21/01/2011 06:00 GMT+7

Sức mạnh của thương hiệu

NGỌC VINH
NGỌC VINH

TT - Năm nào đến tết cũng vậy, cảnh xếp hàng mua vé lại diễn ra hỗn loạn ở bến xe miền Đông, nơi có nhiệm vụ đưa số lượng lớn người ngụ cư tại TP.HCM có gốc gác các tỉnh miền Trung và miền Bắc về quê sum họp gia đình.

Chỉ đơn giản là mua một tấm vé về quê ăn tết vậy mà hàng ngàn con người phải cực kỳ vất vả, phải ra bến từ giữa khuya, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí có người yếu sức chen lấn đã phải nhập viện cấp cứu.

Không phải những con người đó sợ không mua được vé xe đò để về quê (vì ban quản lý bến xe đã cam đoan đảm bảo đủ xe để đưa tất cả mọi người về quê ăn tết) mà họ chấp nhận khổ cực chỉ vì... thương hiệu của Hãng Mai Linh! Những quầy vé của bến xe đầy vé nhưng chẳng ai chịu đến xếp hàng như đã xếp hàng tại quầy vé của Mai Linh.

Tết năm ngoái, các hãng xe thương hiệu đã tăng cường thêm 400 xe mà họ thuê từ các nguồn nhưng chẳng thấm tháp gì so với số lượng khách đông như thế. Chắc chắn các hãng này không muốn mất khách nhưng lực của họ thì bất tòng tâm. Năm nay chắc có lẽ tình hình cũng chẳng khá gì hơn.

Một vé xe tết của Hãng Mai Linh đi từ TP.HCM đến Hà Nội có giá 930.000 đồng, trong khi vé xe thường chỉ 610.000 đồng, thế nhưng tại sao Mai Linh cũng như các hãng xe đò thương hiệu khác như Phương Trang, Chín Nghĩa, Hoàng Long lại được người dân chọn lựa?

Cơ bản vì các hãng này đã tạo dựng được thương hiệu của họ quanh hai chữ uy tín và tiện nghi: xe của họ là xe tốt, có ghế nệm bật ra để ngả lưng thoải mái, có phục vụ chu đáo, không dừng xe đón khách dọc đường, quan trọng nhất là có trạm nghỉ chân ăn uống riêng cho hành khách, bảo vệ họ khỏi sa vào cái bẫy cơm tù cơm chém.

Trong dịp tết này, Mai Linh còn chơi đẹp khi bao ăn cho hành khách trên bốn tuyến đường xa là Quy Nhơn (tuyến này giá vé của họ chỉ hơn giá vé xe thường 30.000 đồng), Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Hà Nội...

Điều này cho thấy cách làm ăn chụp giựt của cái kiểu xe đò ngày xưa nhồi nhét khách trong thùng để hàng đang dần đi vào chỗ chết, trong khi nhu cầu hưởng thụ dịch vụ cao của người dân ngày càng tăng lên, và đó là một nhu cầu chính đáng trong một xã hội đang phát triển như chúng ta.

Trong lĩnh vực vận chuyển hành khách những năm qua đã diễn ra một cuộc cạnh tranh lặng lẽ nhưng cực kỳ khốc liệt giữa các hãng xe đò. Quá trình cạnh tranh lành mạnh này dù có làm một số hãng xe nhỏ lụi tàn nhưng nó giúp chất lượng vận chuyển hành khách ngày càng tốt lên và cũng là dịp để các doanh nghiệp khẳng định sức mạnh thương hiệu của mình.

Tại Việt Nam, thương hiệu đang bắt đầu trở thành một thành tố quan trọng trong văn hóa và trong nền kinh tế. Việc chọn thương hiệu của người dân chỉ riêng trong lĩnh vực đi xe đò thôi cũng đã biểu lộ xu hướng tiêu dùng của họ trong thời đại ngày nay. Đó cũng là một thứ bản sắc mà xã hội cần phải học cách tôn trọng để làm sao cho cảnh chen lấn hỗn loạn tại bến xe miền Đông mỗi dịp cuối năm không tái diễn!

NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên