Nội dung được nêu từ kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2024 - 2025.
Cụ thể giai đoạn này, TP đặt chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng; tối thiểu 4ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu được đưa ra là đầu tư công viên tại các địa phương có quỹ đất quy hoạch xây dựng công viên cây xanh lớn nhưng chưa được đầu tư. Các địa phương cụ thể gồm: TP Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.
UBND TP.HCM đề nghị các địa phương này đề xuất chỉ tiêu đầu tư (mỗi địa phương tối thiểu 50ha, riêng TP Thủ Đức tối thiểu 100ha) vào nghị quyết đại hội Đảng bộ của từng địa phương giai đoạn 2026 - 2030. Các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Theo kế hoạch, TP cũng sẽ đầu tư, xây dựng, bàn giao công viên cây xanh trong các dự án phát triển nhà ở. Sở Xây dựng và các quận huyện cần rà soát danh mục các dự án phát triển nhà ở nhưng chưa đầu tư xây dựng công viên cây xanh, hạ tầng kỹ thuật hoặc đã đầu tư xây dựng nhưng xuống cấp để đôn đốc thúc đẩy tiến độ xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ các công viên cây xanh.
Ngoài ra, giai đoạn này TP sẽ rà soát thu hồi việc sử dụng cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để xây dựng công viên.
TP giao các địa phương rà soát các khu đất công được quy hoạch đất công viên cây xanh nhưng đang cho thuê sử dụng với mục đích khác trên địa bàn.
Với các khu đất đang sử dụng không đúng mục đích, không còn thời hạn cho thuê, phối hợp với Sở Xây dựng phân loại đánh giá nhu cầu và sự cần thiết để thực hiện dự án xây dựng công viên. Đề xuất lộ trình đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cân đối nguồn vốn triển khai.
Định hướng chủng loại cây trồng trên các tuyến đường
Theo kế hoạch, TP.HCM còn thực hiện quy hoạch định hướng chủng loại cây trồng trên các tuyến đường. Quá trình thực hiện phải kết hợp với quy hoạch, thiết kế đô thị, quy mô hạ tầng kỹ thuật hiện hữu để đề xuất hình thái, đặc điểm nhóm loài cây trồng phù hợp.
Xây dựng kế hoạch chỉnh trang, thay thế cây đường phố phù hợp với định hướng về chủng loại cây trồng trên địa bàn. Ưu tiên thực hiện tại các tuyến đường có cây xanh kém, chậm phát triển không phù hợp với điều kiện khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận