi tuân theo đúng quy tắc 10.000 giờ, đã trở nên xuất sắc và giành giải vô địch quốc gia.

Tài năng và nỗ lựa của họ, tất nhiên, cần thiết để đi đến nấc thang đó. Nhưng nếu không có vận may ban đầu (có một huấn luyện viên giỏi, sự ủng hộ của gia đình…), cắm đầu tập luyện 10.000 giờ mà không có sự chỉ dẫn, một đứa trẻ ngẫu nhiên nào đó khó lòng trở thành nhà vô địch.

Chúng ta cũng có thể hình dung một đứa trẻ với khả năng xuất chúng trong môn bóng bàn không gặp may mắn, chẳng hạn không có huấn luyện viên, hay sinh ra ở một quốc gia mà thể thao không phải là một nghề hứa hẹn. Nó sẽ không bao giờ có cơ hội khai phá tiềm năng.

Những người thành công biết trân trọng vận may của họ, không tham lam vơ vét mới xứng đáng với sự kính trọng của chúng ta"

Chengwei Liu - học giả người Đài Loan

Sự phức tạp nằm ở chỗ một thành công càng vĩ đại bao nhiêu, những bài học thiết thực chúng ta có thể học từ "người chiến thắng" càng ít ỏi.

Với logic thông thường, chẳng hạn "càng siêng năng tôi càng may mắn", "cơ hội chỉ đến với những người sẵn sàng"… thì điều này nghe hoàn toàn hợp lý với những người đi từ "dở" lên "khá". Tuy nhiên, từ "khá" lên "xuất chúng" là một câu chuyện khác.  

Ở vào đúng nơi (thành công trong hoàn cảnh một kết quả sớm sẽ có sức ảnh hưởng về lâu dài), vào đúng thời điểm (có được vận may sớm) có thể quan trọng hơn hẳn tài năng và nỗ lực. Hiểu được điều này, chúng ta không nhất thiết phải trầm trồ hoặc bắt chước những người thành công và trông đợi một thành công tương tự.

Có lẽ, những người thành công mới nên bắt chước như Bill Gates (sau đó trở thành một nhà từ thiện) hoặc Warren Buffet (đấu tranh để người giàu đóng thuế nhiều hơn). Họ là những người đã lựa chọn cách dùng tài sản và thành công của mình để làm việc tốt.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên