28/06/2022 08:14 GMT+7

Sốt xuất huyết tăng nóng, bệnh viện lo không kham nổi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngày 27-6, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn.

Sốt xuất huyết tăng nóng, bệnh viện lo không kham nổi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM sáng 27-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đến Bệnh viện Q.8, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết, sau đó làm việc với Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan.

Sốt xuất huyết tăng 2-4 lần, bệnh viện quá tải

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lãnh đạo bệnh viện cho biết số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã tăng 2-4 lần so với cùng kỳ những năm trước. Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 130 bệnh nhi sốt xuất huyết nằm điều trị, trong đó có nhiều trường hợp nặng. 

Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao từ tháng 4 đến nay cho thấy tình hình bệnh diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước. Lãnh đạo bệnh viện dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh dịch vào quý 3 này.

Đại diện phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến bệnh viện này khám ngày càng gia tăng, "bùng phát" vào tháng 5, tháng 6. 

Tháng 6, bệnh viện có đến 3.961 người lớn và 1.464 trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám, tăng gấp 4 lần tháng 1. Khối nội trú cũng gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 7 ca bệnh nặng xin về, 3 ca tử vong tại bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hiện đang rơi vào tình trạng quá tại bệnh nhân sốt xuất huyết. Khoa nhiễm D của bệnh viện được duyệt công năng điều trị COVID-19 nhưng chiếm tới 70 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết. 

Các khoa khác (45 giường/khoa) hiện tại "gánh" 65 bệnh nhân sốt xuất huyết ở mỗi khoa. Bệnh nhân nội trú của bệnh viện là 739 ca trong sáng 27-6, trong khi toàn bệnh viện chỉ có 550 giường.

Ông Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho rằng hiện bệnh viện còn kham nổi nhưng nếu số ca sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng thì sẽ rất khó cho bệnh viện. Ông đề xuất các bệnh viện tuyến dưới nếu có năng lực thì giữ bệnh nhân sốt xuất huyết lại điều trị, chỉ chuyển lên những trường hợp không thể giải quyết.

Tăng cường lượng thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế

TS Nguyễn Vũ Thượng - viện phó Viện Pasteur TP.HCM - cho biết ở phía Nam tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ tử vong của bệnh sốt xuất huyết cao, chỉ số về muỗi, lăng quăng cũng cao hơn so với những năm trước đây. 

Riêng TP.HCM đã có 10 ca sốt xuất huyết tử vong. Theo ông Thượng, nếu không có biện pháp tích cực trong công tác dự phòng thì số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng, kéo theo số ca nặng và tử vong cũng tăng.

Ông Thượng khuyến cáo khu dân cư xung quanh bệnh viện và bệnh viện phải làm tốt công tác diệt muỗi, đặc biệt là ổ lăng quăng vì bệnh viện có bệnh nhân sốt xuất huyết, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Ngoài ra những bệnh viện xây dựng sửa chữa, cần coi chừng mấy giếng nước, lu vại... vì sẽ có ổ lăng quăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đỉnh dịch gần nhất của bệnh sốt xuất huyết vào năm 2019. Theo chu kỳ dịch 3-4 năm sau lại quay trở lại. Tuy nhiên đến nay số ca mắc sốt xuất huyết đã hơn 77.000 ca, các trường hợp nặng, tử vong cũng vượt qua đỉnh dịch 2019. 

Cả nước đã có 42 ca sốt xuất huyết tử vong, trong đó số tử vong chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và TP.HCM. Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại vì sốt xuất huyết không chỉ vào tháng 6 mà có thể kéo dài đến tháng 11.

Ông Sơn nhận xét Bệnh viện Nhi đồng 1 đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như ECMO để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết bị suy đa cơ quan. Bên cạnh đó bệnh viện đã chủ động chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, các nguồn thuốc để điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết. 

Khi bệnh viện có một số loại dung dịch, thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết hết đã dùng các thuốc thay thế khác. Ví dụ thuốc Dopamine (loại thuốc chống sốc hàng đầu) hết đã thay thế bằng những loại thuốc khác.

Ông Sơn cho rằng những loại thuốc được thay thế chưa chắc đã tốt. Do vậy Bộ Y tế sẽ làm việc với các đơn vị dược để làm sao tăng cường lượng thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế.

3 ca sốt xuất huyết nặng ở Củ Chi chuyển về trung tâm TP.HCM đều tử vong 3 ca sốt xuất huyết nặng ở Củ Chi chuyển về trung tâm TP.HCM đều tử vong

TTO - Trong 10 ca sốt xuất huyết tử vong tại TP.HCM từ đầu năm đến nay, có 3 ca tại huyện Củ Chi. Cả ba ca này đều chuyển lên tuyến trên mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, sau đó bệnh nhân đã tử vong.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên