29/04/2006 15:05 GMT+7

"Tá điền" và "địa chủ"

PHƯƠNG NGUYÊN - NGÔ ÁI NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN - NGÔ ÁI NGUYÊN

TTCT - Hàng chục năm qua, nhiều nông dân nghèo Cà Mau ở các huyện Phú Tân, Cái Nước, U Minh... sống kiếp “tá điền” làm thuê, mướn đất của những “điền chủ” là các “đơn vị kinh tế tự túc”.

qhYC7GCL.jpgPhóng to
Ông Quách Ủ, một tá điền cực nghèo ở LNT Sào Lưới, huyện Phú Tân, làm thuê cả đời nhưng không đủ ăn
TTCT - Hàng chục năm qua, nhiều nông dân nghèo Cà Mau ở các huyện Phú Tân, Cái Nước, U Minh... sống kiếp “tá điền” làm thuê, mướn đất của những “điền chủ” là các “đơn vị kinh tế tự túc”.

Khu rừng đước Kinh Mỏ Mẽ thuộc tiểu khu 080 của Ban quản lý (BQL) rừng Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) không còn là rừng. Cây đước bị chặt trơ gốc, bờ vuông tôm bị phá tan hoang, màu vàng úa của rừng chết xé lòng 20 hộ dân nhận khoán đất rừng đang sống trong những túp lều mục nát.

Người cùng khổ

Sở NN-PTNT thống kê: 13 lâm ngư trường, 5 ban quản lý rừng thì có 28.631ha rừng quốc doanh, 92 đơn vị tập thể nhận khoán 4.871ha, 107 người giàu nhận 6.551ha rừng, cho người làm thuê, hưởng lợi nhuận. Đến nay, các đơn vị quản lý đã thu hồi được 2.472ha đất của 19 đơn vị, 18 cá nhân nhận khoán trước đây.

Tỉnh Cà Mau có 242.900 hộ, 40.039 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 16,48%. Cà Mau hiện có 14.000 hộ nông dân không có đất sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Ngọc, 57 tuổi, hơn mười năm qua bám đất, bám rừng để cố nuôi bảy đứa con; 3,7ha đất rừng - tôm là tài sản lớn nhất của cuộc đời bà đang chờ thu hoạch. Bất ngờ BQL rừng cho người vào chặt cây bán rồi chia lại cho bà 40%. Nói đến chuyện này, bà không cầm được nước mắt: “Gia đình tôi được chia chưa tới 4,5 triệu đồng từ việc khai thác 3,7ha rừng. Hơn mười năm đầu tắt mặt tối giữ rừng, sống nhịn sống nhục nhưng giờ đây không trả được nợ thuế khoán, ngược lại còn mắc nợ lại trên 11 triệu đồng”. Bây giờ gia đình bà đã bị đuổi đi mà không biết sẽ tìm nơi đâu để trú ngụ, mưu sinh. Tuổi lại đã già, tiền không có để trả nợ.

Chị Nguyễn Thị Bảy, một người dân địa phương từng được chính quyền tặng giấy khen “hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, cũng bị thanh lý hợp đồng và thu hồi đất rừng. Còn chị Tô Thị Chiêm nộp 68 triệu đồng để nhận lại hợp đồng giao khoán đất rừng 7ha mới làm được một năm thì bị đuổi ra khỏi rừng. Hàng chục hộ dân nơi đây cũng cùng cảnh ngộ... trắng tay. BQL rừng Đất Mũi buộc họ phải tháo dỡ, di dời nhà cửa để rời đi.

Không còn đất, còn rừng, người dân nơi đây rơi vào cảnh khốn cùng, nhà không có ở, cơm không đủ ăn khiến tình hình an ninh nóng lên từng ngày. Người dân từng gắn bó với mảnh đất này không chịu rời bỏ rừng nhận khoán. Vài chục “tá điền” đã tràn vô trụ sở đội sản xuất đập phá tài sản, đồng thời bắt ông Huỳnh Thanh Phương, cán bộ BQL rừng, trói gô lại. Nhiều giờ đồng hồ sau lực lượng công an địa phương mới đến giải nguy.

Ông Quách Ủ ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, là một “tá điền” hai thời kỳ. Trước đây ông làm vuông, giữ rừng trên đất tự túc của Huyện ủy Cái Nước, sau đó thì miếng đất này được “xẻ thịt” chia cho rất nhiều cán bộ, hết lượt này đến lượt khác. Và số cán bộ này không trực tiếp làm mà mướn lại chính ông Ủ giữ rừng, giữ vuông với mức lương bèo 250.000 đồng/tháng, tự lo gạo.

Có người thì cho ông mướn đất với giá hàng chục triệu đồng/lô để ông nuôi tôm. Ông Ủ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để nộp đủ tiền cho “địa chủ cán bộ”, nhưng ngặt nỗi nuôi tôm là nghề khắc nghiệt nên cứ thất bát liên miên, ông còng lưng làm được bao nhiêu thì chủ nợ đến phỗng tay trên. Chúng tôi hỏi ông có làm đơn xin cấp đất ở Lâm ngư trường (LNT) Sào Lưới hay không, ông trả lời: “LNT Sào Lưới chỉ cấp cho cán bộ có chức có quyền, hoặc bán đất sản xuất cho dân giàu có, còn kiếp tá điền nghèo khổ như tôi thì làm sao được cấp mà xin với xỏ”.

Một cán bộ của xã Nguyễn Việt Khái bức xúc: “Dân chúng tôi còn hàng trăm hộ nghèo không có đất sản xuất, đất tự túc thu lại thì không xét giao cho họ mà cấp cho nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện, số “cán bộ địa chủ” này không canh tác, giữ rừng mà mướn tá điền làm hoặc sang bán hưởng lợi hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhiều lần đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, dân nghèo bỏ công ăn việc làm đến kín cả hội trường. Nhưng rồi nguyện vọng của họ cứ bị các đại biểu hứa hẹn tới lui khiến họ vô cùng thất vọng”.

Địa chủ mới

KSZRe2v3.jpgPhóng to
Xáng cạp vào rừng sên vuông nuôi tôm cho cán bộ
Vào năm 2002, Tỉnh ủy Cà Mau nhìn thấy được việc giao đất tự túc cho các đơn vị làm kinh tế giống một hình thức “đại địa chủ” vì các đơn vị này không trực tiếp sản xuất mà cho dân nghèo thuê mướn lại nên đã ra chỉ thị chấn chỉnh, thu hồi. Chủ trương thu hồi đất cấp khoán lại cho dân nghèo đã được thông qua. Một cuộc thanh lý, xóa sổ các “đại địa chủ” được tiến hành rầm rộ.

Ông Trần Văn Thức, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết qua thống kê cho thấy có hàng chục đơn vị “đại địa chủ” được giao đất làm kinh tế tự túc nhưng lại cho dân nghèo thuê mướn, diện tích cần phải thu hồi lên đến gần 3.000ha. Phần lớn là các đơn vị “vì dân”, như: công an nhân dân, lực lượng quân đội nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, huyện ủy, UBND huyện, ban tiếp dân tỉnh... Mỗi đơn vị nắm giữ diện tích từ vài chục đến cả trăm hecta.

Số đất đã thu hồi thực tế thời gian qua rất thấp, chưa đầy 1/3. Có thể điểm danh từng đơn vị dây dưa không muốn trả lại đất: trên phần đất của LNT Kiến Vàng có bốn đơn vị là phòng PA 25, phòng PA 16 Công an Cà Mau, Ban tiếp dân tỉnh Cà Mau, Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hiển; trên phần đất của BQL bảo vệ và phát triển rừng Năm Căn có các đơn vị Viện KSND tỉnh, Công an nhân dân Bạc Liêu, hậu cần Công an Cà Mau;

ở BQL bảo vệ và phát triển rừng Tắc Biển thì có phòng quân lương QK9, trung đoàn thông tin QK9, phòng KHHS Công an Cà Mau; ở LNT Sào Lưới có Cục Kỹ thuật QK9, pháp chế QK9, đại đội kinh tế quốc phòng QK9, phòng chính trị Tỉnh đội Cà Mau, Công an huyện Cái Nước, huyện đội Cái Nước, phòng kỹ thuật Tỉnh đội Cà Mau.

Riêng LNT Tam Giang 1 có tổng cộng 45 “đại địa chủ” giữ 1.137ha nhưng chưa “ông” nào chịu nhả ra để chính quyền địa phương cấp khoán lại cho dân nghèo canh tác.

Còn số đất đã được thu hồi cũng chẳng đến được tay dân nghèo. Rất nhiều diện tích trong số ấy đã chảy vào tay nhiều cán bộ cộm cán từ tỉnh đến huyện, xã. Nhiều tá điền phải thuê, mua lại hoặc làm mướn cho các “địa chủ thế hệ mới” ngay chính trên mảnh đất mà gia đình mình đã canh tác trước đây. Chức vụ càng cao, người càng giàu có thì thâu tóm đất đai càng rộng.

Ông Quách Ủ đã thật thà cho biết từng giữ đất cho ông Nguyễn Quốc Tuấn từ tháng 7-2004 với mức khoán 15 triệu đồng/năm/5ha. Làm không có lời, không đủ tiền trả nên mới đây ông Tuấn đã đòi lại đất. Ông Tuấn là cán bộ Ban tổ chức Huyện ủy Cái Nước, hai vợ chồng ông đứng hai tên để được LNT Sào Lưới cấp mỗi người 2,5ha. Cuộc đời cán bộ của ông đã chuyển ngoặt sang “địa chủ” khi cho dân nghèo thuê mướn thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Khu vực đất tự túc của Huyện ủy Cái Nước vừa được thu hồi đã bị LNT Sào Lưới chia năm xẻ bảy cấp phát vô tội vạ cho cán bộ, có người được cấp rồi sau đó đem bán và lại được cấp lần hai, lần ba. Diện tích mỗi lần mà các cán bộ này nhận lên đến 7-8ha. Người đứng ra làm trò “lấy đất lấp miệng em” này không ai khác hơn là ông Đoàn Tấn Tài, giám đốc LNT Sào Lưới. Ông Quách Ủ cho biết thêm chỉ bốn cán bộ lớn của tỉnh và huyện Cái Nước đã nắm trong tay đến 32ha và số đất này không có “cán bộ địa chủ” nào đứng ra sản xuất. Ông Ủ đã từng thuê, giữ các miếng đất này nên biết rõ nội tình.

Chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Văn Xuân, người đang giữ 7ha thuộc LNT Sào Lưới. Anh Xuân tiết lộ: đất này sang lại của ông Phạm Minh Quang, nguyên bí thư Huyện ủy Cái Nước, hiện là chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy. Vợ ông Quang đứng ra sang bán vào giữa năm 2004 với giá khoảng 30 lượng vàng.

Chưa hết, ở miếng đất tự túc của Huyện ủy Cái Nước trả lại cho LNT Sào Lưới thì ông giám đốc Đoàn Tấn Tài lại xẻ cấp cho ông Quang một miếng nữa với diện tích 8ha. Gần đấy, ông Nguyễn Trung Liệt (cán bộ Huyện ủy Cái Nước) nhận 8,5ha, ông Châu Nam Trung (nguyên phó bí thư Huyện ủy Cái Nước, giám đốc Trường Chính trị tỉnh) nhận 8ha... Ngoài ra, anh em, dòng họ của ông Đoàn Tấn Tài cũng được ban phát diện tích đất rừng cò bay thẳng cánh.

Cụ thể là ông Ngô Văn Thống, em vợ ông Tài, đã có 3ha đất sản xuất ở ấp Tân Quảng Tây lại được nhận 9ha; ông Ngô Văn Phúc, em vợ ông Tài, có 3ha vẫn được cấp thêm 5ha nhưng không làm mà bán lại cho người khác hàng trăm triệu đồng; bà Đoàn Thị Nhung, em ruột ông Tài, ở miền Trung vừa vào cũng được ông cấp cho 5ha...

Ngoài việc thu hồi đất tự túc cấp cho vô số cán bộ, ông Đoàn Tấn Tài còn lấy đất bán cho những người giàu có, mỗi người vài chục hecta. Trong khi đó hàng trăm hộ dân nghèo không có đất ở địa phương lại còng lưng ra làm tá điền cho cán bộ.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, ở Cà Mau có hàng chục cán bộ từ tỉnh đến huyện đã nhận đất nhưng để cho người khác sản xuất, cho thuê đất hoặc mướn tá điền canh giữ.

Có thể kể ra, đó là ông Tô Quang Phúc và ông Trần Thanh Đồng, cán bộ văn phòng tỉnh ủy, mỗi người 2,5ha; Trần Ngọc Thạch, cán bộ Phòng thống kê huyện Phú Tân, 2ha; Nguyễn Hùng Chiến, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Cái Nước, 2ha; Cao Anh Bạn, cán bộ thị trấn Cái Nước, 2ha; Phan Ngũ Hanh, cán bộ liên minh HTX tỉnh Cà Mau, 3,7ha; Nguyễn Quốc Tuấn, cán bộ BTC Huyện ủy Cái Nước, và vợ ông nhận 5ha; bà Nguyễn Bích Hạnh, thường trực HĐND tỉnh Cà Mau, nhận 2,2ha; Nguyễn Văn Rện, cán bộ Huyện ủy Cái Nước, và vợ nhận 5ha; Võ Văn Tiến và Trần Cẩm Hồng, Sở Tài chính Cà Mau, mỗi người nhận 2,5ha...

PHƯƠNG NGUYÊN - NGÔ ÁI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên