Một vị cán bộ phụ trách tiếp công dân trong lúc tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm (TP.HCM) đã đeo trên tay chiếc đồng hồ được cho là hạng sang và tay cầm điếu xì gà gây rất nhiều ý kiến khác nhau trong những ngày qua.
Mọi chuyện suy cho cùng cũng chỉ dừng lại ở những lời ra tiếng vào, khó có thể đi xa hơn bởi không thuộc phạm trù xử lý của các cơ quan pháp luật.
Tuy nhiên từ câu chuyện thực tế này có nhiều bài học đắt giá cần được rút ra liên quan đến ứng xử, tác phong của cán bộ có chức trách khi xuống tiếp xúc với dân.
Cán bộ khi xuống cơ sở gặp dân, dù với mục đích gì, khảo sát chuyên đề, thăm hỏi và nắm bắt thực tế, tuyên truyền vận động, tiếp xúc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết yêu cầu kiến nghị... phải ý thức vị trí của mình là ai, đang ở đâu.
Bởi chỉ khi ý thức mình đang làm việc gì, mình đại diện cho ai, có vai trò như thế nào trong buổi tiếp xúc ấy thì người cán bộ mới có một tâm thế chủ động để thực thi tốt công việc.
Nhiều cán bộ làm đến chức vụ lớn, gánh vác trọng trách đất nước nhưng mỗi lần xuống với bà con thì luôn được bà con chào đón, bắt tay trò chuyện hỏi han như chính người trong một làng.
Sự quý mến của nhân dân không đến từ quyền lực anh có, cũng không đến từ trang sức, trang phục trên người anh, nó đến từ thái độ ứng xử, những điều mà người cán bộ làm được cho dân.
Đừng đi một chiếc xe quá sang trọng hay mặc một chiếc áo ngang với một công đất bà con đã mất khi về với dân.
Bởi điều đó, bài học đã có, chẳng giúp cho cán bộ thêm "nghiêm chỉnh" mà ngược lại sẽ tạo nên những hố sâu khoảng cách, làm cho bà con càng khó "mở miệng".
Tiếp xúc công dân tức là lắng nghe, thu nhận những gì người dân muốn nói. Người tiếp xúc công dân phải luôn giữ một thái độ cầu thị, gần gũi.
Câu chuyện dù đúng hoặc có thể sai nhưng lời nói, trang phục, trang sức... của cán bộ nếu không phù hợp sẽ không thuyết phục được dân, thậm chí còn gây ra những phản ứng tiêu cực từ dư luận.
Giản dị, gần gũi, hòa mình vào dân để lắng nghe bà con nói - người cán bộ tiếp công dân chính là những người làm cầu nối cho tiếng nói của người dân đến được với các cơ quan cấp trên để cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Một công việc hết sức quan trọng và cũng có thể nói là thay mặt Nhà nước tiếp xúc, đối thoại với người dân như thế thì những sai sót, rủi ro phát sinh phải luôn được đặt ở mức thấp nhất.
Một lời nói sai thời điểm, sai bối cảnh đôi khi cũng sẽ làm hỏng mọi việc hay một đôi giày láng bóng chiếu rọi vào những khuôn mặt lầm lũi, khắc khổ cũng sẽ tạo nên những hình ảnh phản cảm và hoàn toàn không đáng có, gây sự hoài nghi, ngờ vực đối với người dân.
Hãy cúi xuống với bà con, lại gần hơn để người dân có thể nói hết. Đó mới là điều cần phải đặt ra cho cán bộ khi xuống với dân chứ không phải những bộ cánh mà anh đang khoác trên người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận