Một “hậu tận thế” mịt mờ khói bụi ở ngọn núi Lowell thuộc bang Vermont, vốn được quy hoạch để xây dựng các tuôcbin gió - Ảnh: YOUTUBE
Phim tài liệu Planet of the Humans vừa được công chiếu đã khơi mào cuộc chiến trong giới hoạt động môi trường.
Nói đúng hơn, Planet of the Humans là tác phẩm của đạo diễn Jeff Gibbs và Michael Moore đóng vai trò nhà sản xuất. Thế nhưng, bộ phim lại mang đậm "vị" của Moore với lối phỏng vấn đeo đẽo, những nhận định gay gắt và cách lèo lái khán giả chĩa mũi dùi vào các ông chủ tư bản.
Capitalism: A Love Story - bộ phim tài liệu nổi tiếng nhất của Michael Moore, đã biến ông trở thành cái gai cánh tả trong mắt giới tư bản liên quan đến cuộc đại suy thoái năm 2008. Nhưng lần này thì khác, Planet of the Humans đang hứng chịu một loạt chỉ trích từ chính những người cánh tả từng ủng hộ Moore nhiệt thành nhất.
Bóc trần những ảo tưởng về năng lượng tái tạo
Được phát hành trên YouTube, bộ phim tài liệu đã vượt mốc 6,5 triệu lượt xem chỉ sau nửa tháng công chiếu. Xuyên suốt Planet of the Humans, êkip làm phim đã bóc trần những ảo tưởng về năng lượng tái tạo và cho rằng các dự án, nhà máy năng lượng xanh hiện nay vẫn đang dựa dẫm vào năng lượng hóa thạch.
Nhóm thực hiện cũng thu thập bằng chứng, tài liệu để chứng minh các tổ chức, phong trào môi trường đang phớt lờ sự thật nói trên.
Trước khi bộ phim ra đời, các tổ chức môi trường đã vận động nhiều thập kỷ, buộc những tập đoàn khổng lồ có cái nhìn nghiêm túc về việc cắt giảm nguồn nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo. Thắng lợi của phong trào lên đến đỉnh điểm khi tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết trợ cấp lên đến cả trăm tỉ USD cho ngành năng lượng xanh. Các ông lớn tư bản bắt đầu gấp rút xây dựng những cánh đồng tuôcbin gió, pin năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, Planet of the Humans lại cho công chúng một cái nhìn cận cảnh khối nguyên liệu khổng lồ, quý hiếm để chế tạo những thiết bị này, từ than chì, than đá, thép cho đến thạch anh, đất hiếm… Chưa kể để có đất xây dựng những cánh đồng điện gió và điện mặt trời, nhiều loài thực vật phải bị đốn bỏ.
Jeff Gibbs và Michael Moore cho rằng các doanh nghiệp đang lừa dối công chúng với tuyên bố sản phẩm của họ có nguồn gốc năng lượng tái tạo 100%, bất chấp sự thật vẫn dùng nguồn cung chủ yếu từ nhà máy chạy năng lượng hóa thạch.
Bộ phim còn buộc tội các phong trào năng lượng xanh cấu kết với doanh nghiệp (đang "tẩy xanh") để kiếm nhiều tỉ đô tiền trợ cấp từ chính phủ.
Sau những cuộc khởi động hoành tráng ban đầu, những cánh tuôcbin gió dần rơi vào đổ nát và quên lãng - Ảnh: YOUTUBE
Những tranh luận không dứt
Bộ phim không hẳn là dấy lên cuộc tranh cãi trong giới hoạt động môi trường bởi vết nứt này đã xuất hiện từ lâu. Một bên ra sức kêu gọi công chúng sử dụng năng lượng mặt trời, gió, nước vốn đang khả thi nhất. Bên còn lại không muốn gây ra thêm tổn hại cho mẹ thiên nhiên và tìm cách nghiên cứu các nhiên liệu thay thế khác.
Thế nên, sẽ chẳng có gì to tát nếu Michael Moore phản ánh lối tư duy ngắn hạn - dài hạn của từng phía theo lối làm phim "huề cả làng".
Nhưng một Michael Moore như vậy không tồn tại… Planet of the Humans vạch ra khoảng cách giữa lời nói và hiện thực bằng chiếc máy quay lê qua những cánh đồng pin mặt trời hoang tàn để lồng ghép bài phát biểu hào hùng của các doanh nghiệp.
Cũng từ đó, những tượng đài của phong trào năng lượng xanh, hay chí ít tuyên bố mình là một phần của chúng, như Bill McKibben, Al Gore, Richard Branson, Elon Musk, Michael Bloomberg dần đổ vỡ qua từng thước phim.
Planet of the Humans mở đầu bằng một câu hỏi bỏ ngỏ: Sẽ thế nào nếu chỉ có một giống loài thống trị cả hành tinh? Và dành hơn 90 phút sau đó để chứng minh rằng cách duy nhất để cân bằng lại hệ sinh thái là giảm dân số và hạn chế tiêu dùng.
Ý tưởng cực đoan này sẽ không làm hài lòng nhiều người, song Jeff Gibbs và Michael Moore khiến người xem có một nhận thức rõ rệt rằng con người vẫn có nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong khi muốn bảo vệ tự nhiên. Điều đó mới chính là bất khả.
Điều thú vị nhất của một bộ phim tài liệu thường đến sau khi phim lên sóng. Với phim của Michael Moore, nhận định này càng sống động.
Bill McKibben - nhà sáng lập phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu 350.org - thừa nhận cái nhìn sai lầm về năng lượng sinh khối (biomass), vốn được xem là năng lượng tái tạo nhưng lại tàn phá quá nhiều cây rừng. Tổ chức môi trường danh tiếng Sierra Club cũng phải đóng một quỹ đầu tư đã góp vốn vào các hãng khai thác dầu mỏ.
Chuyên gia năng lượng, các nhà hoạt động môi trường đứng thành nhiều chiến tuyến, cả ủng hộ công khai lẫn viết bài công kích. Tính đúng - sai trong tuyên bố của các nhà làm phim liên tục được đưa ra bàn luận.
Tầm ảnh hưởng của Michael Moore
Kinh qua hơn 10 bộ phim tài liệu, Michael Moore hoặc đã trở thành một nhà lý thuyết âm mưu hàng đầu nước Mỹ, nhìn vào đâu cũng thấy sự móc nối, lừa lọc của chính phủ đối với người dân; hoặc đã trở thành một "anh Đại" (Big Brother) đang quan sát và sẵn sàng vạch trần giới tư bản.
Dù ở góc độ nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng lớn của ông ở thể loại phim tài liệu điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận