Ngoài dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2020 vẫn gặp rất nhiều khó khăn do các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước - Ảnh: T.V.N.
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương cho biết Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (MITI) vừa ban hành kết luận cuối cùng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ nhôm và kẽm có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo đó, biên độ phá giá mà Việt Nam bị cáo buộc từ 1,56-37,14%.
Trong danh sách các doanh nghiệp Việt Nam được MITI công bố mức thuế, chỉ duy nhất Công ty Tôn Phương Nam được xác định có biên độ bán phá giá không đáng kể (dưới 2%) nên không bị áp thuế, đồng thời mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với doanh nghiệp còn lại của Việt Nam từ 3,06-37,14%, khá cao so với doanh nghiệp của Trung Quốc từ 2,1-18,88% và Hàn Quốc từ 9,98-34,94%.
Riêng 7 doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu đối với chủng loại sản phẩm nói trên sang thị trường Malaysia bị xác định bán phá giá, Tôn Hoa Sen chịu mức thuế cao nhất với 16,55%, xếp sau là Tôn Đông Á ở mức 15,87% và Tây Nam Steel ở ngưỡng 5,48%.
Năm 2020 tiếp tục là năm ngành thép phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Nếu tính từ năm 2004, năm đầu tiên ngành thép bắt đầu bị kiện phòng vệ thương mại, thì đến tháng 11-2020 đã có 63 vụ kiện từ các nước "đổ" lên ngành thép.
Trong đó, loại hình kiện nhiều nhất là chống bán phá giá (35 vụ), kiện chống trợ cấp (3 vụ), kiện "kép" chống bán phá giá lẫn trợ cấp (6 vụ) và sử dụng biện pháp tự vệ toàn cầu (13 vụ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận