16/06/2014 06:20 GMT+7

"Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống"

TRẦN NINH
TRẦN NINH

TT - Buổi công chiếu bộ phim tài liệu đầu tiên về Yersin Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống, diễn ra tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) ngày 13-6.

Chiếu phim về Yersin ở Việt Nam Khơi dậy tinh thần nghiên cứu của người Việt

Trước giờ chiếu phim, bốn nhà khoa học Việt Nam: GS Nguyễn Trần Hiển (giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), GS Lê Gia Vinh (phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam), GS Đậu Ngọc Hào (chủ tịch Hội Thú y Việt Nam) và GS Nguyễn Lân Dũng (chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam) - đại diện cho bốn lĩnh vực mà Yersin nghiên cứu là vi khuẩn học, y học đa khoa, y học thú y và thực vật học đã chia sẻ những đóng góp to lớn của nhà khoa học Yersin tại Việt Nam, đồng thời nói về những thành tựu, khó khăn của ngành và không quên nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, đặc biệt là đông đảo sinh viên của trường này về tương lai của ngành nghiên cứu.

Nhớ lại quá khứ, GS Lê Gia Vinh cho biết trong thời chiến việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà khoa học có niềm đam mê nghiên cứu thời ấy phải chấp nhận những thiếu thốn về đời sống kinh tế, cơ sở vật chất, tư liệu, kiến thức để tiếp tục sự nghiệp của mình. Đến thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ hiện nay, những trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm được tài trợ từ nước ngoài, sự hỗ trợ của Internet, thư viện điện tử đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học y học nói riêng, vì vậy khoa học nước nhà rất trông chờ ở thế hệ trẻ. Đến cuối bài phát biểu, GS Lê Gia Vinh cao giọng: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi và mong mỏi các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ của các ngành khoa học, hãy nhen lên ngọn lửa nhiệt tình và lòng say mê khoa học”.

Còn với GS Nguyễn Lân Dũng, ngoài những tự hào về thành công có được của ngành sinh học Việt Nam, GS cũng cho rằng với sự biến đổi nhanh chóng của các vi sinh vật trong điều kiện nước nhiệt đới, ngành sinh học phải cố gắng nhiều hơn nữa. GS Dũng tiếc nuối vì chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi như dân số đông với 90 triệu dân, đứng thứ 13 trên thế giới, với sự ưu đãi lớn của tự nhiên, nhưng Việt Nam chưa nghiên cứu được bất kỳ một loại kháng sinh nào.

Còn GS Đậu Ngọc Hào nói về những hạn chế của ngành thú y: khiêm tốn trong sản xuất chế phẩm, 80% văcxin phải nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, Hà Lan, yếu kém dẫn đến các bệnh dịch “đau đớn” ở gia cầm. GS Đậu Ngọc Hào chia sẻ: “Chỉ có một lòng nhiệt tình, chỉ có một lòng dũng cảm, hi sinh như tấm gương của bác sĩ Yersin thì chúng ta mới có thể làm tốt những công việc nghiên cứu khoa học”. Đặt niềm tin vào thế hệ nghiên cứu trẻ, nhưng GS Đậu Ngọc Hào cũng cảnh báo những khó khăn, khắc nghiệt của nghề. GS cho rằng nghiên cứu là ngành đòi hỏi sự sáng tạo nhưng cũng rất khô khan, nhất là trong môi trường làm việc ở phòng thí nghiệm, thậm chí có thể hi sinh nhiều năm nhưng thất bại. “Con đường đi đến những sáng chế không phải là con đường dễ dàng, chỉ có bạn trẻ với những quyết tâm, không ngại khó khăn thì mới tiếp bước được con đường nghiên cứu khoa học” - GS Hào nói.

Những sinh viên ngồi chật kín trong hội trường chăm chú lắng nghe kỳ vọng của các nhà khoa học đầu đã bạc nhưng đầy tâm huyết với nghiên cứu: “Chỉ những người không sợ chùn chân mỏi gối để leo lên những con đường gồ ghề, khúc khuỷu thì mới có hi vọng đạt đến đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi” - lời của GS Lê Gia Vinh đầy tha thiết...

TRẦN NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên