20/12/2022 10:30 GMT+7

'Sóng và máy tính cho em' hiện ra sao?

TRUNG TÂN - ĐÌNH CƯƠNG - ĐOÀN NHẠN
TRUNG TÂN - ĐÌNH CƯƠNG - ĐOÀN NHẠN

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" triển khai từ tháng 9-2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động chương trình.

Sóng và máy tính cho em hiện ra sao? - Ảnh 1.

Một học sinh khó khăn ở Đà Nẵng được nhận máy tính bảng từ chương trình kết nối “Sóng và máy tính cho em” - Ảnh: THU HIỀN

Sau hơn một năm triển khai hiện kết quả chương trình ra sao?

Chậm do đấu thầu

"Tôi là giáo viên ở Đắk Lắk, học sinh trường lập bao nhiêu là lần danh sách điều chỉnh, giáo viên quyên góp ủng hộ nhưng đến giờ này chưa có cái máy tính nào cho học sinh nghèo" - một giáo viên cho biết.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, cho biết đầu năm 2022 tỉnh đã nhận nguồn hỗ trợ 35 tỉ đồng để mua sắm 14.000 máy tính bảng tặng các học sinh khó khăn.

Các bước lập thủ tục, lên danh sách thuộc trách nhiệm của sở đã hoàn thành từ lâu. Tuy nhiên UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu việc mua máy tính bảng này phải theo hình thức đấu thầu tập trung. Tỉnh giao cho Trung tâm đấu giá tài sản Đắk Lắk là đơn vị lập kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung gói thầu này.

Việc tiến hành mua sắm phải thực hiện rất nhiều thủ tục và đến nay đã hoàn thành. "Tuần tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức chương trình trao máy tính cho em tại một trường THCS ở TP Buôn Ma Thuột. Sau đó máy tính sẽ được phát về cho học sinh", ông Khoa nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Biện Văn Minh, trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, cũng thừa nhận việc "máy tính cho em" triển khai trong dịp dịch COVID-19 đến nay chưa trao đúng là khá chậm nhưng so với nhiều nơi là nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc đấu thầu chậm cũng đã tiết kiệm được một khoản kinh phí, để thêm nhiều học sinh được nhận máy tính hơn.

"Nguồn kinh phí 35 tỉ đồng nhận hỗ trợ để mua 14.000 máy tính bảng, qua đấu thầu chỉ sử dụng hết 32 tỉ đồng. Chúng tôi đang lập tờ trình để mua chuyển tiếp thêm 1.000 máy tính nữa để cấp bổ sung cho nhiều học sinh khác" - ông Minh nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Ngày 19-12, ông Trần Sĩ Thành, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, cho biết đang hoàn tất việc chi 32 tỉ đồng mua hơn 12.700 máy tính bảng để cung cấp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo liên danh TELEQ - VNPT Technology, đơn vị trúng gói thầu mua sắm máy tính bảng, dự kiến trong tháng 1-2023 sẽ cung cấp đủ máy để ngành giáo dục cấp phát đến học sinh.

Trước đó, một số doanh nghiệp, giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục đã ủng hộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông gần 32 tỉ đồng để mua máy tính bảng cấp phát cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Sau khi tổ chức đấu thầu, liên danh TELEQ-VNPT Technology đã trúng gói thầu mua sắm máy tính bảng nêu trên.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị trúng thầu cho biết máy tính bảng được sản xuất, lắp ráp tại nước ngoài, sau đó được nhập khẩu về Việt Nam. Hiện tại đang vào thời điểm cuối năm nên công tác vận chuyển máy về nước sẽ mất thời gian...

Sóng và máy tính cho em hiện ra sao? - Ảnh 3.

Học sinh một trường vùng sâu huyện M’Đrắk, Đắk Lắk - Ảnh: THẾ THẾ

Trường chủ động kết nối

Tại Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục thành phố và các quận, huyện đã tổ chức phát động, kêu gọi ủng hộ "Sóng và máy tính cho em" từ tháng 9-2021.

Sau thời gian phát động, có gần 4.000 học sinh khó khăn được hỗ trợ với hơn 2.300 tỉ đồng, gần 100 máy tính để bàn, hơn 250 máy tính bảng, hàng chục laptop, hàng trăm điện thoại di động, cả ngàn sim hoặc gói cước và đầu thu...

Tất cả các thiết bị kêu gọi được đã nhanh chóng đến tay học sinh các trường tiểu học, THCS để kịp thời cho các em học trực tuyến.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Đà Nẵng, cho biết sở không trực tiếp thành lập ban chỉ đạo chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Hưởng ứng chương trình ý nghĩa này, Công đoàn ngành giáo dục Đà Nẵng đã đề nghị các trường học tích cực vận động, kêu gọi ủng hộ kinh phí mua tặng thiết bị điện tử cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo đề xuất với liên đoàn lao động các quận, huyện phát động hoặc phối hợp tham mưu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện phát động chương trình đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nhà hảo tâm trên địa bàn.

Trong giai đoạn học sinh ở Đà Nẵng phải học trực tuyến vì dịch COVID-19 kéo dài, các trường học đã sáng tạo, chủ động để những học sinh khó khăn có đủ phương tiện học tập trong điều kiện mới. Ngoài vận động các nguồn đóng góp, tài trợ, một số trường đã cho học sinh mượn máy tính của phòng tin học đem về nhà sử dụng.

Cô Nguyễn Thị Minh - hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ:

"Thời điểm học sinh phải học trực tuyến, sau khi kêu gọi đã có một số học sinh của trường được tặng điện thoại thông minh để phục vụ việc học. Tuy nhiên vẫn còn những học sinh thiếu thiết bị mà chưa tìm được nguồn hỗ trợ, nhà trường quyết định cho các em mượn máy tính của phòng tin học về nhà để sử dụng".

Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 12.000 học sinh

Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường đã được các đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp hiện vật (không ủng hộ tiền mặt) gồm 8.914 thiết bị học trực tuyến (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh...), 2.000 phần mềm học tập và 4.000 thẻ sim data (các đơn vị tài trợ trực tiếp về cài đặt cho các em học sinh) để trao tới các em học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cha mẹ tử vong vì dịch COVID-19, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Về nguồn ủng hộ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, tính đến cuối tháng 3-2022 ủy ban đã vận động được trên 14 tỉ đồng để tiếp tục có nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến trên địa bàn.

Tổng cộng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã hỗ trợ 1.707 thiết bị học trực tuyến cho 1.707 học sinh trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, theo nguồn phân bổ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội đã trao trực tiếp 1.284 máy tính bảng tới 1.284 học sinh của huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Như vậy, tổng số học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cha mẹ tử vong vì dịch COVID-19, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... đã được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến theo cuộc vận động "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động là 12.115 học sinh.

VĨNH HÀ

Giáo hội Phật giáo kêu gọi tăng ni, phật tử ủng hộ ‘Sóng và máy tính cho em’ Giáo hội Phật giáo kêu gọi tăng ni, phật tử ủng hộ ‘Sóng và máy tính cho em’

TTO - Tiếp theo phát động của Thủ tướng Chính phủ tối 12-9, hôm nay 13-9, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản kêu gọi tăng ni, phật tử quyên góp ủng hộ cho chương trình "Sóng và máy tính cho em".

TRUNG TÂN - ĐÌNH CƯƠNG - ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên