06/05/2023 15:51 GMT+7

Sức khỏe học sinh bị sốc nhiệt khi tập chạy ở trường đã ổn

Sau hai ngày điều trị tổn thương gan, thận do sốc nhiệt, sức khỏe của học sinh T.T.K. (14 tuổi) được cải thiện, dự kiến xuất viện vào ngày 8-5.

Sức khỏe học sinh bị sốc nhiệt khi tập chạy ở trường đã ổn - Ảnh 1.

Sau hai ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), tổn thương gan, thận vì sốc nhiệt của học sinh 14 tuổi đã được cải thiện - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Onlline ngày 6-5, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết hiện sức khỏe của em K. đã ổn định, tổn thương gan và thận hồi phục tốt. Dự kiến ngày 8-5 K. sẽ xuất viện. 

Vì cơ thể vừa trải qua sốc nhiệt do gắng sức, bác sĩ lưu ý trong thời gian tới, K. cần tập luyện ở cường độ nhẹ, vừa phải, trong mát, hạn chế tối đa dưới nắng nóng.

Được biết K. là học sinh một trường năng khiếu ở tỉnh Long An với bộ môn chính là điền kinh. Thầy giáo cho biết trước nay sức khỏe và thể lực của K. tốt, không mắc bệnh nền.

Hằng ngày ở trường, K. cùng bạn bè trong lớp chạy khoảng 4km trong vòng 23 phút. Sau nhiều ngày nghỉ lễ, vừa qua, sáng 4-5, thầy giáo cho K. chạy 4km trong vòng 30 phút quanh sân bóng nhà trường. Trước khi chạy, K. cũng có khởi động nhẹ là chạy chậm.

Theo bác sĩ Tiến, cự ly chạy trên là phù hợp với thể trạng một học sinh năng khiếu như K. "Em rơi vào tình trạng heat stroke (sốc nhiệt) ở dạng gắng sức nhẹ trong môi trường nắng nóng, khiến nhiệt độ trung tâm cơ thể vượt mức cho phép", bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm sốc nhiệt (dân gian hay gọi là say nắng hoặc say nóng) là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (40-41 độ C) khi nhiệt môi trường gia tăng, cơ thể không có khả năng tiêu tan, tản mát nhiệt nội sinh. Hoặc là sự kết hợp của hai yếu tố này, dẫn đến có thể nhanh chóng tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm, gồm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

Trong đó sốc nhiệt kinh điển (classic heat stroke) hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết, bệnh lý nền. Họ tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Còn sốc nhiệt do gắng sức (exertional heat stroke) hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức. Em K. rơi vào trường hợp này.

Bác sĩ Tiến lý giải: khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài. Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể.

Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất.

Ngược lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Ngay cả những người trẻ khỏe nếu hoạt động dưới ánh nắng gắt kéo dài cũng có thể bị sốc nhiệt.

Phòng sốc nhiệt cho trẻ vào mùa hè

Để phòng trẻ không bị sốc nhiệt trong mùa hè, phụ huynh và nhà trường cho trẻ vui chơi hay tập luyện trong môi trường thoáng mát.

Khi cần phải cho trẻ tập luyện ngoài trời nắng thì trước đó vài ngày nên có thời gian cho trẻ ra nắng để cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng. Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, mỏng, ngắn tay, màu sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng.

Nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì giới hạn mỗi lần tập 20-25 phút, tối đa 45-60 phút/ngày và nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước. Nhà trường thiết kế sân chơi, tập luyện thể thao thoáng mát có mái che.

Cần chú ý những triệu chứng của sốc nhiệt gồm: nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi vọp bẻ, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.

Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng sẽ ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.

Cần làm gì khi bị sốc nhiệt?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn, khi phát hiện người có các triệu chứng sốc nhiệt nêu trên cần đưa nạn nhân ra khỏi chỗ nắng nóng, rồi cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát.

Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, rồi dùng khăn tẩm nước mát lạnh đắp vùng trán, gáy, nách và lau khắp người bị sốc nhiệt để làm hạ thân nhiệt họ. Có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt, tản nhiệt dễ dàng hơn.

Theo dõi thân nhiệt nạn nhân cho đến khi hạ xuống dưới 38 độ C. Đồng thời cho uống nhiều nước để bù các chất điện giải, như: nước chín, nước lọc, nước Oresol.

Khi nạn nhân có biểu hiện lừ đừ, mệt, bứt rứt, da xanh tái..., nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trẻ nên vận động, học thể dục thế nào dưới trời nắng nóng?Trẻ nên vận động, học thể dục thế nào dưới trời nắng nóng?

Các bác sĩ cho biết khi thời tiết nắng nóng trẻ rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt nếu tham gia các hoạt động thể thao mạnh ngoài trời quá lâu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên