Lễ tế đàn Âm hồn ở Huế được phục dựng theo nghi thức dưới triều Nguyễn. - Ảnh: NHẬT LINH
Rạng sáng 6-7 (23-5 âm lịch), Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tái hiện lại nghi thức tế đàn Âm hồn (hay đàn U hồn, 73 Ông Ích Khiêm, TP Huế) nhân sự kiện 133 năm ngày thất thủ kinh đô.
Đàn Âm hồn là một trong ba công trình được nhà Nguyễn lập nên để phục vụ tế lễ gồm: Đàn Nam Giao để tế trời, Đàn Xã Tắc để tế đất và đàn Âm hồn để tế các vong linh đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 23-5 năm Ất Dậu (tức 5-7-1885).
Clip tái hiện lễ tế Đàn âm hồn dưới triều Nguyễn. - Thực hiện: NHẬT LINH
Đàn được xây dựng vào năm 1895 dưới triều vua Thành Thái. Việc tế đàn Âm hồn hàng năm được triều đình nhà Nguyễn xem là quốc lễ.
Theo ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, lễ tế đàn Âm hồn được phục dựng theo như nghi thức của triều đình được ghi lại trên Châu bản dưới thời vua Duy Tân.
Theo đó, lễ tế được tổ chức vào rạng sáng ngày 23-5. Trên bàn tế có đầy đủ các bài vị của Thổ công (thần đất), bài vị của Nam phụ lão ấu, binh sĩ… Lễ vật gồm trâu, dê, lợn, cháo hoa, ngô…
Chủ lễ tế là ông Nguyễn Dung (trái), phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa THiên - Huế rửa tay trước khi bước vào nghi lễ chính. - Ảnh: NHẬT LINH
Cũng theo ông Hải, kể từ khi đàn Âm hồn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2013 thì đây là lần đầu tiên lễ tế Âm hồn được tổ chức một cách quy mô như vậy. Trước đây cứ đến dịp này, người dân sống xung quanh di tích đàn Âm hồn thường tự đứng ra tổ chức lễ cúng tế tại đây.
"Vừa rồi qua khảo sát, chúng tôi đã phát hiện ra nền móng của đàn tế trước đây nằm dưới lòng đất. Chúng tôi sẽ có kế hoạch để tiến hành khai quật nền móng này để trùng tu, tôn tạo lại cảnh quan đàn Âm hồn" – ông Hải nói.
Hàng năm cứ đến ngày 23-5 âm lịch, người dân ở Huế thường tổ chức cúng âm hồn tại đàn Âm hồn và các miếu âm hồn nằm trong khu vực thành nội Huế. Ðây là một nghi lễ cầu cho các vong hồn đồng bào, binh sĩ tử nạn trong biến cố kinh đô Huế thất thủ, rơi vào tay người Pháp được siêu thoát. Nghi lễ này là một sinh hoạt tâm linh đồng thời cũng là một nét văn hóa đẹp, đầy tính nhân văn của người dân xứ Huế.
Hình ảnh lễ tế được Tuổi Trẻ Online ghi lại:
Dâng lễ vật lên áng thờ đặt giữa đàn tế. - Ảnh: NHẬT LINH
Dâng hương lên áng thờ cầu cho các vong hồn tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô Huế năm 1885 được siêu thoát. - Ảnh: NHẬT LINH
Người dân ở Huế dâng hương lên áng thờ tại lễ tế. - Ảnh: NHẬT LINH
Lễ vật tại lễ tế chủ yếu là các thực phẩm như ngô, cháo hoa, chè... Người Huế quan niệm rằng các vong hồn tử nạn sau biến cố thường là những oan hồn vất vưởng và thường bị đói. Cúng tế lương thực là điều thường thấy trong các mâm cúng của người Huế ngày 23-5 âm lịch. - Ảnh: NHẬT LINH
Miếu Âm hồn (hay miếu U hồn) nằm ngay trong khuôn viên đàn Âm hồn. Ngôi miếu này hàng năm thường được người dân đến tổ chức lễ tế đàn Âm hồn vào đúng ngày 23-5 âm lịch. - Ảnh: NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận