PGS Phạm Quang Thái cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết luôn thường trực
Nhân sự kiện Bộ Y tế phê duyệt vaccine xuất huyết như một giải pháp tiên tiến giúp công tác phòng chống dịch thêm chủ động, tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng" đã được tổ chức.
Những tác nhân khiến sốt xuất huyết ngày càng nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu đã tác động không ít đến mô hình lây truyền và mức độ của các bệnh truyền nhiễm. Sốt xuất huyết cũng là một trong số đó.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1, khi nhiệt độ tăng cao, muỗi sẽ có vòng đời dài hơn, bay được xa hơn, lây truyền và sinh sản nhiều hơn.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 năm qua, tại châu Âu, do sự nóng lên của trái đất cùng với sự thay đổi của độ ẩm và lượng mưa, vector gây bệnh đã tăng phạm vi địa lý, bằng chứng là chúng đã được tìm thấy ở nhiều khu vực hơn trước.
Còn tại châu Mỹ, WHO cũng đang báo động về tình trạng tăng vọt các ca mắc sốt xuất huyết. Chỉ tính đến tháng 4-2024, khu vực này đã ghi nhận hơn 7,5 triệu ca mắc, cao gấp 3 lần so với năm 2023.
Thêm vào đó, PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết thêm biến đổi khí hậu còn khiến sốt xuất huyết hầu như xảy ra quanh năm.
Nếu trước đây, cao điểm dịch thường từ tháng 7 - 11 hằng năm thì hiện nay, bất kể mùa đông lạnh tại miền Bắc hay mùa khô ở khu vực phía Nam đều ghi nhận ca nhiễm sốt xuất huyết.
Không chỉ vậy, quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng. Sở Y tế TPHCM vừa đưa ra khuyến cáo, nguy cơ hình thành ổ dịch từ những công trình xây dựng, do có nhiều nước tù đọng lâu ngày.
BS. Khanh còn cho biết tốc độ đô thị hóa quá nhanh hoặc quy hoạch không đồng bộ đã tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi trú ẩn và sinh sản.
Ngoài ra nếu sốt xuất huyết vốn được xem là bệnh chỉ xảy ra ở nơi khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì hiện nay bệnh đã du nhập vào châu Âu. Thực tế cho thấy, điều kiện giao thông, vận chuyển ngày càng thuận tiện đã tạo điều kiện khiến sốt xuất huyết có cơ hội lây lan rộng hơn.
Bên cạnh đó những kiến thức chưa đúng của người dân về bệnh cũng là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc, theo BS. Khanh và BS. Thái.
Như nhiều loại virus khác, virus sốt xuất huyết cũng có khả năng biến đổi, trở nên khó dự đoán, khó phòng ngừa. Như tại châu Âu, WHO ghi nhận các vector gây bệnh có dấu hiệu tự thay đổi để thích nghi được với điều kiện thời tiết của khu vực này.
Hiện có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết, gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm một tuýp virus sẽ tạo nên miễn dịch gần như suốt đời với tuýp virus đó, tuy nhiên cơ thể chỉ có thể chống lại chính tuýp huyết thanh virus đó mà không có miễn dịch với các tuýp virus khác. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
BS. Khanh còn nhấn mạnh, trong lần nhiễm thứ 2, bệnh sẽ có nguy cơ trở nặng cao hơn trước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa sốt xuất huyết trước bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường và gây nhiều tác hại đến sức khỏe
Cần chủ động hơn trong phòng dịch
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chống dịch, BS. Thái đánh giá sốt xuất huyết hiện nay hầu như xảy ra quanh năm. Vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết chưa bao giờ là thừa, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội để phổ cập kiến thức phòng chống dịch thêm hiệu quả.
Cùng với đó, cần làm rõ những lầm tưởng về sốt xuất huyết cũng như loại bỏ tâm lý chủ quan của người dân; cả việc phòng chống dịch cũng cần được thực hiện xuyên suốt trong năm, chứ không chỉ tập trung vào mùa cao điểm như trước.
Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, BS. Khanh cho rằng rất cần có giải pháp tiên tiến để phòng ngừa sốt xuất huyết chủ động hơn. Đồng thời, phải nắm bắt kịp thời các giải pháp này, giúp giảm thiểu tình trạng leo thang của dịch bệnh qua từng năm, từ đó giảm tải gánh nặng kinh tế - xã hội - y tế trong suốt nhiều năm qua.
Không chỉ tại Việt Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh Sốt xuất huyết châu Á lần 7 (7th Asia Dengue Summit 2024) vừa tổ chức tại Malaysia, các chuyên gia đánh giá, sốt xuất huyết đang dần trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Đây không còn là nỗi lo riêng của các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đã đến lúc cần có sự chung tay của cả nhân loại trong việc nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận