26/08/2018 18:41 GMT+7

'Sửa chữa sai lầm lớn nhất trong đời'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Từ bỏ Đảng UMNO suốt 6 thập kỷ gầy dựng để thành lập đảng mới với những đối thủ từng một thời bị chính mình truy tố, bỏ tù. Trong lịch sử thế giới cũng như lịch sử Malaysia, không có trường hợp nào giống như của ông Mahathir Mohamad.

Sửa chữa sai lầm lớn nhất trong đời - Ảnh 1.

Ông Anwar Ibrahim phủi bụi giúp trên áo cho ông Mahathir trong một cuộc họp báo năm 1997 - Ảnh: AFP

Trong chính trị không có bạn hay thù, chỉ có những quyền lợi. Ông Mahathir không còn nhiều lựa chọn.

Ibrahim Suffian (chuyên gia phân tích chính trị của Trung tâm nghiên cứu Merdeka)

Ông là thủ tướng đầu tiên của Malaysia từng thuộc về hai đảng khác nhau và đối lập nhau ở đất nước này. 

Trở lại chính trường sau 15 năm nghỉ hưu, ông trở thành người lĩnh xướng của Liên minh Hi vọng (Pakata Harapan) gồm 4 đảng phái là PKR, DAP, Parti Pribumi Bersatu Malaysia và Amanah với mục tiêu tối thượng: lật đổ đứa học trò Najib Razak đã "mờ mắt vì tiền".

Sai lầm lớn nhất

15 năm trước, ngày 25-10-2003, khi tuyên bố rời chính trường nghỉ hưu, ông Mahathir đã khiến cả 21 triệu người dân Malaysia khi đó bất ngờ, kể cả những đồng minh chính trị gần gũi nhất lẫn giới chính trị gia nước ngoài. 

Ngay cả vợ ông, bà Siti, cũng đã thở dốc khi nghe tuyên bố của chồng. Khi quyết định rời cương vị năm xưa, ông Mahathir đã chọn ông Abdullah Ahmad Badawi là người tiếp nối sự nghiệp cho mình và chọn ông Najib Razak làm phó thủ tướng, đồng thời tuyên bố sẽ lánh xa chính sự.

Tới năm 2009, ông Abdullah từ chức (thực tế cũng là dưới áp lực của ông Mahathir) và ông Razak trở thành thủ tướng thứ 6 của Malaysia. 

Thoạt đầu ông Mahathir ủng hộ điều này, nhưng sau các cáo buộc phanh phui việc ông Najib rút ruột hàng trăm triệu USD từ quỹ phát triển nhà nước 1MDB, ông Mahathir cho rằng mức độ tham nhũng của thủ tướng Najib Razak là "chưa từng có tiền lệ".

Tháng 7-2015, báo Wall Street Journal phanh phui chuyện 700 triệu USD đã được chuyển từ quỹ 1MDB vào tài khoản ngân hàng riêng của ông Najib. 

Cũng trong tháng đó, Bộ Tư pháp Mỹ phát lệnh tịch thu các tài sản lớn nhất của quỹ này với hơn 1 tỉ USD giá trị tài sản bị cáo buộc đánh cắp từ 1MDB, buộc tội các đồng bọn của ông Najib "rút ruột" ít nhất 4,5 tỉ USD trong quỹ này.

Là người rõ ràng có vai trò rất lớn trong việc đưa người học trò "cưng" một thời, cũng là con trai của vị thủ tướng thứ 2 của Malaysia (ông Abdul Razak) lên làm thủ tướng, ông Mahathir rất đau lòng khi chứng kiến sự suy thoái của đảng cầm quyền UMNO, và của Razak.

"Tôi tưởng anh ta (Najib Razak) giống với cha mình (Abdul Razak), nhưng anh ta khác hẳn. Anh ta tin là có tiền anh ta có thể làm mọi thứ. Nhưng vì anh ta không có tiền nên đã quyết định ăn cắp. Các đoàn đại biểu quốc hội đã yêu cầu tôi "hãy làm gì đó". Tôi đã cố gắng khuyên nhủ anh ta. Nhưng không ăn thua. Và rốt cuộc tôi quyết định chống lại anh ta" - ông Mahathir giải thích về quyết định trở lại chính trường với tờ Time.

Ông cũng thừa nhận trước mọi người sai lầm lớn nhất trong đời ông là đã đưa ông Najib Razak lên làm thủ tướng. Những ung nhọt của giới cầm quyền dưới thời ông Najib là lý do để ông "xuất núi", thành lập đảng riêng chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Sửa chữa sai lầm lớn nhất trong đời - Ảnh 3.

Ông Anwar Ibrahim trong phiên tòa buộc tội ông tại Kuala Lumpur năm 2015 - Ảnh: REUTERS

Cái bắt tay lịch sử

"Rất khó để lật đổ một thủ tướng" - ông Mahathir thành thực thừa nhận trong cuộc vận động tranh cử tại bang quê nhà Kedah. Chính ông đã góp phần vun đắp nên vị thế vững chãi cho UMNO trong 6 thập kỷ qua. 

Kể từ cuộc bầu cử lần đầu khi Malaysia độc lập năm 1957 cho tới trước cuộc bầu cử vừa rồi, UMNO chưa từng thất bại. 

"Thực sự không dễ dàng với tôi khi gia nhập một đảng vốn không vui vẻ gì với mình trong quá khứ, nhưng nỗ lực lật đổ Najib còn lớn hơn những cảm xúc của tôi" - ông chia sẻ trong bài phát biểu sau khi được đề cử làm đại diện tranh cử của đảng đối lập.

Rất nhiều người còn nhớ câu nói quyết liệt của ông trong những giờ cuối cùng của chiến dịch tranh cử tháng 5 vừa qua: "Lần này chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi chính phủ. Chính phủ đã ở đó hơn 60 năm rồi. Và giờ đã đến lúc nó phải ra đi". 

Nếu không có Mahathir, liên minh đối lập Hi vọng gồm 4 đảng không có ai đủ uy tín để thuyết phục cử tri thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần, tôn giáo tại Malaysia.

Cuối năm 2016, chính giới và dư luận Malaysia đã chứng kiến một sự kiện "lịch sử" khi hai cựu thù một thời, ông Mahathir Mohamad và người từng là phó thủ tướng cho ông, chính trị gia Anwar Ibrahim, chính thức xóa bỏ mọi xung đột, bắt tay nhau thể hiện tinh thần đoàn kết tại phòng xử án, cùng nhau khởi động chiến dịch lật đổ ông Najib Razak để tái lập trật tự đất nước. 

"Không ai ngờ trong đời họ lại có dịp chứng kiến cảnh hai người đàn ông này vùi lấp hận thù, bắt tay nhau" - ông Surendran, luật sư của ông Anwar, nói.

Năm 1997, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, thủ tướng Mahathir đã phế truất và bỏ tù ông Anwar (lúc đó là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính) vì ông này phản đối chính sách kiểm soát tiền tệ của ông. 

Thực sự cái bắt tay "lịch sử" của hai "gã khổng lồ" chính trị Malaysia hôm đó đã toát lên vẻ đẹp của tinh thần vì dân vì nước. 

Bước qua quá khứ và thù hận, hai người đã cùng chia sẻ quyết tâm giải quyết khối ung nhọt đang mưng mủ của chính quyền Malaysia đương nhiệm.

"Cha tôi vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi phải biết tha thứ - bà Nurul Izzah Anwar, con gái của chính trị gia Anwar Ibrahim, nói với Đài ABC (Úc) - Việc cha tôi bắt tay và nở nụ cười ấm áp (với ông Mahathir) đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiến về phía trước để củng cố nền dân chủ Malaysia, thay vì chỉ tập trung vào nỗi đau cá nhân".

Ông James Chin, giám đốc Viện châu Á tại Đại học Tasmania, cho rằng ông Mahathir được bầu lên như một "nhân vật chuyển giao" nhằm tái thiết chính phủ và mở đường để ông Anwar nối bước.

Sửa chữa sai lầm lớn nhất trong đời - Ảnh 4.

Ông Najib Razak lúc còn đương nhiệm - Ảnh: AFP

"Chữa lành" cho một Malaysia đang "lâm bệnh"

Trả lời truyền thông quốc tế trước ngày bầu cử, ông Mahathir cho biết nếu đắc cử, ông cũng không muốn tại nhiệm quá lâu. Nhưng trong giai đoạn đầu ông cần giải quyết rất nhiều vấn đề. Vì những người khác không có kinh nghiệm nên họ cần ông ở lại giúp.

Ông cho biết có thể tại nhiệm 2 năm. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông hi vọng vẫn có thể cố vấn cho chính phủ. Sau khi ông nghỉ, theo kế hoạch đã thống nhất, ông Anwar Ibrahim sẽ thay ông làm thủ tướng Malaysia.

_____________________________________________

Kỳ tới: Kỳ vọng gì vào sự trở lại của ông Mahathir?

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên