29/11/2012 07:38 GMT+7

Bức tranh sinh động về con người

HÀ NGUYỄN
HÀ NGUYỄN

TT - Con người và các vấn đề lớn nhỏ đang phải đối mặt trong đời sống hiện nay gần như đã là chủ đề xuyên suốt Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff 2012), từ phim tranh giải tới toàn cảnh, đến cả các phim Hàn Quốc trong chương trình Tiêu điểm.

DtVXMnre.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Talgat của Kazakhstan Ảnh: haniff.vn

Nhìn vào danh sách phim, khán giả cũng như truyền thông khá ngỡ ngàng khi có sự tham gia của một số quốc gia mà kiến thức về đất nước, con người, điện ảnh của họ gần như là số không trong mắt những người theo dõi sự kiện.

Lạ lẫm Kazakhstan và điểm nhấn Iran

Ðủ làm ngỡ ngàng những ai đã xem là bộ phim Talgat (tranh giải) của Kazakhstan. Với sự mộc mạc, giản dị của một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, phim miêu tả chân thực đời sống của một gia đình nhỏ tại vùng thảo nguyên. Bộ phim hiện lên qua cách nhìn nhận cuộc sống của cậu bé 11 tuổi Talgat và cô em gái 6 tuổi đã làm lay động khán giả. Nói như ông Marcus Mạnh Cường Vũ - chủ tịch Tiệc phim ngắn trực tuyến Yxineff: "Một bộ phim quá tốt, rất điện ảnh, và hơn tất cả làm tôi bất ngờ về một nền điện ảnh mà mình chưa từng có cơ hội được biết, được xem qua trước đó. Tất nhiên, Talgat cũng xứng đáng được xếp vào danh sách những phim có khả năng thắng giải".

Một điểm nhấn nữa chính là sự xuất hiện của các tác phẩm đến từ nền điện ảnh rất mạnh - Iran. Ngoài một A separation (Sự chia ly) - nằm trong hạng mục Toàn cảnh - quá tuyệt vời, đã đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất thì phải kể tới Hatred (Oán hận) trong hạng mục Phim tranh giải. Cũng giống như phần lớn tác phẩm nổi tiếng khác của Iran, bộ phim là câu chuyện nhỏ hẹp với bối cảnh nhỏ, ít nhân vật (hai nhân vật chính xuyên suốt bộ phim), thời gian diễn ra câu chuyện chỉ gói gọn trong tám giờ nhưng đó thật sự là một câu chuyện hấp dẫn. Phim là hai câu chuyện được kể song song về quãng đời của hai nhân vật Zhaleh và Hamed. Ðầu tiên là câu chuyện về những tháng ngày tươi đẹp khi họ gặp nhau. Sau đó là câu chuyện về tám giờ căng thẳng khi họ đi cướp để có tiền và bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc ở nơi khác. Thế nhưng cuộc đời họ hoàn toàn rẽ sang một hướng khác.

Nhịp phim là những quãng ngắt nghỉ, đan xen liên hồi giữa quá khứ và hiện tại, giữa tức giận và yêu thương, giữa tuyệt vọng và hi vọng, giữa giữ và bỏ... thật sự đã lôi cuốn khán giả đến những phút cuối cùng cũng như một cái kết hoàn toàn không ngờ tới của bộ phim. Bộ phim nếu có đoạt giải thưởng cũng là điều không quá lạ, bởi đó thật sự là một tác phẩm điện ảnh tốt.

Nếu như hai bộ phim kể trên là những tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh thì Nice to meet you (Xin chào - Nhật Bản) và Song of silence (Bài ca của sự im lặng - Trung Quốc) - hai phim đều tranh giải - lại là những tác phẩm mang hơi hướng thể nghiệm nhiều hơn. Nice to meet you của Nhật Bản không hẳn là một bộ phim tốt nhưng dù sao cũng có màu sắc riêng. Song of silence lại là một "bài ca" của những cuộc chơi âm thanh khi kể về cuộc đời của một cô bé bị điếc bẩm sinh, dị biệt và bị cô lập với thế giới xung quanh. Bộ phim là những tháng ngày thay đổi khi cô chuyển tới sống cùng bố - một sĩ quan công an - và cô bồ nhí đang mang thai. Sự va đập của các thế hệ, các hoàn cảnh sống, xuất phát điểm khác nhau, tư duy khác nhau trong một bối cảnh nhỏ hẹp của một căn hộ chung cư đã thay đổi tất cả. Sự nổi loạn, cáu giận dần chuyển biến thành yêu thương và đó thật sự là một "bài ca" của sự hân hoan, dù rằng ở đó thế giới vẫn thật "tĩnh" với cô bé kia.

Trẻ và giàu... nữ tính

Ðiểm nổi bật của Haniff 2012 là sự góp mặt của các đạo diễn trẻ và nữ đạo diễn ở hạng mục Phim tranh giải. Trong tổng số 14 bộ phim có đến ba đạo diễn thuộc thế hệ 8X và có tới ba nữ đạo diễn. Trẻ nhất trong số này là nữ đạo diễn Heiwak Mak sinh năm 1984 tại Hong Kong. Diva của cô là một bộ phim chỉn chu kể về 10 năm sự nghiệp của một ngôi sao ca nhạc hàng đầu Hong Kong. Cũng tương tự như Scandal của Victor Vũ, bộ phim là cái nhìn cận cảnh vào hậu trường của thế giới showbiz hào nhoáng, về những thủ đoạn, đánh đổi để mưu cầu danh vọng. Một bộ phim buồn man mác, một cái nhìn khắc nghiệt cũng như đầy sự bẽ bàng cho những ham muốn nổi tiếng và "sự hồi sinh" không như ý của những người trong cuộc.

Lớn tuổi nhất trong danh sách các nữ đạo diễn là đạo diễn bộ phim Talgat - Zhanna Issabayeva, sinh năm 1968 ở Almaty, Kazakhstan. Bà tốt nghiệp ngành báo chí của Ðại học Kazakh năm 1991, rất thành công trong sự nghiệp làm nhà sản xuất và đạo diễn từ năm 1993. Các bộ phim đáng chú ý của bà có Karoy (2007) từng mang về cho bà đề cử "Ðạo diễn xuất sắc nhất" tại lễ trao giải màn ảnh châu Á - Thái Bình Dương và phim My dear children (2009) do bà viết kịch bản và làm giám đốc sản xuất.

Nếu so với lần tổ chức hai năm trước, có thể thấy Haniff 2012 đã có sự phát triển mạnh về chất lượng phim tham dự lẫn phim toàn cảnh. Sự đa dạng và phong phú của các tác phẩm cũng như sự mới lạ được chú trọng giới thiệu. Ðây thật sự là một dịp tốt để khán giả yêu điện ảnh, giới làm nghề lẫn giới truyền thông có cơ hội được tiếp cận các tác phẩm điện ảnh tốt, được mở rộng tầm nhìn cũng như thật sự được sống trong không khí của các ngày hội điện ảnh.

Ðiện ảnh Việt thất thế

Ðiều đáng nói là Haniff 2012 ghi nhận sự thất thế của điện ảnh Việt. Mở màn liên hoan phim là Cát nóng của Lê Hoàng - một sự lựa chọn không thể thất vọng hơn. Cát nóng được làm một cách cẩu thả, cũ kỹ và đầy sự mâu thuẫn lẫn các lỗi ngớ ngẩn. Ðáng nói hơn đây là một phim điện ảnh nhưng lại hết sức "truyền hình" và lại được chọn trình chiếu khai mạc một sự kiện điện ảnh. Cũng chẳng ngạc nhiên khi phim được chiếu khoảng 15 phút đã có rất nhiều quan khách ra về, trong đó có cả các vị khách quốc tế. Ðam mê của Phi Tiến Sơn cũng không khá gì hơn khi bộ phim chẳng có điểm sáng nào để nhắc tới. Có chăng trong danh sách phim Việt Nam năm nay là Thiên mệnh anh hùng còn để lại chút dư vị và sự nhìn nhận đáng kể, không quá thua xa trong mặt bằng chung của các phim dự giải.

HÀ NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên