24/03/2016 10:42 GMT+7

Tại sao chưa bắt được nghi can thứ ba đánh bom Brussels?

THU ANH
THU ANH

TTO - Cảnh sát Bỉ đã xác định được hai nghi can đánh bom liều chết tại sân bay Brussels hôm 22-3 thông qua máy quay an ninh. Trong khi đó, nghi can thứ ba vẫn chưa bị bắt.

Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội tổ chức ghi lưu bút để cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố - Ảnh: V.Dũng
Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội tổ chức ghi lưu bút để cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ khủng bố - Ảnh: V.Dũng

 

Báo DH của Bỉ hôm 23-3 cho biết nghi can chính trong vụ đánh bom Brussels là Najim Laachraoui đã bị bắt ở quận Anderlecht, nhưng sau đó đã rút lại thông tin này. Các công tố viên xác nhận nghi can này vẫn đang trốn chạy.

Cảnh sát Bỉ cũng xác định được hai nghi can đánh bom liều chết tại sân bay Brussels hôm 22-3 thông qua máy quay an ninh. Truyền thông Bỉ dẫn nguồn cảnh sát cho biết chúng là anh em ruột Khalid và Brahim El Bakraoui - cư ngụ tại Brussels và có tiền án tiền sự.

Báo DH nói nghi can thứ ba đi cùng anh em nhà Bakraoui nhưng bỏ lại quả bom và chạy khỏi sân bay sau vụ nổ của hai anh em kia. Nghi can thứ ba này được xác định là Najim Laachraoui, 25 tuổi. Chúng được cho là có quan hệ với Salah Abdeslam - nghi can khủng bố ở Paris vừa bị bắt tại Brussels.

Theo Reuters, Khalid đã thuê một căn hộ bằng tên giả và tại nơi này cảnh sát đã tiêu diệt một tay súng khi bố ráp để bắt Abdeslam. Cảnh sát cũng phát hiện dấu vết ADN của Laachraoui tại các ngôi nhà mà những kẻ tấn công Paris sử dụng.

Theo số liệu mới nhất mà Bộ trưởng Y tế Bỉ Maggie De Block công bố trên kênh truyền hình VRT, đã có 31 người thiệt mạng trong các vụ tấn công sáng 22-3 và hơn 200 người bị thương.

Cảnh sát Bỉ đã lục soát một căn nhà ở phía bắc Brussels đêm 22-3 (giờ địa phương) và phát hiện một trái bom nữa, một lá cờ IS và các hóa chất chế bom.

Truyền thông địa phương cho hay chính quyền lục soát căn nhà sau khi có tin báo từ một người lái taxi đã chở các nghi can đánh bom ra sân bay.

Trong khi đó, theo Reuters, một số chuyên gia an ninh tin rằng vụ nổ trên tàu điện ngầm ở Brussels làm 20 người thiệt mạng đã được chuẩn bị từ trước khi Abdeslam bị bắt hôm 18-3.

Còn trong hai vụ nổ ở sân bay chưa rõ bọn khủng bố mặc áo quấn bom hay không. Nhưng chuyên gia tin rằng bom được gài trong xe hành lý của chúng vì nhiều người bị thương hoặc hủy hoại chân. Điều đó cho thấy có thể chất nổ đặt ở vị trí trên mặt sàn.

Theo Reuters, có khoảng 300 người Bỉ gia nhập tổ chức IS chiến đấu ở Syria, biến đất nước 11 triệu dân này đứng đầu châu Âu về số lượng người gia nhập và chiến đấu cho IS. Điều này khiến Pháp và các nước láng giềng quan ngại về năng lực an ninh của Bỉ.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhìn nhận: “Điều mà chúng ta lo sợ đã đến”. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố sẽ đối mặt với các mối đe dọa. Hôm 23-3, ông tiếp đoàn Thủ tướng Pháp Manuel Valls trong một chuyến thăm được sắp xếp trước. Trước đó, ông Valls đã tuyên bố: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh”.

Các vụ tấn công ở Brussels đã thổi bùng các cuộc tranh cãi trên toàn cầu về cách tấn công ngăn chặn khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ tự tin khi tuyên bố: “Chúng ta có thể và sẽ đánh bại những kẻ đe dọa an toàn và an ninh của người dân trên toàn thế giới”.

Trong khi đó, ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng Donald Trump cho rằng các nghi can phải bị tra tấn để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.

Cuộc sống ở Brussels đã trở lại bình thường hôm 23-3. Một số phương tiện giao thông công cộng và xe hơi đã ra đường trở lại, nhưng hệ thống tàu điện vẫn bị đóng cửa và sân bay chưa mở cửa trở lại.

Châu Âu dễ tổn thương

Ngoài mục tiêu sát thương càng nhiều người càng tốt, bọn khủng bố còn đe dọa phá hủy cả thiết chế xã hội tự do và cởi mở tại châu Âu.

Theo New York Times, kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris tháng 11 năm ngoái, chính quyền Bỉ đã tiến hành hàng chục vụ vây ráp, truy quét các phần tử có dấu hiệu cực đoan. Nhưng thực tế cho thấy mọi nỗ lực vẫn chưa thể ngăn cản được đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế và trên tàu điện ngầm đông người.

Đã có không ít câu hỏi đặt ra về tính hiệu quả của mạng lưới an ninh Bỉ - tương tự tình cảnh với an ninh, tình báo Pháp cách đây hơn bốn tháng. Thậm chí từng có cuộc cãi vã cấp quốc gia khi Pháp chỉ trích Bỉ lơi lỏng, để những thành viên Hồi giáo cực đoan ăn sâu bám rễ.

Quốc gia với 11 triệu dân này đang đối mặt nguy cơ trở thành nơi dung dưỡng của nhiều mạng lưới khủng bố, trong lúc quyền lực chính phủ bị giảm sút vì tình trạng chia rẽ giữa những cộng đồng nói tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và tiếng Đức.

Cựu giám đốc cơ quan phản gián của Pháp Bernard Squarcini từng miêu tả Bỉ như một địa điểm được những kẻ cực đoan ưa chuộng với môi trường Hồi giáo, môi trường gia đình che chở người thân.

Trong một cuộc phỏng vấn vài tuần trước đây, ông Squarcini dám tuyên bố: “Năng lực người Bỉ hạn chế tới mức không thể cùng lúc giải quyết nhiều mục tiêu”.

Thực tế là chính báo chí Bỉ điều tra cho thấy kẻ được cho là chủ mưu các vụ tấn công Paris năm ngoái Abdelhamid Abaaoud từng sống ở quận Hồi giáo Molenbeek và từng huênh hoang với người thân rằng hắn đã trở về châu Âu cùng 90 “người anh em” và họ sẵn sàng cho những vụ tấn công khác “tồi tệ hơn”.

Một số chuyên gia an ninh và tình báo thậm chí cho rằng các vụ nổ ở Brussels là một bằng chứng cho thấy trong những xã hội mở của châu Âu, ngay cả khi được đặt trong tình trạng cảnh báo an ninh khẩn cấp vẫn sẽ chẳng bao giờ loại trừ hết nguy cơ.

Giờ đây những vấn đề ở Bỉ không chỉ đang đe dọa những người sống tại châu Âu, mà còn đe dọa tới cả sự tồn tại của châu lục này như một khối thống nhất.

Liệu rằng sau sự kiện Brussels, mạng lưới an ninh của châu Âu sẽ phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực phòng chống khủng bố, ngay cả việc có thể sẽ phải xâm phạm vào tự do cá nhân, hay phải chăng những cuộc tấn công như thế này sẽ trở thành một phần không thể tránh khỏi trong một xã hội mở như châu Âu?

D.KIM THOA

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên