Vấn đề trên được nhắc đến khi thị trường phải chắt chiu từng mét vuông sàn xây dựng để thu lợi thì hàng ngàn nhà, đất công lại hoang phí, số bỏ không, số cho thuê rẻ, khai thác không hiệu quả.
Đi qua "đất vàng" thấy xót xa
Đi qua những khu đất lớn, những căn nhà cao tầng tọa lạc những vị trí vàng ở TP.HCM bị bỏ trống, hoang hóa, nhiều người không khỏi xót xa. Lướt danh sách nhà, đất công do Công ty Quản lý nhà TP quản lý đang bỏ trống sẽ thấy nhiều trong số đó tọa lạc ở những tuyến đường "vàng" như Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nam Quốc Cang, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Thất Đạm (quận 1)...
Nhiều công trình trong số này có diện tích đất 1.800 - 2.300m2 (số 100 - 800m2 đất cũng rất nhiều). Chẳng hạn dù cơ sở vật chất vẫn còn kiên cố nhưng do bỏ trống lâu ngày nên cơ sở nhà đất tại số 9A Nam Quốc Cang (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) có diện tích 584m2 với 1 triệt, 6 lầu bị dây leo phủ kín.
Anh Linh Hà, chuyên môi giới cho thuê mặt bằng ở quận 1, cho biết theo giá cho thuê ở quận này và theo giá chung ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thì cơ sở nhà, đất tại số 215 Lê Thánh Tôn có diện tích sàn khoảng 500m2 tính ra giá cho thuê khoảng 600 triệu đồng/tháng.
Như vậy, riêng một địa chỉ này, TP lãng phí mất một năm hơn 7 tỉ đồng. Hay như nhà, đất số 109 Đồng Khởi (quận 1) có diện tích sàn hơn 2.200m2 thì với giá thuê như trên, một năm cũng có thể thu về quanh mức 24 tỉ đồng. Tại quận 1 đang có 11 nhà, đất công bị bỏ trống hoàn toàn với tổng diện tích sàn hơn 6.600m2.
Không chỉ quận 1, nhiều địa chỉ nhà, đất công do Công ty Quản lý nhà TP quản lý tại quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, TP Thủ Đức cũng bỏ trống.
Do bỏ trống lâu ngày, nhiều địa chỉ đã bị hàng rong chiếm dụng để buôn bán, làm nơi đậu xe. Phần vỉa hè trước nhà số 595 Nguyễn Trãi (phường 7, quận 5) đã trở thành nơi bán bánh mì, bánh bao. Căn nhà 97m2 này trước đây được cho thuê làm công ty và quán ăn nhưng đến nay đã bỏ trống.
Mỏ vàng tiền tỉ của TP.HCM chưa biết đến khi nào được "khai mở".
Đã không có thu còn mất tiền bảo trì
Theo thống kê, hiện TP.HCM có gần 9.300 địa chỉ nhà, đất thuộc đối tượng quản lý theo nghị định 167 năm 2017 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong số này có khoảng 7.300 địa chỉ của các cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp, còn lại khoảng 2.000 địa chỉ thuộc quản lý của khối doanh nghiệp.
Trước đây, ngoài nhà, đất công làm trụ sở các cơ quan, tại TP.HCM, số lượng lớn khác được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện quản lý, khai thác.
Qua quá trình quản lý lâu ngày, nhiều nơi được cho người dân thuê để ở. Việc cho thuê để làm văn phòng, sản xuất, kinh doanh... thì các đơn vị bế tắc vì không có cơ chế. Có đơn vị vận dụng cho thuê ở một số địa chỉ nhưng cũng "nơm nớp", số còn lại bỏ trống.
Theo Công ty Kinh doanh nhà TP, đơn vị này đang quản lý 353 địa chỉ nhà, đất cho thuê làm văn phòng, sản xuất, kinh doanh nhưng các nghị định về tài sản công hiện không quy định về cho thuê nguồn nhà kinh doanh.
Đơn vị này cũng đang phải quản lý 115 nhà, đất để trống nhưng không được cho thuê do chưa có cơ chế khai thác cho thuê.
"Nhà để trống không phát sinh doanh thu nhưng công ty vẫn phải nộp tiền thuê đất hằng năm 40 tỉ đồng và phát sinh chi phí quản lý, bảo trì sửa chữa rất lớn ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của công ty" - ông Trương Trọng Thảo, giám đốc đơn vị này, cho hay.
Ông Thảo kiến nghị UBND TP ban hành quyết định chuyển nguồn nhà, đất công để trống cho Trung tâm đấu giá thuộc Sở Tư pháp để tổ chức đấu giá quyền thuê, đưa vào khai thác cho thuê hiệu quả, tạo nguồn thu và tránh lãng phí.
UBND TP.HCM đã có chủ trương chuyển toàn bộ nhà, đất công từ các đơn vị về một đầu mối là Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Trung tâm này hiện đã tiếp nhận và quản lý, giữ hộ 36 nhà, đất. Số còn lại đang tiếp tục rà soát và làm các thủ tục tiếp nhận.
Tuy nhiên cũng chính do chưa có cơ chế cho thuê nên việc tiếp nhận, nhất là những nhà, đất đã cho thuê trước đây sẽ lúng túng và khó khăn. "Nhà giao cho trung tâm nhưng không có cơ chế cho thuê, sử dụng dẫn đến lãng phí, thất thoát" - ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc trung tâm này, nói.
Giải quyết ra sao?
Nhiều chuyên gia cho rằng thực tế trong số các nhà, đất công TP.HCM quản lý có nhiều nhóm, trong đó có một số nhóm vướng mắc cần có giải pháp, kể cả giải pháp đặc thù ngoài luật để giải quyết.
Cụ thể là nhóm nhà, đất công chưa có cơ chế cho thuê để sản xuất, kinh doanh hoặc chưa có cơ chế đấu giá cho thuê; nhóm nhà, đất công nhưng quá trình quản lý, sử dụng giao cho nhiều đơn vị cùng vận hành, hoặc nhà, đất công nằm lẫn với nhà đất tư.
Việc thống nhất một đầu mối quản lý nhóm nhà, đất này sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí phát sinh tranh chấp. Một nhóm khác là nhà, đất công nhưng đang liên quan đến các vụ án, vụ việc tranh chấp nên vẫn phải để trống chờ kết quả xử lý.
Ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng việc phân loại các nhóm nhà, đất công rất quan trọng, từ đó quyết định giải pháp giải quyết. Trong các nhóm, nhóm nhà, đất chưa có cơ chế cho thuê có thể xử lý ngay.
Chỉ cần xin cơ chế cho TP.HCM tổ chức đấu giá cho thuê với những nhà, đất này sẽ giải quyết được vấn đề. Khi có nghị định chung của Chính phủ, việc đấu giá cho thuê sẽ áp dụng theo nghị định hoặc vẫn áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Về cơ chế, thủ tục đấu giá lâu nay có quy trình chuẩn đấu giá tài sản công, TP.HCM chỉ cần áp dụng đúng, kiểm soát chặt chẽ. Riêng về các nhóm khác, TP.HCM cũng cần xin cơ chế tăng quyền cho TP trong giải quyết các vướng mắc, từ đó có các giải pháp đặc thù để đưa nguồn nhà, đất công vào sử dụng, khai thác.
TS Nguyễn Thị Anh, phó trưởng khoa luật thuộc Trường kinh tế, luật và quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng nghị quyết của Quốc hội về tài sản công cũng định hướng phân cấp mạnh thẩm quyền trong phê duyệt phương án xử lý và quyết định xử lý nhà, đất cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh. Do vậy có thể xin cơ chế tăng quyền tự chủ cho TP để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công làm sao khai thác, sử dụng hiệu quả nhất.
Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định về quy định quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở. Riêng TP.HCM có thể xin cơ chế đặc thù để nhanh chóng tổ chức đấu giá cho thuê đối với các địa chỉ nhà, đất này nhằm khai thác hiệu quả, thu nguồn lực lớn.
Đề xuất bán "đất vàng" Nhà khách Chính phủ ở quận 10
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM về việc lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất tại Nhà khách Chính phủ (số 1 Lý Thái Tổ, phường 1, quận 10). Khu nhà, đất này bị hoang hóa, xuống cấp trầm trọng gần 10 năm dù đã được cử tri kiến nghị liên tục và kéo dài hai nhiệm kỳ Quốc hội.
Về kiến nghị này, Bộ Tài chính trả lời đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao khẩn trương có văn bản đề nghị thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất số 1 Lý Thái Tổ theo đúng quy định. Trong đó, Bộ Tài chính đã lưu ý trường hợp Bộ Ngoại giao không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì có thể nghiên cứu hình thức điều chuyển, bán, thu hồi, chuyển giao về TP.HCM quản lý, xử lý.
Được biết khu đất số 1 Lý Thái Tổ có diện tích hơn 3,7ha, có vị trí đắc địa, giáp ranh với các quận trung tâm TP (như quận 1, 3, 5, 10). Khu đất nằm trong "tam giác vàng" giữa đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng, có bảy căn biệt thự xây dựng theo kiến trúc cũ dạng một trệt một lầu hoặc một trệt hai lầu, chiếm tổng diện tích khoảng 7.000m2. Phần lớn đất còn lại là vườn cây cổ thụ có tuổi đời trên dưới 50 năm và sân vườn trồng các loại hoa, cây cảnh...
Sẽ được đấu giá để cho thuê nhà, đất công
Bộ Tài chính cho biết hiện cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương với diện tích hơn 23,7 triệu m2, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó tại TP.HCM có khoảng 33.000 cơ sở nhà, đất công và tổng diện tích đất 1,8 triệu m2.
Trong tổng số diện tích nhà, đất công nêu trên của cả nước, diện tích đất ở chiếm 90% và nhà ở chiếm 82%. Số diện tích nhà, đất còn lại thuộc quỹ nhà chuyên dùng, tức không sử dụng vào mục đích ở. Điều đáng nói là mỗi địa phương có hình thức quản lý khác nhau và giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà thuộc sở xây dựng địa phương quản lý.
Với nhà, đất công không phải để ở, đại diện Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, nên việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết.
Từ đó Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác. Nghị định ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, tiến tới không còn tình trạng lãng phí.
Trong dự thảo nghị định lần 4, Bộ Tài chính đề xuất ba hình thức quản lý, khai thác là cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện.
Để cho thuê nhà thuộc tài sản của Nhà nước thì phải tổ chức đấu giá. Giá khởi điểm được xác định theo giá cho thuê trong bảng giá cho thuê nhà mà UBND cấp tỉnh đã ban hành. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà thuê tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá cho thuê.
Trường hợp không thuê được tổ chức đấu giá tài sản thì thành lập hội đồng để đấu giá. Giá cho thuê nhà là giá trúng đấu giá. Thời hạn cho thuê tối đa là 5 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà, đất tạm quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa là 3 năm.
Ngoài ra các trường hợp sau cho thuê không phải tổ chức đấu giá mà được áp dụng theo phương thức niêm yết giá. Đó là cho các tổ chức hội có tính chất đặc thù thuê trong trường hợp chưa có trụ sở làm việc; số tiền thuê nhà xác định tại thời điểm xác định giá để cho thuê dưới 50 triệu đồng/năm; cho thuê nhà đối với nhà, đất tạm quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật.
Không chỉ được đấu giá để thuê nhà, đất công như nêu trên, trong dự thảo nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất nhà, đất công còn được bố trí cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời. Như cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có nhu cầu sử dụng trong thời gian sửa chữa, nâng cấp trụ sở chính... Việc này sẽ giúp đơn vị không phát sinh thêm chi phí khi đi thuê trụ sở bên ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận