25/05/2024 11:03 GMT+7

Sốt ruột với hơn 300 dự án có mức giải ngân 0%

Hơn 300 dự án có mức giải ngân 0% đang dấy lên lo ngại, buộc hai bộ phải thúc giục các bộ ngành khác và các địa phương.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng, bắt đầu làm vào tháng 4-2020. Sau thời gian trì hoãn, đầu tháng 2-2024 giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ tạm đóng trong 240 ngày để làm các đốt dầm chính giữa - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng, bắt đầu làm vào tháng 4-2020. Sau thời gian trì hoãn, đầu tháng 2-2024 giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ tạm đóng trong 240 ngày để làm các đốt dầm chính giữa - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tổng mức vốn giải ngân đầu tư công bốn tháng đầu năm 2024 đạt 17,4% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hơn 300 dự án có mức giải ngân 0% đang dấy lên lo ngại, buộc hai bộ phải thúc giục các bộ ngành khác và các địa phương.

Song song với quyết tâm cải thiện tình hình, Tuổi Trẻ đã ghi nhận những lý do dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân cùng các giải pháp khắc phục.

37 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình

Ngay những ngày đầu tháng 5, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đều có văn bản gửi các bộ ngành khác và các địa phương thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 37 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng gửi danh sách công khai 316 dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (trong nước) do địa phương quản lý là hơn 82.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến ngày 31-3-2024, các dự án mới giải ngân được khoảng 8.600 tỉ đồng, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỉ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%).

Hai bộ nêu đủ loại vướng mắc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công là do liên quan cơ chế chính sách. Cụ thể là những thủ tục pháp lý liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện nhiều bước nên mất thời gian để thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó còn có những bất cập trong quy định phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường; các dự án không có cấu phần xây dựng chưa được các bộ chuyên ngành ban hành định mức kinh phí tư vấn đầu tư nên việc lập các chi phí tư vấn đầu tư có khó khăn, ảnh hưởng đến việc thẩm định, phê duyệt.

Đặc biệt riêng với chương trình mục tiêu quốc gia, việc đầu tư hỗ trợ vùng dược liệu hiện chưa có quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dược liệu quý nên chưa có cơ sở thẩm định, chưa có hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục điều chỉnh dự toán ngân sách...

Việc tổ chức thực hiện cũng có vướng mắc, có những dự án phân bổ sau ngày 31-12-2023 không được phê duyệt; một số dự án triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, địa chất rời rạc, phức tạp, khan hiếm nguồn cung vật liệu đá nên không đáp ứng nhu cầu dự án.

Với các chương trình mục tiêu quốc gia, có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của bà con dân tộc thiểu số; chưa có hướng dẫn của bộ chuyên ngành trong thực hiện chính sách...

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại nhìn nhận vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ một lượng vốn lớn khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Lý do là một số bộ ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện.

Các dự án trọng điểm quốc gia có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án. Các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cũng vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật, quy định hỗ trợ đào tạo nghề...

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

Cần phân cấp mạnh hơn

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho rằng một trong những nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chính là vấn đề giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản như trong lĩnh vực đất đai, đầu tư... Việc này dẫn đến thời gian giải quyết các thủ tục còn dài, thông qua nhiều bước, nhiều quy trình. Nhất là các thủ tục liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất...

Đề cập các giải pháp, ông Huy cho rằng để đạt được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Ông Huy đề nghị cần tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập, khi đó sẽ đẩy nhanh được việc giải ngân.

"Nếu chúng ta tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, có mặt bằng sạch thì khi làm đường giao thông sẽ nhanh hơn. Còn khi làm dự án giao thông qua khu dân cư mới làm dự án giải phóng mặt bằng sẽ chậm. Chưa kể lại phải làm thêm một dự án đầu tư công để tái định cư cho khu dân cư kia. Như vậy dự án sẽ chồng dự án, dẫn đến chậm", ông Huy phân tích.

Đồng thời, các bộ ngành cần rà soát các cơ chế, chính sách còn chồng chéo, phân cấp mạnh cho các địa phương như về thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thẩm định phòng cháy chữa cháy...

"Khi phân cấp mạnh cho địa phương chắc chắn sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công", ông Huy nói. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng cần rà soát các bộ định mức đơn giá sát với thực tiễn mới giúp đẩy nhanh giải ngân.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá nặng nề

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết trong tám dự án của Hà Tĩnh sử dụng vốn đầu tư công chưa giải ngân, có ba dự án mới khởi công, đang ở bước thiết kế, chưa đấu thầu thi công; một dự án ODA đang chờ điều chỉnh hiệp định và bổ sung vốn nước ngoài.

Cùng với đó, bốn dự án chuyển tiếp hiện đang tập trung hoàn thành khối lượng tạm ứng của năm trước chuyển sang, chưa có khối lượng phần vốn kế hoạch năm 2024.

Ông Dũng cho biết những năm trước Hà Tĩnh giải ngân rất tốt. Tổng giá trị giải ngân bốn tháng đầu năm 2024 của Hà Tĩnh đạt gần 1.300 tỉ đồng, bằng 24,2% kế hoạch vốn, xếp thứ 14/113 bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên có một số nội dung chưa được tập trung cao để thực hiện.

Trên cơ sở báo cáo nhắc nhở của Bộ Tài chính, hiện ông đang giao bên ủy ban báo cáo rõ việc này để có giải pháp đẩy mạnh đầu tư công.

Ông Dũng chia sẻ trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá nặng nề hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ có những khó khăn, có thể thấp hơn các năm.

Đại biểu LÒ THỊ LUYẾN (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên):

Khâu thủ tục rất mất thời gian

Tỉnh Điện Biên đứng đầu bảng các địa phương có số dự án giải ngân 0 đồng lớn nhất cả nước (105 dự án) và cũng có tỉ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức thấp so với mức trung bình của cả nước. Các dự án chậm giải ngân hoặc chưa giải ngân được là do có những yếu tố chủ quan và khách quan.

Các dự án vướng mắc lớn nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, triển khai các thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án. Có những dự án thủ tục triển khai rất nhiêu khê, phức tạp nên việc thực hiện cũng bị kéo dài thời gian.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024 của tỉnh không đạt kỳ vọng đề ra do tiến độ triển khai và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án, chương trình mục tiêu quốc gia một số đơn vị còn chậm. Vì vậy, một số dự án không đủ điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định, ảnh hưởng tới tỉ lệ giải ngân chung.

Tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm cũng còn chậm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án có quy mô lớn, còn nhiều vướng mắc nhưng vẫn chưa được tháo gỡ triệt để...

Đại biểu NGUYỄN THỊ PHÚ HÀ (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Cần quan tâm việc chuẩn bị dự án

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong chục năm qua đều được đặt ra và kết quả triển khai thực hiện luôn nêu khó khăn. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nguyên vật liệu đầu vào gặp khó khăn. Như khi triển khai các dự án cao tốc thì vấn đề thiếu cát san lấp, các nguyên vật liệu khác cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác cần quan tâm đó là câu chuyện chuẩn bị dự án. Hiện nay chúng ta đang bước vào xây dựng kế hoạch đầu tư công 2026 - 2030 nên cần quan tâm thêm vấn đề xây dựng dự án. Còn với việc triển khai dự án thì từ phê duyệt chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư phải sau 2-3 năm mới cơ bản có quyết định đầu tư hoàn chỉnh.

Khi giám sát, chúng tôi thấy có những dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư đến 5-6 lần mới quyết định đầu tư. Nhưng khi quyết định đầu tư lại rơi vào thủ tục hình thức là có quyết định phân bổ vốn song quyết định phê duyệt đã báo cáo sẽ điều chỉnh quyết định, chủ trương đầu tư.

Do vậy ngay từ năm 2024 phải quan tâm vấn đề chuẩn bị dự án, đảm bảo đưa ra dự án có tính khả thi cao, có đầy đủ thủ tục, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng để có thể bố trí ngay việc thực hiện ở đầu nhiệm kỳ.

Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên vật liệu

Một đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chờ... cát  - Ảnh:  MẬU TRƯỜNG

Một đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chờ... cát - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Năm 2024, Chính phủ phấn đấu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công. Mục tiêu này đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó một nguyên nhân đang nổi lên là do nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng ĐBSCL và khu vực phía Nam, bị thiếu cát san lấp nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ so giá xây dựng theo tháng, bảo đảm theo quy định pháp luật về xây dựng, làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Mặt khác, thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó đề nghị 37 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Cùng với đó, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Xử lý nghiêm việc cố tình làm chậm giao vốn, thực hiện, giải ngân

TP.HCM đã ban hành chương trình hành động để giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2024.

Theo đó, TP xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư công. Mặt khác, TP sẽ khen thưởng các cá nhân, đơn vị làm tốt và xử lý nghiêm trường hợp làm chậm tiến độ giải ngân.

TP yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có chế tài và xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Bí thư, chủ tịch các quận huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư dự án phải tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân đầu tư công; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng; giải quyết các vướng mắc.

Các dự án chuyển tiếp phải nỗ lực giải ngân 100% vốn; các dự án thuận lợi về mặt bằng, điều kiện thi công cần đẩy nhanh tiến độ để hấp thụ thêm vốn.

TP.HCM chính thức dừng đầu tư Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo BT, chuyển sang đầu tư côngTP.HCM chính thức dừng đầu tư Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo BT, chuyển sang đầu tư công

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), chuyển sang đầu tư công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên