10/05/2018 09:04 GMT+7

Sử dụng thuốc chống dị ứng khi mang thai

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Khi bị dị ứng, thai phụ quan tâm nhất là dùng thuốc thế nào để bảo đảm an toàn cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Sử dụng thuốc chống dị ứng khi mang thai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: healthsetu.com

Nhiều phụ nữ khi mang thai có các biểu hiện của dị ứng và quá trình mang thai thường làm nặng thêm các triệu chứng của chứng dị ứng do sự thay đổi lớn về nội tiết. Mặc dù ngứa không gây nguy hiểm tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống khiến họ cần đến thuốc điều trị. Vấn đề khiến thai phụ quan tâm nhất là dùng thuốc thế nào để bảo đảm an toàn cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Hai nhóm thuốc phổ biến nhất để điều trị dị ứng hiện nay là thuốc kháng histamin và corticoid.

Thuốc kháng histamine

Các thuốc kháng histamine thế hệ 1 như chlorpheniramine, thế hệ 2 như cetirizine, levocetirizin, loratadin đều thuộc nhóm thuốc B và được ưu tiên lựa chọn để điều trị dị ứng trong thai kỳ.

Các thuốc corticosteroid

Corticoid là thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nên để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ thường khuyên nên tránh dùng corticoid đường uống hoặc tiêm truyền cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu.

Trong những tháng tiếp theo, phụ nữ mang thai muốn dùng thuốc corticoid chữa dị ứng, phải được bác sĩ chỉ định và cân nhắc cụ thể về liều dùng. Chỉ dùng các loại thuốc corticoid để điều trị bệnh khi thật cần thiết và các biện pháp điều trị khác đã thất bại.

Cách xử lý khi phụ nữ mang thai bị dị ứng

Phụ nữ mang thai không nên tự ý uống thuốc, vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Thay vào đó nên đi khám và thực hiện theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Khi mang thai bị dị ứng, bạn nên thực hiện tốt những điều sau:

- Tránh tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh dị ứng như ô nhiễm môi trường, nguồn nước bẩn.

- Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi và uống nhiều nước. Đồng thời nên hạn chế những thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, rượu bia, thức ăn cay nóng và thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá…

- Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, cũng không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến cho da bị khô hơn.

- Hạn chế tắm xà bông, gội đầu bằng các loại dầu gội chứa nhiều chất hóa học và chất tạo mùi.

- Hạn chế gãi để tránh cho da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.

- Khi thời tiết lạnh hoặc ra ngoài thì nên giữ ấm cơ thể để tránh bị gây ngứa hoặc gia tăng cơn ngứa.

- Nên mặc quần áo thoáng mát, vải mềm mịn và dễ thấm mồ hôi, vì nếu ra mồ hôi sẽ khiến vùng da dị ứng bị ngứa hơn.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên