Các nghệ sĩ chào khán giả TP.HCM trong tiếng vỗ tay không ngớt khi khép lại đêm nhạc. Từ trái qua: Nguyễn Mai Lê, Ngô Hồng Quang, Nguyên Lê, Nguyễn Hoàng Anh và Alex Trần - Ảnh: Gia Tiến |
Và ở điểm đến cuối cùng - TP.HCM (diễn ra tối 1-3 tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp - IDECAF, TP.HCM), sau khi đã diễn ra ở Hà Nội (24 và 25-2) và Huế (28-2), Song tấu Hà Nội làm khán giả mộ điệu thỏa mãn khi mang đến cho người nghe quá nhiều ngỡ ngàng lẫn sung sướng, hạnh phúc.
Đêm nhạc “cháy” vé từ rất sớm, đã có không ít khán giả xin vào ngồi xem ở những bậc thang nơi lối đi, hay đứng nép vào cánh gà suốt buổi diễn.
Phần lớn khán giả đến với Song tấu Hà Nội: Nguyên Lê - Ngô Hồng Quang và những người bạn đều đã đến với những đêm nhạc trước đó của hai nghệ sĩ này, thân quen với không gian âm nhạc độc đáo của họ. Nhưng lần này lại là một sự độc đáo khác, siêu đẳng đến từng nốt nhạc, nhịp, phách.
Vẫn là một đêm jazz “quái” đúng kiểu Nguyên Lê nên không thể thiếu nhịp điệu, tiết tấu cùng tính ngẫu hứng ngút trời.
Nhưng “sướng” nhất là tiết tấu - một yếu tố vốn không được cho là thế mạnh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam - đã được Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang và những người bạn cự phách: nghệ sĩ bộ gõ Alex Trần, nghệ sĩ sáo mèo, tiêu Nguyễn Hoàng Anh, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Mai Lê “o bế”, làm chúng trở nên vô cùng thú vị, đặc sắc qua các tác phẩm từ dân ca đến những sáng tác mới như: Đêm qua nhớ bạn (dân ca quan họ), Lý ngựa ô (dân ca Nam bộ), Mục hạ vô nhân (xẩm), Gọi em, Năm giác quan, Nữ hoàng khỉ hay Chiếc khăn piêu...
Ngô Hồng Quang - Ảnh: Gia Tiến |
Có nhiều thời khắc khán giả như chìm vào cuộc đối thoại của những nhịp đập, tiếng gõ phách từ chính các nhạc cụ như đàn nhị, đàn tranh hay guitar, chứ không chỉ từ bộ gõ.
Nó khiến người nghe phải “giật mình” trước những sáng tạo không ngờ, mang đến quá nhiều hứng khởi từ các nghệ sĩ - điều khó tìm thấy trong những chương trình nghệ thuật mang yếu tố truyền thống của Việt Nam ngày nay.
Suốt hai tiếng “vui cùng âm nhạc”, từ tiết mục mở màn Tình đàn đến tiết mục cuối cùng Chiếc khăn piêu hay tiết mục “tặng thêm” (sau khi khán giả vỗ tay không ngừng, chẳng ai chịu đứng lên ra về) là Lý ngựa ô, không có một sự lặp lại nào trong giai điệu hay nhịp phách.
Và giọng hát Ngô Hồng Quang cũng là một “nhạc cụ” lạ lùng với những thanh âm vang lên thật “đắt”. Những giai điệu tuyệt vời, những âm thanh phải gọi là vi diệu ấy đã gợi lên nhiều suy tưởng trong mỗi người nghe, đưa mỗi khán giả “bay” vào những miền cảm xúc riêng.
Nguyên Lê - Ảnh: Gia Tiến |
Nói về đêm diễn này, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ: “Một sô diễn đầy ngẫu hứng và ma mị. Những giai điệu dân gian quen thuộc được đặt trên những hợp âm nghịch và tiết tấu rất thời thượng, vốn là những “đặc sản” riêng của Nguyên Lê, đã mang lại cho người nghe một không gian mới, cả một thế giới mới mà dành cho những tai nghe âm nhạc luôn ham muốn sự khám phá.
Cuộc gặp của Hồng Quang với Nguyên Lê thật sự đã đạt tới sự thỏa mãn của những nhạc sĩ có tâm hồn Việt ở đẳng cấp quốc tế. Vốn âm nhạc dân gian phong phú cùng với ngón đàn điêu luyện của Hồng Quang đã hòa quyện với tư duy pha trộn các ngôn ngữ âm nhạc thế giới của Nguyên Lê, mang tới quá nhiều bất ngờ về mặt cảm xúc cho khán giả. Một cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa với âm nhạc Việt nói chung và là mốc son của cả hai nghệ sĩ nói riêng”.
Khi thực hiện Song tấu Hà Nội (Hanoi Duo), Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang đã tâm sự rằng họ muốn cùng thể nghiệm và chia sẻ vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam với thế giới - nơi có những gì thuộc về nguồn cội lẫn cả tương lai. Và thật sung sướng lẫn hãnh diện nếu tương lai nhạc Việt là đây...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận