TTO - Hơn 60 năm kể từ ngày giành độc lập (1957), Malaysia ngày nay đã sắp trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Để đi đến thành công này, các thế hệ lãnh đạo Malaysia ý thức được cái đầu tiên họ phải giữ gìn chính là bản sắc dân tộc.

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 1.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và công trình "để đời" Putrajaya - Ảnh: BACALAH MALAYSIA

Putrajaya là một thành phố được quy hoạch và xây dựng mới hoàn toàn nằm trên diện tích khoảng 50 km2, cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia 25km về phía nam. "Putra" trong tiếng Phạn là "con trai", "jaya" mang ý nghĩa "chiến thắng" hoặc "thành công".

Tại Malaysia, ai cũng biết Thủ tướng Mahathir Mohamad là người thai nghén ra dự án Putrajaya. Năm 1993, chính phủ Malaysia chọn ra 6 công ty tư vấn thiết kế có năng lực nhất, và họ trình tất cả phương án xây dựng cho ông Mahathir chỉ trong vòng 3 tháng của năm 1994.

Thật ra, nói cho đúng thì ông Mahathir là người hoàn thiện và hiện thực hóa Putrajaya, còn bản thân dự án này là hình bóng phản chiếu hệ tư tưởng của nhà cầm quyền, cụ thể là đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO).

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 2.

Với việc chọn địa điểm bên ngoài Kuala Lumpur, sự hình thành Putrajaya định nghĩa lại vai trò và hình ảnh của Kuala Lumpur, làm giảm tầm quan trọng của thành phố này.

Khẩu hiệu chính thức mô tả Putrajaya là "Sự ra đời của một thành phố 40 năm sau ngày độc lập" - biểu tượng cho sự thoát ly khỏi "thành phố thuộc địa" Kuala Lumpur.

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 3.

Putrajaya là một thành phố được quy hoạch và xây mới hoàn toàn của Malaysia - Ảnh: AFP

Khi định hình ra Putrajaya, Thủ tướng Mahathir mong muốn có được những công trình biểu tượng và một thành phố đại diện cho dân tộc Mã Lai. Ông muốn người dân có thể tự hào giới thiệu với bạn bè nước ngoài một nền kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, thay vì những tòa nhà có từ thời thuộc địa Anh hay các công trình của người Hoa vốn chiếm ưu thế ở Kuala Lumpur.

Trong một dịp phỏng vấn thời đó, ông Mahathir không che giấu sự thất vọng: "Thử loại ra yếu tố Trung Quốc xem chuyện gì xảy ra? Lấy Kuala Lumpur làm ví dụ, nếu chúng ta lấy ra hết các công trình do người Hoa xây dựng, những gì còn lại chỉ là Kampung Baru. 44 năm sau Ngày Độc lập chúng ta chỉ có một nơi ở Kampung Baru… Thử nghĩ về chuyện đó xem".

Sự bất mãn của ông Mahathir về Kuala Lumpur không liên quan đến sắc tộc, vì người Mã Lai ở Kuala Lumpur cũng đông như người Hoa. Điều khiến ông không vui là sự áp đảo của kiến trúc thuộc địa trộn lẫn phong cách Trung Hoa ở khắp nơi, nhà cửa và cao ốc toàn những công trình hiện đại, không có chút gì gọi là "của người Mã Lai".

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 4.

Từ phát biểu trên có thể rút ra 2 điều:

(1) Ông Mahathir cho rằng sự tồn tại và năng lực của một dân tộc (trong trường hợp này là người Mã Lai) có thể được chứng minh qua việc xây dựng đô thị với các công trình kiến trúc tiêu biểu. Nếu Kuala Lumpur là sản phẩm của người Anh và người Hoa, thành phố mới sẽ khác vì đây là thủ phủ đầu tiên do người Mã Lai xây.

(2) Do ông Mahathir không xem Kuala Lumpur là bản sắc của người Mã Lai, vậy thì thành phố đại diện được cho người Mã Lai phải là nơi bản sắc của người Mã Lai chiếm ưu thế. Putrajaya là câu trả lời cho ước mơ đó.

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 5.
Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 6.

Có thể tóm gọn rằng tầm quan trọng của Putrajaya không nằm ở ý nghĩa "thủ phủ hành chính mới sau ngày độc lập", cái quan trọng là nó do người Mã Lai xây dựng.

Tương quan vị trí của Putrajaya so với Kuala Lumpur tạo ra một vùng đất với "địa lý kép": Kuala Lumpur - nơi người Hoa và các sắc dân khác sống hòa trộn với nhau; Putrajaya - nơi người Mã Lai chiếm đa số. Do Putrajaya được xác định là thủ phủ hành chính mới, nó nghiễm nhiên trở thành biểu tượng quyền lực cho dân tộc Mã Lai.

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 7.

Tòa nhà Văn phòng Thủ tướng Malaysia ở khu đô thị hành chính mới Putrajaya - Ảnh: STAR PROPERTY

Tuyên ngôn chính trị được thể hiện khá rõ ở Putrajaya với tòa nhà Văn phòng Thủ tướng nằm ở vị trí trung tâm trên nền đất cao hết sức uy nghi, cách đó không xa là Cung điện Hoàng gia.

Tại Malaysia, có một nhận thức chung rằng Thủ tướng phải là người Hồi giáo và gốc Mã Lai; do đó tòa nhà Văn phòng Thủ tướng đại diện cho quyền lực chính trị của người Mã Lai.

Cùng với việc người Mã Lai di cư bớt sang Putrajaya, ấn tượng "Trung Hoa" ở Kuala Lumpur càng thêm đậm nét. Trong tầm nhìn phát triển đến năm 2020, Malaysia xác định Kuala Lumpur là một trung tâm tài chính, tách bạch hẳn với vai trò chính trị / lãnh đạo của Putrajaya.

Khu đô thị mới Putrajaya - dấu ấn của Thủ tướng Mahathir - Ảnh 8.

Quảng trường Putra ở Putrajaya nhìn từ trên cao - Ảnh: MALAYSIA HERITAGE

Dự án Putrajaya có thể xem là cuộc hôn phối giữa công nghệ hiện đại và biểu tượng Hồi giáo, tất cả nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Hồi giáo tiến bộ hiện đại của ông Mahathir và đảng UMNO, tái định hình lại Malaysia như một trung tâm mới của nền văn minh Hồi giáo.

Kiến trúc của Putrajaya mang âm hưởng của 3 đất nước Hồi giáo Trung Đông là Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố được chia thành 2 khu vực, một bên là khu đất cao - nơi đặt các tòa nhà chính phủ, phần còn lại là công trình hỗn hợp và khu dân cư.

Giao thông hai khu vực được liên kết bằng 8 cây cầu với 8 phong cách khác nhau.

8 cây cầu với 8 phong cách khác nhau liên kết hai khu vực của thành phố Putrajaya - Ảnh: MALAYSIA HERITAGE

Đáng chú ý, Putrajaya không phải là thành phố Hồi giáo duy nhất được ông Mahathir hình dung. Mọi kiến trúc và mô hình quy hoạch của nó là để nhân rộng trên cả nước, mục tiêu cuối cùng là biến cả Malaysia thành một trung tâm Hồi giáo đúng nghĩa.

Như vậy, từ tận thập niên 1990, phong cách Hồi giáo đã được xác định là kiến trúc chủ đạo ở đất nước Malaysia hậu thuộc địa, và ẩn trong đó là bản sắc riêng của dân tộc Mã Lai.

Có thể gọi đó là tầm nhìn xa trông rộng của ông Mahathir vậy.

* * *

Bài viết này được tóm lược từ quyển sách "Kiến trúc và hình thái đô thị ở Kuala Lumpur" của tiến sĩ Yat Ming Loo (Đại học Nottingham Ninh Ba, Trung Quốc).


PHÚC LONG
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
19/05/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên