16/12/2019 10:20 GMT+7

Sống tử tế như người dân ở nơi “giàu có”

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở Phú Quý - hòn đảo mang tên của sự giàu có, cách đất liền hơn 100km, người dân trên đảo hiền lành, thật thà, sống đùm bọc, cưu mang nhau và rất thích làm từ thiện.

Sống tử tế như người dân ở nơi “giàu có” - Ảnh 1.

Từng được bà con cưu mang lúc nghèo khổ, khi làm ăn khá giả, ông Nguyễn Đức Hạnh đã khởi xướng ý tưởng làm kinh doanh để lấy kinh phí hoạt động từ thiện giúp đỡ lại người nghèo khó - Ảnh: MY LĂNG

Đảo Phú Quý cách Phan Thiết (Bình Thuận) hơn 100km. Trên hòn đảo mang tên của sự giàu có, trù phú này, nhà cấp 4 nhiều hơn nhà lầu, xe máy là phương tiện chủ yếu chứ không phải xe hơi. 

Đảo có gần 27.000 dân. Ngành nghề truyền thống là khai thác, thu mua hải sản. Thu nhập bình quân năm 2018 chỉ có 35 triệu đồng. Với thu nhập như thế thì không thể nói là giàu có. Nhưng sự "giàu có" của người dân đảo Phú Quý chính là... giàu tình cảm, giàu tình thương yêu, giàu tình đoàn kết, giàu tình làng nghĩa xóm.

Ngày xưa, ông bà chúng tôi đoàn kết để cùng vượt qua cuộc sống khó khăn, sóng gió khắc nghiệt và nạn cướp biển. Đến thế hệ con cháu sau này thì tiếp nối truyền thống đó, sống yêu thương, giúp đỡ nhau.

Ông NGUYỄN ĐỨC HẠNH

Người dân già trẻ ai cũng có cái tâm làm việc thiện

Ông Ngô Tấn Lực, phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, cho biết: "Tính cộng đồng của người dân đảo Phú Quý rất cao. Khi một người có chuyện gì, mọi người xúm lại giúp đỡ. Người dân rất đùm bọc. Khi có người qua đời hoặc gặp hoạn nạn, dù không phải là họ hàng, người dân đều rủ nhau đến chia buồn, thăm hỏi. Ma chay thì cả xóm cùng phụ làm, không tốn đồng nào. Xóm còn cắt cử người ở lại trực giúp gia chủ trong lúc bối rối".

Khá thú vị khi biết người dân trên đảo tham gia việc quản lý chùa và đa số các chùa trên đảo không có trụ trì. Ban quản lý do người dân lập ra, có nhiệm kỳ hẳn hoi. Ông Nguyễn Đức Hạnh (68 tuổi, người dân ở thôn Hội An, xã Tam Thanh) là thành viên ban quản lý chùa Linh Quang (xã Tam Thanh), cũng là người rất tích cực làm từ thiện ở huyện đảo này.

11 năm trước, ông Hạnh là người đưa ra ý tưởng làm kinh doanh để lấy tiền hoạt động từ thiện. Đầu tiên là thành lập Hội Thanh Niên trực thuộc chùa Linh Quang. Hội Thanh Niên thành lập từ năm 2008, gồm 20 thành viên. 

Vừa thành lập, hội mở quán Thanh Niên kinh doanh ăn uống. Mọi người hùn lại được 220 triệu đồng để mở quán. Mảnh đất rộng 600m2 trên mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (xã Tam Thanh) của nhà ông Nguyễn Liêu người ta hỏi thuê 20 triệu đồng một năm, nhưng ông từ chối để cho Hội Thanh Niên mượn miễn phí trong 5 năm. Biết quán mở ra để làm từ thiện, bà con trên đảo đến ủng hộ rất đông.

Năm năm trước, khi ông Liêu lấy lại mặt bằng để xây nhà, ủy ban huyện sẵn lòng hỗ trợ bằng cách cho thuê mặt bằng rộng hơn 800m2 ở gần vịnh Triều Dương với giá rẻ, để Hội Thanh Niên mở nhà hàng tiệc cưới làm từ thiện. 

Bà Mai Thị Anh (64 tuổi, người dân thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh) nhớ lại những ngày đầu của nhà hàng Thanh Niên: "Hồi đó xuống đây làm vất vả lắm, thiếu thốn đủ thứ. Chén bát, xe cộ, dàn âm thanh... cũng không có. Ông Hạnh qua Mỹ thăm con gái, xin được dàn trống, dàn đờn mang từ Mỹ về Việt Nam. Hồi đầu làm quán chưa rộng rãi như thế này, chỉ khoảng 50 bàn, làm có tiền rồi cứ mở dần ra, giờ đủ chỗ làm 162 bàn". 

Bà Mai Thị Anh là đầu bếp của nhà hàng. Hai người con trai của bà học theo mẹ, cứ rảnh là xuống phụ làm.

Toàn bộ nhân viên nhà hàng từ đầu bếp, bày biện món ăn, phục vụ, nhạc công, MC, rửa chén bát... đều tình nguyện làm không công nhiều năm nay. Tất cả đều là người dân từ ba xã trên huyện đảo. 

"Hiện tại nhân viên của nhà hàng có hơn 200 người. Nam sắp bàn, còn nữ nấu nướng, chế biến, rửa chén bát. Có 30 cháu học sinh từ lớp 8 đến lớp 10 cũng phụ chạy bàn. Chúng tôi cho mỗi cháu 50.000 đồng tiền công nhưng các cháu không lấy. Nhà hàng này là công sức và đóng góp của người dân toàn đảo, từ người già đến trẻ em. Ai cũng hiểu đóng góp của mình để làm từ thiện nên không ai nhận tiền công mà làm rất vui vẻ, nhiệt tình" - ông Hạnh tự hào nói.

Trong danh bạ điện thoại của ông Hạnh có 10 số điện thoại của 10 tổ trưởng ở ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Khi có đám cưới, ông chỉ cần gọi cho 10 tổ trưởng là hàng trăm người "đổ quân" đến phụ.

Ông Hạnh có bốn người con, trừ cô con gái định cư ở nước ngoài thì ba người con còn lại, kể cả con dâu, cũng xuống đây phụ làm. Vợ ông Hạnh cũng cùng chồng làm việc thiện nguyện, là người chỉ đạo nhà hàng làm các món ăn. 

Đặc biệt, "nhân viên" của nhà hàng còn có cựu phó chủ tịch xã Tam Thanh - ông Mai Thất. "Tôi tự hào vì gia đình, anh em rất ủng hộ. Người dân già trẻ ai cũng có cái tâm làm việc thiện. Bà con trên toàn huyện đảo giúp mình bằng cách đến đây tổ chức đám cưới để mình có tiền làm từ thiện" - ông Hạnh bảo.

Chị Mỹ Linh - 43 tuổi, một người phụ nữ thường đi làm tôm làm mực mưu sinh, khi có thời gian rảnh thì xuống đây phụ làm từ thiện - cho biết ở đảo Phú Quý đám cưới rất đông, từ 1.000-1.500 người. 

"Đám cưới ở đây lời lắm vì chi phí rẻ, một bàn chỉ 1,7 triệu đồng trong khi bà con đi tiền mừng nhiều, ít thì 300.000 đồng, thường là 500.000 đồng. Có người đi 1 triệu. Họ đi cưới không phải để ăn uống, mà ủng hộ giúp mấy đứa trẻ có vốn làm ăn" - chị Linh giải thích.

Sống tử tế như người dân ở nơi “giàu có” - Ảnh 3.

Nhân viên là người dân ba xã trên huyện đảo đến làm tình nguyện không lấy công tại nhà hàng Thanh Niên - Ảnh: MY LĂNG

Người mất được lo miễn phí

Lợi nhuận thu được từ nhà hàng, Hội Thanh Niên gửi một nửa về chùa, một nửa làm công tác từ thiện trên toàn huyện đảo. Mỗi tháng, hội có ba ngày nấu cơm tặng miễn phí cho bệnh viện trên huyện đảo. Trẻ em khuyết tật, người nghèo đau ốm cần chuyển viện mà không có tiền, Hội Thanh Niên hỗ trợ. Học sinh nghèo thì được cấp học bổng 500.000 đồng một suất.

Từ năm 2014 đến nay, Hội Thanh Niên đã trích ra hơn 3 tỉ đồng để hoạt động từ thiện, trong đó xây chín căn nhà tình thương. Năm 2018, khi chùa Linh Quang làm vườn Phật tích Lâm Tỳ Ni, nhà hàng Thanh Niên đã đóng góp 1,3 tỉ xây dựng công trình này.

Toàn bộ thu chi tài chính đều được công khai rõ ràng. Hằng năm, cứ ngày 16-11 âm lịch, Hội Thanh Niên tổ chức tổng kết báo cáo tài chính, mời 800 người từ lãnh đạo cấp xã, cấp huyện đến người dân ba xã tới dự. Riêng nguồn tiền gửi về chùa Linh Quang thì cứ 6 tháng lại báo cáo tài chính một lần.

Điều đặc biệt và cũng rất nhân văn mà dân đảo đã tạo nên như một nét văn hóa đáng tự hào cho vùng đất xa xôi này, đó là khi có người mất, kể cả giàu hay nghèo đều được lo miễn phí. 

Ông Hạnh bảo: "Người ở đất liền chết tốn rất nhiều tiền, còn ở đây không tốn đồng nào mà lại còn có thêm tiền. Người dân tự đến, ngồi xếp hàng dài ngoài đường tiễn người quá cố. Nhà nào khó khăn thì người dân tới đóng góp, để gia chủ không phải mắc nợ khổ thêm. Ai có mặt cũng góp 100.000 đồng, 200.000 đồng. Cả ngàn người tới thì tiền phúng điếu cả trăm triệu đồng".

Khoảng hai năm nay, mỗi xã trên huyện đảo Phú Quý đều có một ban lo tang lễ từ thiện. "Ông bà xưa đặt tên Phú Quý là vì dân ở đây thương quý nhau, không quý trọng tiền bạc mà quý trọng cái tình, cái nghĩa" - ông Hạnh tự hào nói.

Trước đây, khi đi kinh tế mới, ông Hạnh bị bệnh rất nặng và quyết định trở về đảo năm 1986. Trong 7 năm không làm gì được, ông Hạnh được những người xung quanh giúp đỡ từng ký gạo, từng món tiền nhỏ 5.000, 10.000 đồng. "Khi hết bệnh, làm ăn ngày một thuận lợi, tôi nghĩ trong lúc mình đau bệnh bà con xung quanh giúp, giờ kinh tế ổn định thì mình phải giúp lại những người khó khăn. Hồi còn trẻ thì phải bươn chải làm ăn, nhưng nay có ăn rồi mà cứ lo kiếm tiền không giúp được ai thì cuộc đời cũng vô nghĩa. Giúp nhiều người, họ vui mà mình cũng vui" - ông Hạnh chia sẻ.

Phú Quý thuần khiết và bình yên Phú Quý thuần khiết và bình yên

Ngày trước, khách từ đất liền ra rất hiếm nên người đảo thấy lạ lắm, thích lắm. Dân đảo mời khách về nhà bằng được, nấu nướng mời ăn rồi mời ngủ lại nhà, có khi còn dẫn đi giới thiệu với bà con họ hàng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên