Cho đến khi Bộ Thương mại Mỹ công bố tạm thời mức thuế cực lớn, lên đến 456% đánh vào nguyên liệu thép cán nguội và không gỉ từ VN vì nghi lẩn tránh thuế, chính các chuyên gia từng đưa ra cảnh báo nhiều lần về khả năng Mỹ "đánh chặn" hòng ngăn các tình huống gian lận xuất xứ hàng hóa cũng phải giật mình.
Cũng cần phải nói rõ khi nổ ra các sự việc trên, hầu hết hệ thống cảnh báo sớm về sự tăng/giảm bất thường cho tất cả các chủng loại hàng hóa xuất khẩu tiềm năng của VN được thiết lập trên website của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), hay của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), hoặc từ thống kê xuất nhập khẩu được cập nhật nửa tháng/lần của Tổng cục Hải quan đều đã được kích hoạt.
Tức là các cơ chế thiết lập để kiểm soát được sự bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả chủng loại hàng hóa trên lãnh thổ VN đều được cơ quan chức năng xây dựng dựa trên các công cụ kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ.
Thế nhưng không thể lý giải được vì sao các công cụ giám sát này lại không phát hiện và có giải pháp hữu hiệu trước lượng thép không gỉ và cán nguội xuất khẩu từ VN sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt đến 331,9% và 916,4% so với các năm trước đó, mà chỉ có Mỹ nêu đích danh bằng các tỉ lệ hết sức cụ thể.
Kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỉ USD/năm của ngành thép từ thị trường Mỹ chắc chắn không còn duy trì ở mức này trong vài tháng tới, thậm chí nhiều năm sau đó.
Nếu nhìn từ việc ngành da giày cũng từng bị áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu sang thị trường EU hồi năm 2005, dù mức thuế suất chỉ 10%, nhưng mãi đến 6 năm sau khi được dỡ bỏ thuế (năm 2011), các doanh nghiệp gần như phải gầy dựng lại từ đầu cho việc tiếp cận nhà đặt hàng mới.
Có thể thấy với quyết định áp thuế mạnh nói trên, chính sách thương mại của Mỹ muốn ngăn chặn tận gốc các hàng hóa gian lận xuất xứ từ nơi đã bị Mỹ "xử" thuế. Trong khi đó, không chỉ có ngành thép mới có nguy cơ bị gian lận xuất xứ. Chỉ cần nhìn 140 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của VN phải đối mặt với kiện tụng từ khắp các nước trong năm 2018 (trong đó Mỹ "sở hữu" 31 vụ), càng thấy nguy cơ từ nhiều ngành hàng khác là không
hề nhỏ.
Không còn nhiều thời gian để các cơ quan có thẩm quyền rốt ráo tìm các giải pháp khắc phục những kẽ hở còn tồn tại trong cơ chế giám sát xuất nhập khẩu hiện nay cho một loạt ngành xuất khẩu chủ lực khác của VN như dệt may, da giày, nông sản, thủy hải sản… nếu không muốn lặp lại cơn "địa chấn" như ngành thép vừa diễn ra.
Đặc biệt, khi hai hiệp định thương mại vô cùng quan trọng với VN là EVFTA và CPTPP đều đang dần đi vào quỹ đạo vận hành thì việc đòi hỏi một nguyên tắc xuất xứ hàng hóa hết sức minh bạch, đúng quy chuẩn, "sạch" từ nguồn nguyên liệu gốc để hưởng được mức thuế tốt từ các nước không còn là chuyện của riêng một ngành hay một doanh nghiệp.
Đó còn là bộ mặt của quốc gia, của đất nước thật sự hội nhập với thương trường quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận