12/03/2019 10:03 GMT+7

Sống xanh hơn mỗi ngày: Thay đổi thói quen là hành trình dài

THU NGA - CẨM PHÔ
THU NGA - CẨM PHÔ

TTO - Cấm hoặc hạn chế dùng ống hút nhựa là một trong những giải pháp đã được một số nước trên thế giới đặt ra. Tuy nhiên, giải pháp có tính quyết định phải từ ý thức của mỗi người dùng và cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Sống xanh hơn mỗi ngày: Thay đổi thói quen là hành trình dài - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều phụ nữ mang túi vải đi chợ đựng thực phẩm - Ảnh: HỒNG MỸ

Thay đổi thói quen chưa bao giờ dễ dàng nên cần cả một hành trình dài để điều chỉnh. Điều quan trọng là bạn đã ý thức hơn về môi trường và bắt đầu sự thay đổi với khái niệm: từ chối, tái sử dụng, tái chế qua từng hành động nhỏ mỗi ngày

Cẩm Phô

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

Nói "không" với đồ nhựa dùng một lần

Mỗi sáng trên đường đi làm, tôi thường đi qua vô vàn xe bán hàng rong, có rất nhiều người thuộc giới văn phòng, học sinh, người lao động... mua đồ ăn trưa hoặc ăn sáng. Hầu như tất cả thực phẩm được đựng trong hộp xốp, bao nhựa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Dù từ lâu báo chí đã có nhiều bài cảnh báo nhưng kiến thức về các loại đồ chứa đựng thực phẩm dùng một lần này vẫn không đến được với số đông người dân. Nguy cơ lớn nhất là việc nhiều chất gây ung thư trong bao nhựa/hộp xốp bị hòa tan vào thực phẩm. 

Người tiêu dùng thường không chú ý kiểm tra nhiệt độ sử dụng phù hợp của các loại bao, gói đựng thức ăn mình mua hằng ngày và với thực tế nhiều loại đồ ăn Việt Nam bán lề đường đều có nhiệt độ cao khi chế biến xong, nhiều khả năng người tiêu dùng đang đưa chất có hại vào người mỗi ngày mà không hề hay biết.

Điển hình đầu tiên là chiếc hộp xốp dùng đựng vô vàn thứ: từ xôi, cơm đến mì, bún... Các thực phẩm này nếu có dầu mỡ có thể hòa tan các chất trong hộp. Khi tôi mua một hộp bắp xào nóng hổi đựng trong một chiếc hộp như vậy, nhiều chỗ mút trong hộp bị teo lại vì tiếp xúc với thức ăn và dầu nóng.

Điển hình thứ hai là hộp nhựa tròn mà tôi thường thấy cô bán cháo lòng quen thuộc của mình sử dụng. Dù chịu nhiệt cao hơn hộp xốp nhưng cũng không thể chắc chắn về nguồn gốc và mức độ an toàn của nó.

Tệ hơn, vô số chỗ bán các món có nước dùng rất nóng đựng trong một chiếc bao nilông trong cho khách. Tôi tự hỏi với thói quen chỉ thấy tiện lợi trước mắt như vậy thì mỗi ngày một người ăn vào bao nhiêu phần hóa chất nhựa đây? Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, theo tôi, mọi người nên từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa một lần.

THU NGA

Người bán phải thay đổi

Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất ban hành lệnh cấm đối với đồ nhựa dùng một lần tại châu Âu. Không chỉ dừng lại ở đó, dự thảo luật còn yêu cầu các công ty sản xuất đồ nhựa (như túi nilông, đầu lọc thuốc lá, bao bì bánh kẹo) phải chi trả chi phí trong việc xử lý rác thải. 

Một số nơi ở châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã ban hành lộ trình dừng sử dụng đồ nhựa một lần. Nhưng cấm không phải là giải pháp duy nhất, vì người Việt giỏi lách luật. Nếu chúng ta cứ chậm rãi chờ đợi, chỉ hành động kể từ lúc có một đạo luật được ban hành thì e rằng lúc ấy đã quá muộn. 

Bởi hiện nay các bãi chôn lấp rác đã quá tải, các kênh rạch, sông biển, thậm chí cả rừng núi cũng ngập tràn rác.

Theo xu thế chung toàn cầu, các vật dụng giúp người dân "sống xanh" đã trở nên phổ biến và không khó để tìm vật thay thế cho những món dùng một lần tại Việt Nam. Hàng trăm đơn vị cung cấp ống hút thiên nhiên làm bằng tre, cỏ bàng, sả... hay nguyên liệu khác như silicon, inox và mới đây là ống hút làm từ bột thực phẩm. 

Khó có thể nói người tiêu dùng yêu thích loại nào hơn, cũng chưa có thống kê số lượng hàng quán đã chuyển sang loại ống hút thân thiện với môi trường này. Tuy nhiên, phong trào này đã gợi lên trong chính người dân khái niệm: một chiếc ống hút nhựa cũng là rác.

Là một thực khách, tôi cũng như không ít bạn bè của mình nhiều lần phát cáu với sự quen tay của nhân viên ở các nhà hàng, quán cà phê. Họ phản xạ vô điều kiện, cứ thức uống là cắm một chiếc ống hút nhựa vào mặc cho khách dặn đi dặn lại là không dùng ống hút nhựa! 

Từ thực tế này, tôi nghĩ các chủ doanh nghiệp, người cung cấp dịch vụ phải thay đổi và ý thức về vai trò của họ trong việc bảo vệ môi trường. Ý thức của chính chủ doanh nghiệp sẽ quyết định hành vi của nhân viên trong thao tác phục vụ, bằng không có rất ít nhân viên thực sự ghi nhớ yêu cầu của khách.

Chưa kể, ngày nay có nhiều thương hiệu nhượng quyền ra đời tại Việt Nam. Để quản lý doanh số bán ra, chuỗi hàng quán lựa chọn loại cốc sử dụng một lần cho cả khách mang đi lẫn ngồi tại chỗ. 

Điều này có thể giúp chủ đầu tư tiết giảm chi phí và dễ dàng kiểm soát doanh thu, nhưng cách làm này không cho phép nhân viên chiều ý khách hàng đựng thức uống vào chai, lọ cá nhân do khách mang tới. Nhân viên ở các hàng quán này phải chế biến vào ly đúng quy cách của quán rồi rót sang ly thủy tinh mà khách mang theo.

Cùng với ống hút nhựa, bao nilông đến từ quá trình mua sắm thực phẩm cũng là vấn nạn lớn. Nhiều năm nay tôi đã chọn hộp nhựa an toàn, hộp thủy tinh để mua thực phẩm ngay tại chợ. Tuy nhiên, với các đô thị lớn, nơi người dân mua sắm chủ yếu ở siêu thị thì việc mang theo hộp để đựng thực phẩm gần như bị từ chối. 

Mặc dù vậy, vẫn có một vài đơn vị tư nhân hay chi nhánh của các nhà cung cấp thực phẩm lớn vui vẻ chào đón những người tiên phong trong việc mua sắm ít tạo thêm rác: cân cá thịt cho vào hộp, rau củ quả cân cho vào túi, gia vị, đồ khô cũng có thể đựng trong chai lọ tái sử dụng.

CẨM PHÔ

Lan tỏa sống xanh từ... băng vệ sinh vải Lan tỏa sống xanh từ... băng vệ sinh vải

TTO - Trên hành trình lan tỏa những sản phẩm sống xanh, Bùi Thị Minh Ngọc (25 tuổi) đã chọn cho mình hướng đi không hề dễ dàng: sản xuất băng vệ sinh vải với mong muốn thay đổi thói quen tiêu dùng của nữ giới, giảm thiểu lượng rác thải.

THU NGA - CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên