18/07/2020 21:48 GMT+7

Svetlana Alexievich - tác giả mà người Việt Nam rất cần đọc

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một cuộc trò chuyện xoay quanh ba tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel năm 2015 Svetlana Alexievich vừa diễn ra chiều tối 18-7 tại Đường sách TP.HCM trong cơn mưa rào mùa hạ.

Svetlana Alexievich - tác giả mà người Việt Nam rất cần đọc - Ảnh 1.

Dịch giả Phan Xuân Loan (thứ ba từ trái sang) đang giới thiệu những "cuộc trường chinh" của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich - Ảnh: L. ĐIỀN

Hai dịch giả Phan Xuân Loan, Phạm Ngọc Thạch và TS Bùi Trân Phượng cùng gặp nhau ở chủ đề văn chương gắn liền với lịch sử: Những tiếng nói không tưởng

Đây cũng là điểm chung của bộ ba tác phẩm của Svetlana Alexievich đã ra mắt độc giả VN: Lời nguyện cầu Chernobyl, Zinky Boys những cậu bé kẽm, Những nhân chứng cuối cùng - Solo cho giọng trẻ em.

Những tác phẩm văn học lớn luôn chứa đựng những sự thực lớn

Dịch giả Phan Xuân Loan theo dõi hành trình sáng tác và từng chuyển ngữ tác phẩm của Svetlana Alexievich, đã dùng hình ảnh "làm một cuộc trường chinh" để ví von quá trình viết lách của tác giả. 

"Với mỗi cuốn sách, Svetlana phải phỏng vấn từ 500 tới 700 nhân vật, và còn có cả những người sau khi sách ra thì nổi giận đâm đơn kiện tác giả".

Câu chuyện xử án văn chương là có thật. Sự cố xảy ra với tác phẩm Zinky Boys những cậu bé kẽm, một phiên tòa đã mở ra năm 1993 sau khi tác phẩm ra mắt trước đó 4 năm. Tuy nhiên, Svetlana không tâm phục khẩu phục phiên tòa, bà yêu cầu giám định thể loại văn chương "truyện vừa tư liệu" của bà, nhưng tòa không giám định. 

Trong khi đó, tác phẩm của bà công bố các sự thực từ lời kể của nhân chứng, nhưng nó xuất hiện không như các nhân chứng hình dung. 

Có người ôm ấp niềm tin mình từ Nga đến chiến trường Afghanistan là vì lý tưởng cao đẹp, là thực hiện nghĩa vụ với đất nước..., nhưng khi sách của Svetlana in ra, có những sự thực khác, có hậu quả cuộc chiến, có tính chất phi lý của chiến tranh, có sự tàn bạo và biết bao di chứng từ cuộc chiến đang đè nặng lên đời sống cả tinh thần và vật chất của nhiều người...

Chính điều này dẫn dắt thể loại văn chương truyện vừa tư liệu của bà đến tầm vóc nhân loại, mà giải tưởng Nobel là minh chứng gần nhất.

Theo cảm nhận của TS Bùi Trân Phượng, những tác phẩm văn học lớn luôn chứa đựng những sự thực lớn: đó là quá khứ của con người. Và với các tác phẩm của những tác giả tầm cỡ như Svetlana Alexievich, nhiều khi sự thực trong đó còn hấp dẫn hơn cả trong các tác phẩm sử học hàn lâm. 

Chính ở thể loại văn học này, chúng ta biết được sự thực về lịch sử chiến tranh thế giới, về cuộc chiến ở Afghanistan. Quan trọng là chúng ta biết được chiến tranh không chỉ là chuyện của hai bên, hai chế độ, mà chính là chuyện của con người; chiến tranh tác động vào từng con người cụ thể, làm thay đổi họ đến mức khó tin. "Như vậy thì làm sao chúng ta bàng quan được" - bà Phượng nhấn mạnh.

Svetlana Alexievich - tác giả mà người Việt Nam rất cần đọc - Ảnh 2.

Rất đông bạn đọc đã đến và ở lại đến cuối buổi giao lưu - Ảnh: L. ĐIỀN

Sự thật ghê tởm của chiến tranh và sự trung hậu của con người

TS Bùi Trân Phượng nhắc một câu của Svetlana Alexievich mà bà tâm đắc: "Ký ức không chỉ là kiến thức, ký ức còn là cảm xúc", và lưu ý rằng đây chính là tác giả mà người Việt Nam rất cần phải đọc. bởi đất nước chúng ta cũng từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng một cây bút tầm cỡ với các tác phẩm văn chương chiến tranh tầm cỡ như thế này thì ta chưa có.

Bổ sung cho ý này, dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho rằng với tác phẩm Lời nguyện cầu Chernobyl, Svetlana Alexievich còn đưa ra thông điệp rằng không chỉ chiến tranh hạt nhân mà hòa bình hạt nhân cũng nguy hiểm ghê lớm lắm. 

Và trong tác phẩm của bà, ngoài việc phơi bày sự thật trần trụi ghê tởm của chiến tranh, còn những trường đoạn lột tả sự trung hậu của người Nga, khắc họa tính cách Nga. 

"Có những câu hỏi từ tác phẩm của Svetlana kiểu như ‘tôi đến đây để làm gì? tại sao?’. Những câu hỏi ấy làm giật mình mọi người, mang người ta trở lại làm người - điều mà người ta đã bị đánh mất trước đó do cuộc chiến", TS Bùi Trân Phượng góp lời. Và đó chính là tác dụng của văn chương. Nói một cách hình tượng, văn chương của Svetlana Alexievich không chỉ nói về sự trung hậu Nga mà là sự trung hậu của con người.

"Tôi có quyền thể hiện cảm xúc về sự thực lịch sử"

Một bạn đọc nữ nêu câu hỏi về thể loại văn chương truyện vừa tư liệu mà Svetlana Alexievich sử dụng. Theo đó, liệu sự thật trong tác phẩm loại này có phải là một nửa sự thật không. TS Bùi Trân Phượng cắt nghĩa rằng tác phẩm hư cấu vẫn là hư cấu dựa trên thực tế, mổ xẻ thực tế, mạnh mẽ hơn cả thực tế trong đời sống thường ngày.

Có như vậy tác phẩm văn chương lớn thực sự thì có sức sống mãnh liệt và nội dung tư tưởng có tầm nhân loại. Còn sự thực có tính khoa học không có nghĩa là tuyên xưng chân lý và cấm cãi, mà khoa học là nghiêm túc trình bày cách hiểu với sự chân thực tối đa đến mức có thể.

Ở phương diện này, dịch giả Phan Xuân Loan nhắc một quan niệm của Svetlana Alexievich, để làm rõ hơn thể loại văn chương mà bà lựa chọn, rằng "Tôi có quyền thể hiện cảm xúc về sự thực lịch sử, vì tôi cũng chính là lịch sử".

Nhà văn Nobel Svetlana Alexievich: “tôi là người của nền văn hóa cổ” Nhà văn Nobel Svetlana Alexievich: “tôi là người của nền văn hóa cổ”

TTCT - Nữ nhà văn Belarus đoạt Nobel văn học 2015 Svetlana Alexievich là “nạn nhân” mới nhất của mạng xã hội trong số các nhà văn nổi tiếng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên