04/04/2022 09:16 GMT+7

Sri Lanka: Kinh tế suy thoái, bất ổn lan rộng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Khủng hoảng kinh tế đã trở thành cơn ác mộng thật sự với Sri Lanka khi tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm trầm trọng làm bùng nổ các cuộc biểu tình ở đảo quốc này, buộc chính quyền phải ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Sri Lanka: Kinh tế suy thoái, bất ổn lan rộng - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu ở Colombo - Ảnh: New York Times

Điều đáng nói là Sri Lanka từng được ví như một ngôi sao kinh tế mới nổi, với sự trỗi dậy ngoạn mục sau cuộc nội chiến năm 2009 và vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao với nền kinh tế thu hàng tỉ USD từ du lịch. Điều gì đang xảy ra?

Thâm hụt kép

Quốc đảo Ấn Độ Dương đang trải qua cơn suy thoái đau đớn nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng, giá cả leo thang, cắt điện triền miên, dự trữ ngoại hối teo tóp. 

Sự bế tắc của Sri Lanka còn được thể hiện ở chỗ nước này không còn đủ tiền... để mua gì từ bên ngoài.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt lệnh giới nghiêm từ chiều 2-4, một ngày sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn từ tuần trước, trong đó gồm vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại thủ đô Colombo.

Biểu tình bùng nổ khi đảo quốc 22 triệu dân này vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy. Trong nhiều tuần qua, người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua nhu yếu phẩm và chịu cảnh mất điện 13 giờ mỗi ngày vì cạn sạch nguồn năng lượng thủy điện do thiếu tiền mua dầu để vận hành các nhà máy điện.

Các trường học phải hoãn thi cử vì thiếu giấy, trong khi đã có một số người thiệt mạng vì xếp hàng dưới trời nắng nóng để mua nhiên liệu. Sự khan hiếm của các mặt hàng như thực phẩm, nhiên liệu đã đẩy giá cả tiêu dùng lên mức chót vót.

Sri Lanka đang đối mặt với khoản nợ quá sức với khoảng 4 tỉ USD đáo hạn trong năm 2022 trong khi dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 tỉ USD, giảm 70% trong hai năm qua. Sự thiếu hụt tiền khiến việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu bị đình trệ và đồng nội tệ mất giá.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ngân hàng trung ương nước này in thêm tiền và tích trữ USD, đẩy lạm phát tăng lên mức kỷ lục 17,5% vào tháng 2-2022, theo báo New York Times.

Bộ Tài chính Sri Lanka mới đây đã phải xin các nước láng giềng cho vay để mua nhiên liệu và sữa bột, trong khi ngân hàng phải thanh toán cho dầu mua từ Iran bằng... lá trà.

"Sri Lanka là một nền kinh tế thâm hụt kép điển hình. Thâm hụt kép là tín hiệu cho thấy chi tiêu của một quốc gia vượt quá thu nhập và việc sản xuất không tương xứng các hàng hóa, dịch vụ có thể bán được" - Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định vào năm 2019.

Và bây giờ, quốc đảo này đang nếm trải các hậu quả thảm khốc của tình trạng thâm hụt kép.

Sri Lanka: Kinh tế suy thoái, bất ổn lan rộng - Ảnh 2.

Dữ liệu: Ngô Hạnh, Nguồn: World Bank - Đồ họa: N.KH.

Sai lầm chính sách

Thảm họa COVID-19 trong hơn hai năm qua khiến kinh tế Sri Lanka ngã quỵ, đặc biệt là ngành du lịch. 

Chiến sự giữa Ukraine và Nga, sự bùng phát dịch ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng nặng nề đến nước này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những "cơn bão" này chỉ làm bộc lộ vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua ở Sri Lanka.

Dưới thời cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa, từ năm 2005 đến 2015, Sri Lanka đã vay số nợ khổng lồ để xây dựng những cơ sở hạ tầng hoành tráng như cảng biển. 

Khi ông Gotabaya, em trai ông Mahinda, chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019, Sri Lanka đang nắm giữ khoản dự trữ ngoại hối khoảng 7,5 tỉ USD và nhiều khoản nợ ngắn hạn với lãi suất cắt cổ đã được chuyển thành dài hạn.

Ông Gotabaya bổ nhiệm hai anh em của mình là Mahinda và Basil làm thủ tướng và bộ trưởng tài chính, cùng hàng loạt người thân vào nội các. Từ đây, hàng loạt chính sách sai lầm được đưa ra.

Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Gotabaya tuyên bố cắt giảm thuế khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng và càng lún sâu vào nợ. Năm 2021, lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học làm các nông dân điêu đứng và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực. 

Chính quyền Sri Lanka nhiều tháng qua cũng cương quyết không nhận hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Ấn Độ và Trung Quốc, theo báo India Times.

Nhiều ý kiến tại Sri Lanka lo ngại nước này có nguy cơ bị vỡ nợ, trong khi IMF cảnh báo quốc đảo Ấn Độ Dương cần phải tái cấu trúc nợ. Với uy tín thấp, Sri Lanka đang rơi vào vòng lặp của khủng hoảng khi buộc phải mua nhiều mặt hàng như dầu và khí đốt với giá cao hơn các nước khác.

Cạnh tranh Ấn - Trung ở Sri Lanka

Ấn Độ mới đây tuyên bố sẽ cho Sri Lanka vay thêm 1 tỉ USD để nhập các mặt hàng thiết yếu như gạo, bột mì, đường và thuốc men, bên cạnh 1,5 tỉ USD đã vay trước đó.

Ngoài ra, New Delhi sẽ gửi thêm hàng chục ngàn tấn gạo và dầu diesel để giúp đỡ nước láng giềng giải quyết khủng hoảng.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cân nhắc khoản vay 2,5 tỉ USD cho Colombo.

Sri Lanka là tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong những năm qua.

Theo Đài CNBC, nằm ngay gần các tuyến vận tải đông - tây nhộn nhịp, Sri Lanka đã thu hút hàng tỉ USD đầu tư từ sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh. Trung Quốc đã tiếp quản ít nhất một cảng chiến lược tại Sri Lanka vì quốc gia này không trả được nợ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka đang tạo cơ hội để Ấn Độ cạnh tranh sức ảnh hưởng với Bắc Kinh. Hôm 29-3, Ấn Độ giành được một dự án điện lực trước đó thuộc về Trung Quốc. Đây được xem là một chiến thắng nhỏ nhưng đáng kể của New Delhi.

NGUYÊN HẠNH

Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc

TTO - Ngày 2-4, Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc kéo dài 36 giờ và triển khai quân đội để đối phó các cuộc biểu tình chống lại tổng thống Sri Lanka.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên