01/08/2022 10:25 GMT+7

Start-up cần quên đi cảm giác gọi được vốn càng nhanh càng tốt

ĐỨC THIỆN thực hiện
ĐỨC THIỆN thực hiện

TTO - Nhà sáng lập cần phải quên đi cảm giác gọi được vốn càng nhanh càng tốt để tập trung cho ba thứ quan trọng hơn: sản phẩm, con người và khách hàng.

Start-up cần quên đi cảm giác gọi được vốn càng nhanh càng tốt - Ảnh 1.

Phạm Kim Hùng (giữa) và các đồng nghiệp tại start-up Base.vn - Ảnh: THANH TÚ

"Khởi nghiệp là một cuộc chơi đầy rủi ro mà phần lớn (hơn 90%) sẽ thất bại", đó là chia sẻ của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của 2 start-up Base.vn và True Platform Phạm Kim Hùng - một trong những người trẻ khởi nghiệp gặt hái được nhiều thành tựu trong cộng đồng start-up Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam, Hùng nhận xét:

- Tôi đã gặp khá nhiều bạn trẻ, đều là những người rất nhiệt huyết. Nhưng thành thật mà nói thì tôi không bị ấn tượng bởi các "pitch deck" (bản giới thiệu công ty, sản phẩm gửi đến nhà đầu tư) đẹp đẽ, một đội ngũ cố vấn hùng hậu hay những nhà sáng lập chỉ làm việc bán thời gian.

Có một điều bất ngờ là rất ít startup thực sự muốn nói rõ về những con số quan trọng nhất liên quan sản phẩm, như: Họ có bao nhiêu người dùng thực tế? Tỉ lệ và mức độ sử dụng của những người dùng ấy như thế nào? Thời gian sử dụng trung bình là bao nhiêu? 

Tất cả những con số này đều có hết trên Google Analytics hoặc các hệ thống tương tự khác, mà một người làm sản phẩm thực thụ chắc chắn sẽ xem nó hằng ngày. Và đó là chưa kể đến doanh thu.

* Vậy một nhà khởi nghiệp cần thể hiện điều gì?

- Theo tôi, điều quan trọng bậc nhất đối với những nhà sáng lập là phải thể hiện sự tích cực ra bên ngoài, nhưng phải tuyệt đối trung thực với chính mình và trung thực với thực tại của công ty mình, dù không phải thực tại nào cũng vui vẻ. 

Dù sao đi nữa thì khởi nghiệp vẫn là một cuộc chơi đầy rủi ro mà phần lớn (hơn 90%) sẽ thất bại. Cơ hội duy nhất dành cho start-up là họ phải thực sự hiểu người dùng của mình, "hiểu" thứ họ đang làm và tự hào về nó. 

Nếu họ làm điều đó, có thể họ vẫn không thành công, nhưng chắc chắn sẽ học được rất nhiều bài học và làm tốt hơn trong những "cuộc chơi" tiếp theo. 

Nếu họ làm điều ngược lại, không chỉ sẽ thất bại mà còn là một thất bại vô nghĩa.

* Rất nhiều start-up được chú ý đến khi gọi được vốn đầu tư. Gọi vốn có được xem là thước đo thành công của một start-up?

- Gọi vốn chỉ nên được coi là một cột mốc trong chặng đường phát triển của các start-up, và không thể được coi là thước đo thành công. 

Nhà sáng lập cần phải "quên đi" cảm giác gọi "được" vốn càng nhanh càng tốt để tập trung cho ba thứ quan trọng hơn: sản phẩm, con người và khách hàng.

Cảm giác lần đầu tiên có người "bỏ tiền" ra đầu tư cho mình là rất khó để diễn tả và rất khó có thể quên được. Khi ấy, chúng tôi thường không bao giờ có sẵn tiền đủ trong ba tháng và mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến. 

Nói vậy để hiểu được rằng "tiền" luôn là thứ ám ảnh và căng thẳng nhất đối với những nhà sáng lập trong giai đoạn đầu, và ý nghĩa lớn nhất của việc gọi vốn chính là giúp cho họ có được một khoảng thời gian tập trung cần thiết để phát triển công ty.

Những lần sau này không cho chúng tôi có "cảm xúc" với việc gọi vốn nhiều như trước. Quả thật, tất cả mọi người - cả các quỹ đầu tư và bản thân các nhà sáng lập - đều hiểu bản chất của đầu tư là gì. 

Thành công cuối cùng của một thương vụ đầu tư phải là tạo ra một công ty lớn mạnh thực sự và tạo ra những giá trị xã hội rõ ràng.

* Chỉ số tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, đặc biệt là thế hệ Y. Đó có nên là điều tất yếu?

- Khởi nghiệp chắc chắn là một trải nghiệm đặc biệt mà các bạn phải làm thì mới hiểu. 

Tôi không phải là người hay đưa ra những lời khuyên, nhưng nếu có một điều để nói với các bạn trẻ, tôi sẽ luôn hỏi: "Bạn start-up để làm gì?". Là vì tiền? Hay vì muốn thành công, tạo ra những ảnh hưởng? Hay vì một thứ gì khác? 

Xung quanh chúng ta luôn có vô số vấn đề, và chúng ta có nhiều cơ hội để đi tìm lời giải cho những vấn đề ấy. Nhưng chính bạn phải hiểu rõ vì sao bạn lựa chọn vấn đề và cơ hội đó.

Nếu bạn cảm thấy bạn cần phải làm một thứ gì đó vì một sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong, hãy bắt đầu nó ngay lập tức và chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong nhiều năm. Suy cho cùng, start-up không phải là một cuộc phiêu lưu.

Hai start-up Base.vn và True Platform do Phạm Kim Hùng (35 tuổi) sáng lập và điều hành đều gặt hái những thành tựu ấn tượng, gây tiếng vang trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Nếu như Base.vn - nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - được Tập đoàn FPT "mua" lại trong một thương vụ đình đám trong năm 2021, thì mới đây True Platform công bố hoàn thành gọi vốn vòng hạt giống, nhận 3,5 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư danh tiếng hàng đầu khu vực.

Thương vụ này đánh dấu một trong những khoản rót vốn trong vòng hạt giống lớn nhất từ trước đến nay vào một start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á.

Đầu tư vào start-up Việt, tiền là chưa đủ Đầu tư vào start-up Việt, tiền là chưa đủ

TTO - Theo các nhà đầu tư, muốn thuyết phục được người khác rót vốn, start-up Việt hãy chuẩn bị kỹ và hiểu rõ mô hình kinh doanh, có phương thức định giá phù hợp cho doanh nghiệp.

ĐỨC THIỆN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên