
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo dự cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn - Ảnh: THANH HIỆP
Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất với ba điểm cầu tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), di tích quốc gia đặc biệt khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) và công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TP.HCM).
Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 27-4 trên kênh VTV1.

Chủ tịch nước Lương Cường đến tham dự chương trình tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Dự điểm cầu TP.HCM có Chủ tịch nước Lương Cường; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các cựu chiến binh dự tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG
Dự điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các lãnh đạo dự chương trình từ điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Tại điểm cầu Quảng Trị có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tham dự ba điểm cầu còn có các ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân chứng lịch sử…

Thủ tướng lên bắt tay các nhà ngoại giao trong một tiết mục - Ảnh: DANH KHANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các khán giả - Ảnh: DANH KHANG
Cầu truyền hình hoành tráng mừng 50 năm thống nhất
Công viên Thống Nhất khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hòa bình, Bắc Nam sum họp.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.

Sân khấu tại Quảng Trị ngay chân kỳ đài ở di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Lá cờ trên kỳ đài rộng 75m2, nhằm nhắc nhở thế hệ sau này về thời khắc đặc biệt năm 1975 - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tiết mục Câu hò bên bờ Hiền Lương - Ảnh: HOÀNG TÁO
Còn công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Tái hiện khúc khải hoàn mừng 50 năm thống nhất tại ba điểm cầu lịch sử và ba chương "Khát vọng hòa bình", "Ý chí độc lập thống nhất" và "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam", cầu truyền hình dựng lại trang sử hào hùng của dân tộc trong quá khứ, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Tổ khúc múa Giải phóng miền Nam ở điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tổ khúc múa Giải phóng miền Nam ở điểm cầu TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Dòng sông Bến Hải chảy giữa đôi bờ Hiền Lương, một thời là ranh giới đau thương nhưng không thể ngăn được ước nguyện thống nhất trong trái tim mỗi người con Việt Nam.
Vang lên tại đây sau nửa thế kỷ, cầu truyền hình mở màn bằng Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên - Khánh Linh thể hiện; để rồi xuôi vào Nam, hoạt cảnh cải lương Lý con sáo diễn tả tâm hồn người Nam Bộ kiên trung, từ réo rắt sang hùng tráng.


Làn điệu Lý con sáo, Trên công trường rộn tiếng ca - Ảnh: THANH HIỆP - DANH KHANG
Với tiết mục Trên công trường rộn tiếng ca qua sự dàn dựng của NSND Trần Ly Ly, Hà Lê và ca nương Kiều Anh đã có một màn thể hiện ăn ý, gợi lại không khí lao động hăng say, đầy lạc quan của những người thi đua xây dựng đất nước.
Trong khi đó Phạm Thu Hà mang đến ca khúc Xa khơi, nói về nỗi lòng của một cô gái gửi lời nhớ thương tới người anh đang ở bên kia vĩ tuyến, mong đất nước sớm về một mối.
Điểm nhấn đặc biệt của cầu truyền hình là MV Con đường ta chọn có sự hòa giọng của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau.
Tiết mục Quê hương Việt Nam có sự tham gia của nhiều đại sứ và phu quân, phu nhân các nước, học sinh sinh viên và 20 hoa hậu, á hậu, người đẹp trong trang phục áo dài cảnh đẹp Việt Nam.
Chưa kể những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với hơn 1.200 nghệ sĩ, khách mời, diễn viên, lực lượng quần chúng… hùng hậu, các hình thức thể hiện đa dạng từ MV, thực cảnh đến hoạt cảnh…

Từ điểm cầu công viên Thống Nhất, Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG


Các cựu chiến binh, khán giả xem chương trình bên cầu Hiền Lương, tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Phía sau là hàng dài cờ giải phóng trên cầu Hiền Lương mới, trên quốc lộ 1 - Ảnh: HOÀNG TÁO
Xúc động nghe lại lời kêu gọi của Bác
Khán giả xúc động khi nghe lại Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-7-1966 sau gần 60 năm.

"Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" - Ảnh: THANH HIỆP
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, người dân Việt Nam lên đường cứu quốc.


Thực cảnh "Hà Nội niềm tin hy vọng" - Ảnh: DANH KHANG
Bà Lê Thị Như Học kể về những ngày hăng say lao động sản xuất, các phong trào quần chúng tiêu biểu như "Ba sẵn sàng" của thanh niên, "Ba đảm đang" của phụ nữ và phong trào "Một người làm việc bằng hai" trên cả miền Bắc. Tất cả vì tiền tuyến và miền Nam ruột thịt.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, cả một thế hệ thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận".
Trên mọi miền đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng có thanh niên xung phong: xung phong vào bộ đội, xung phong đi đến những nơi xa xôi, gian khổ nhất.

Đại biểu và khán giả đồng loạt đứng dậy vẫy cờ trong tiết mục Miền xa thẳm - Khát vọng ở đầu cầu Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây
Từ điểm cầu Hà Nội, Đinh Thành Lê và Hoàng Tùng hát đầy cảm xúc Miền xa thẳm và Khát vọng, gợi lại không khí lên đường của một thời.
Tùng Dương và "Voi Bản Đôn" Anh Tú có một màn song ca trong thực cảnh Hà Nội niềm tin và hy vọng trữ tình và kiêu hãnh.
"Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta"…


Anh Tú và Tùng Dương hát trong hoạt cảnh Hà Nội niềm tin và hy vọng - Ảnh: DANH KHANG
Đoàn quân đi như gió "tiến về Sài Gòn". "Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/ Sài Gòn ơi ta đã về đây ta đã về đây". Bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như mới ngày hôm qua.
Âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử đồng hiện.
Cùng loạt phóng sự trải dài 20 năm qua ghi lại sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, Lễ xuất quân thanh niên xung phong tại Nhà hát Lớn, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trận chiến ở Quảng Trị năm 1972, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975… tái hiện lại một gương mặt Việt Nam thời chiến đầy hào hùng.
Đó là "những con đường in trong trái tim anh".


Tái hiện hình ảnh đoàn quân Tiến về Sài Gòn ở điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Từ rừng sâu, thư gửi tới tay những người đang sống gây xúc động mạnh
Đó là thư của ba chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam, những người đã anh dũng ngã xuống giữa cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn sông Đồng Nai.
Từ rừng sâu, các anh đã dành chút sức lực cuối cùng để viết nên những dòng thư tay gửi tới những người đang sống, kể lại cuộc chiến đấu gian khổ những ngày qua, sự hy sinh của đồng đội; gửi gắm tình cảm thân thương da diết đến bố mẹ, vợ con, người thân, quê hương; bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.

Tái hiện hình ảnh anh giải phóng quân ở điểm cầu TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
"Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa", một đoạn trích trong thư.

Sau 10 ngày chạy xe máy vượt quãng đường hơn 1.300km từ Nghệ An, cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi, ngụ phường Quang Trung, thành phố Vinh) đã có mặt tại TP.HCM xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: DANH KHANG
Xuất hiện trên sân khấu, ông Trần Văn Thanh (76 tuổi) - người cựu chiến binh đi xe máy từ Vinh vào TP.HCM để xem diễu binh, gây sốt mạng xã hội những ngày qua - cũng khiến không ít người xúc động.
Khi được hỏi lý do chọn xe máy thay vì máy bay hay tàu hỏa, ông Thanh chia sẻ ông muốn đi xe máy "để trải nghiệm từng tấc đất của đất nước".
Càng đi, ông càng thấy đổi mới từng ngày và càng thấy trân trọng hạnh phúc của hòa bình. Hai câu chuyện, một quá khứ, một hôm nay, được kết nối lại trong khúc khải hoàn mừng đất nước 50 năm hòa bình, thống nhất cho thấy giá trị của hòa bình và tương lai.

Tiết mục Nối vòng tay lớn khép lại chương trình tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Nửa thế kỷ, vật về với người, rưng rưng khúc khải hoàn hòa hợp
Liệt sĩ Kha Văn Việt, dân tộc Thái ở Nghệ An, hy sinh năm 1967 khi vừa tròn 20 tuổi. Ông không để lại bất kỳ kỷ vật nào cho gia đình ngoài giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công.
Ở bên kia đại dương, cựu binh Mỹ Adolf William, người từng tham chiến tại Việt Nam năm 1967, đã giữ lại những vật dụng tìm thấy trên người ông Việt sau một trận đánh. Ông Adolf không dám mở chiếc hộp đựng kỷ vật hơn nửa thế kỷ vì những ký ức đau buồn mà ông không dám đối mặt.
Với mong muốn để gia đình mình hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam và trả lại kỷ vật thuộc về người đã khuất, ông Adolf quyết định trở lại Việt Nam để trao trả những kỷ vật này. Vì lý do sức khỏe, ông đã gửi hộp kỷ vật về trước.


Xúc động người nhà liệt sĩ Kha Văn Việt nhận lại kỷ vật của em trai do một người lính Mỹ đã gìn giữ hơn nửa thế kỷ gửi lại - Ảnh: THANH HIỆP
Trên sân khấu Vang mãi khúc khải hoàn, chiếc hộp đựng những kỷ vật thời chiến của liệt sĩ Kha Văn Việt được mở ra, gồm giấy chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, giấy báo khen thưởng và giấy chứng nhận bị thương...
Đặc biệt là một tấm ảnh bé xíu của liệt sĩ Kha Văn Việt với ánh mắt rất cương nghị, điều mà gia đình ông cũng không có.
Từ Tương Dương (Nghệ An), anh họ và cháu ruột của liệt sĩ vào TP.HCM nhận lại di vật của ông Việt. "Đúng là Kha Văn Việt em tôi", "tôi đón em tôi về", chia sẻ của người thân liệt sĩ khiến không ít người nghẹn ngào.
Chương trình đã trao tặng gia đình bức ảnh liệt sĩ Kha Văn Việt được phóng lớn và phục chế, trang trọng bọc trong lá cờ Tổ quốc. Vậy là sau hơn 50 năm, vật mới về với người, rưng rưng trong hòa bình, đoàn tụ, hòa giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận