Câu chuyện gia đình ông Năm Liêm ở cồn Châu Ma, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp khiến người nghe cứ day dứt mãi...
Phóng to |
Gần cả đời sống ở cồn Châu Ma, chứng kiến bao trận lở đất kinh hoàng nhưng ông Năm Liêm (Nguyễn Thanh Liêm, 84 tuổi) vẫn không thể ngờ mình bị “thủy thần” truy đuổi tới cùng như vậy. Hồi ông mới lấy vợ, ra riêng được cha mẹ cho gần 20 công đất (mỗi công 1.000m2), nằm cách đầu cồn hơn hai cây số, nhờ đó vợ chồng đã chu toàn bổn phận với bảy người con và còn dành dụm cất được căn nhà khang trang. Những tưởng tuổi già sẽ được vui thú điền viên. Vậy mà...
Bảo vật của người cha
“Mùa lũ năm 2000 bắt đầu lở cồn. Mé đầu cồn bề ngang hơn cây số có đêm lở sâu vô 15-20 thước, 5-6 căn nhà đổ xuống sông...” - ông Năm Liêm nhớ lại. Rồi một ngày “thủy thần” tiến tới phần đất của ông. Ngày qua ngày ông thẫn thờ nhìn từng gốc cây, vạt đất - mà trước đây có người trả ba, bốn lượng vàng một công ông không bán - cứ rơi dần xuống sông. Tới đầu mùa lũ năm 2011, đất lở vô sát mí nhà ông. Tuổi già xế bóng, vợ chồng ông Năm đành đoạn rời bỏ căn nhà đã gắn bó vui buồn suốt mấy chục năm, nhờ con cháu giúp dựng nhà trên khoảnh đất sâu phía trong mà ông bà đã dành dụm hơn 7 triệu đồng để mua.
Một bữa trưa oi ả đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến căn nhà mới của ông Năm. Ông đang lui cui lau bức ảnh bán thân của một thanh niên khá trẻ, được lồng cẩn thận trong khung kính, dù ảnh đã khá mờ. Ông bảo mấy bữa nay bà Năm (vợ ông, 82 tuổi) hay đau nhức mình mẩy nên đã sang nhà con gái thứ hai ở thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang ở để tiện việc trị bệnh. Ông ở nhà một mình nên hay lội bộ ra nhà người con trai gần đó cơm nước với cháu con cho vui.
Trước đây cồn Châu Ma nằm giữa sông Tiền, thuộc xã Phú Trung, huyện Hồng Ngự, có chiều dài hơn 3km, tổng dân số hơn 5.000 người. Nhưng rồi những biến đổi của dòng chảy, nhất là từ trận lũ thế kỷ năm 2000, đất từ đầu cồn cứ lở dài xuống. Xã Phú Trung thành lập được sáu năm đã bị xóa tên, ấp duy nhất còn lại được sáp nhập qua xã khác, lập ra xã mới Phú Thuận B. “Ngoài thiệt hại vật chất, người dân vùng sạt lở còn gánh chịu những mất mát về tinh thần không thể bù đắp, khi người thân không may bị đất lở vùi mất xác hoặc bị dòng nước cuốn đi...” - ông Phạm Văn Nhứt (75 tuổi, nguyên bí thư xã Phú Trung) đưa mắt nhìn ra sông Tiền đang cuộn chảy, chùng giọng. |
Tuổi già có việc nhớ việc quên, nhưng chuyện về người con thứ tư thì ông Năm Liêm nhớ từng chi tiết: “Khoảng cuối năm 1964, học ở trường làng hết lớp 5 thằng Tư đã phải xa nhà qua Phú Mỹ rồi lên Long Xuyên ở trọ nhà bà cô để học tiếp, vì ở đây vừa thiếu thầy vừa thiếu lớp. Mỗi tháng tôi đều dành dụm gửi cho nó 6.000 đồng, tương đương một chỉ vàng để chi xài”.
Ông Năm kể vanh vách chuyện Tư Khôn trúng tuyển vào ĐH, lên Sài Gòn được hai năm thì giải phóng, quay về quê tham gia giảng dạy bình dân học vụ rồi đi sinh hoạt Đoàn, làm thư ký xã... Ông bảo dường như cái số của gia đình mình đã gắn liền với họa sạt lở. Vì sạt lở ông mất hết đất đai. Do sạt lở mà con ông đã cố gắng học ngày học đêm để đậu đại học, với mong muốn sau này trở về nắn dòng sông Tiền cho xóm làng không còn bị sạt lở nữa. Nhưng rồi cũng chính sạt lở đã cướp đi sinh mạng của con ông, ngay trong lúc đang làm việc tại cơ quan. “Sạt lở đất đã lấy đi của tôi tất cả, may có bức di ảnh này, hai chục năm rồi tôi luôn giữ nó bên mình như bảo vật vậy” - ông xúc động kể.
Phóng to |
Ông Năm Liêm với di ảnh người con trai thứ tư (anh Nguyễn Văn Khôn, nguyên phó chủ tịch HĐND huyện Hồng Ngự) mà ông luôn xem như báu vật - Ảnh: Tấn Đức |
Nỗi lòng quả phụ
Trong câu chuyện kể về con trai, thi thoảng ông Năm Liêm lại nhắc đến con dâu và ba đứa cháu nội với nỗi xót xa pha lẫn tự hào. Chừng gặp chị, quả phụ Huỳnh Thị Mí, vợ anh Tư Khôn, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi tự hỏi vì sao những tai ương do sạt lở cứ đeo bám người phụ nữ này một cách lạ lùng.
Chồng mất để lại ba con, hai gái một trai, đứa lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới lên 8, quả phụ 34 tuổi đã từ chối mọi lời đề nghị “chắp nối”, dành hết tình thương cho con. Gom góp vốn liếng tích cóp bấy lâu được 3,2 lượng vàng, chị quyết định đi cố 4 công đất rẫy (một hình thức thuê đất khá phổ biến ở miền Tây Nam bộ, trong đó chủ đất sẽ nhận của người đi thuê số vàng nhất định, đổi lại sẽ giao đất cho người đưa vàng canh tác, khi nào muốn lấy đất lại thì trả vàng) của một người dân ở cồn Châu Ma để trồng rau quả nuôi con.
Làm được vài năm “thủy thần” lại tìm đến. Chủ đất đoán biết không chóng thì chầy 4 công đất sẽ lở mất hết nên cứ làm thinh không thèm chuộc đất, dù chị năm lần bảy lượt đề nghị. Rốt cuộc đất cứ teo tóp dần, tới giờ chỉ còn chưa tới một công, nguy cơ sau một mùa lũ nữa sẽ mất hết, mà 3,2 lượng vàng thì không biết làm sao thu hồi.
Trước nguy cơ cụt vốn làm ăn, chị đành sang lại ngôi nhà gắn bó bao kỷ niệm ở cồn Châu Ma để mua căn nhà nhỏ ở quê, cạnh nhà cha mẹ ruột ở ấp Phú Lợi, cùng xã Phú Thuận B, vừa làm chỗ ở vừa mở quán giải khát mưu sinh. Căn nhà mặt trước cặp tuyến lộ nhựa, phía sau cách bốn lớp nhà mới tới con sông Tiền cuộn chảy. Lúc mua tuyệt nhiên chưa có dấu hiệu gì, người dân ở đây bao đời vẫn sinh sống bình thường, nhưng đùng một cái, vào mùa lũ năm 2011 đã xảy ra sạt lở mạnh. Một đoạn bờ sông dài hàng trăm mét bị lở sâu vô cả chục thước, lớp nhà ngoài cùng đã bị xóa sổ. Nơi chị ở tự dưng có tên mới: “Xóm đất lở”. Chị bàng hoàng tự hỏi: Vài ba năm tới căn nhà bị sụp lở thì không biết mẹ con về đâu. Bao giờ họa sạt lở mới buông tha gia đình mình.
_________________
Sáu lần dời nhà chạy lở, qua ba cồn bãi, cuối cùng gia đình ông cũng có được chỗ ở ổn định trong khu dân cư. Nhưng chỉ có vợ chồng ông được ở, còn những người con vẫn phải tiếp tục cuộc mưu sinh nơi cồn bãi.
Kỳ tới: Một đời người, ba đời cồn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận