21/01/2007 08:05 GMT+7

Sóng gió đời thuyền viên Kỳ 1: Những người bị bóc lột

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Giữa tháng 12-2006, tôi đến quán “The mission to Seafarers” ở cảng Cape Town, Nam Phi. Quán là nơi các thuyền viên VN thường tới đây tụ tập mỗi lần vào bờ để gọi điện thoại về nhà hoặc uống với nhau một vài chai bia. Đây cũng là nơi tôi gặp những thuyền viên VN đầu tiên.

Là nơi hai dòng hải lưu của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương gặp gỡ, biển Nam Phi là một trong những ngư trường có trữ lượng cá dồi dào nhất thế giới. Nhiều tàu quốc tế, trong đó có các tàu Hàn Quốc, Đài Loan đến đây khai thác cá. Làm việc trên những con tàu đó là hàng trăm thuyền viên Việt, những người đến từ nhiều vùng quê nghèo khác nhau của VN. Và một hành trình sóng gió bắt đầu.

ClMBqblu.jpgPhóng to

Chỗ ở chật chội, hôi hám của thuyền viên - Ảnh: T.TUẤN

TT - Giữa tháng 12-2006, tôi đến quán “The mission to Seafarers” ở cảng Cape Town, Nam Phi. Quán là nơi các thuyền viên VN thường tới đây tụ tập mỗi lần vào bờ để gọi điện thoại về nhà hoặc uống với nhau một vài chai bia. Đây cũng là nơi tôi gặp những thuyền viên VN đầu tiên.

Làm việc 30 tiếng

Những thuyền viên VN đầu tiên tôi gặp đến từ tàu Kwang Jaho, một tàu cỡ lớn của Hàn Quốc. Thuyền viên Mai Đình Nhuận (ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, do Công ty LOD Hà Nội đưa đi) đã làm lâu năm, luôn phàn nàn về thời gian làm việc quá khắc nghiệt. Nhuận nói: “Bọn tôi làm 12 tiếng rồi nghỉ năm tiếng chứ không chia làm theo ngày. Tàu đầy cá thì bán ngay ngoài biển nên bọn tôi ở biển 7-8 tháng mới vào bờ khi tàu cần sửa chữa”.

Các thuyền viên nói rằng lịch làm việc đó thật vô lý khi thuyền viên Hàn Quốc trên tàu chỉ phải làm sáu tiếng và được nghỉ sáu tiếng. Anh Bùi Hồng Diên ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) đi làm từ năm 2000, cho biết các cai tàu ở đây thường gọi anh em bằng những tên miệt thị hoặc chửi mắng vô cớ. Anh bức xúc: “Chúng tôi làm ra mỗi ngày 70-80 tấn cá mà cứ bị chửi vậy thì không chịu được”.

Nhưng họ cũng phải chịu. Sự vất vả trên tàu Hàn Quốc đó cũng chẳng thấm vào đâu so với thuyền viên trên tàu Đài Loan. Ở các tàu Yuh Yeou, An Sheng, Chinshun, Weilien... đậu ở bến, thuyền viên đều nói phải làm 16-18 tiếng/ngày rồi được nghỉ 3-4 tiếng.

Thuyền viên Lê Văn Đồng (Xuân Song, Hà Tĩnh) nói nhiều khi phải làm việc đến 30 tiếng rồi mới nghỉ 3-4 tiếng. Tất cả dụng cụ như dây câu, móc câu thuyền viên đều phải tự mua sắm chứ không được tàu mua sắm cho. Các thuyền viên tàu Yuh Yeou khi vào bờ còn phải tự mua nước uống vì tàu không cấp nước cho họ. Tiền lương phát trên tàu cho thuyền viên hầu như chỉ đủ để trả tiền mua sắm dụng cụ.

Tệ hại hơn, thuyền viên trên các tàu Đài Loan hầu như không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, găng tay… Các thuyền viên tàu Yuh Yeou cho biết hợp đồng tuy qui định là chủ tàu cung cấp quần áo bảo hộ nhưng khi làm ngoài trời rét (ở ngoài biển Cape Town trời rất rét, thậm chí giữa mùa đông có thể có tuyết rơi) họ chỉ được cấp một chiếc áo mưa để dùng trong ba năm hợp đồng, nếu rách phải tự sắm mới. Việc thiếu trang thiết bị đã khiến nhiều anh em làm trong hầm lạnh (nhiệt độ thường dưới -25OC) bị phồng rộp chân tay. Có người bị bỏng lạnh, da chân da tay bong ra từng mảng.

1Dj07WdC.jpgPhóng to

Các thuyền viên trên tàu Yuh Yeou. Thuyền viên Lê Tuấn là người ngồi dựa vào cột ở chân cầu thang - Ảnh: T.TUẤN

Trái ngược với công sức, mồ hôi thuyền viên bỏ ra, hầu hết lương thuyền viên trên tàu Đài Loan chỉ được 150-180 USD/tháng, tàu Hàn Quốc được 210-230 USD/tháng. Tuy làm việc với thời gian bóc lột nhưng tất cả thuyền viên đều không hề được nhận tiền làm thêm hay bất cứ khoản tiền nào ngoài lương.

Bữa ăn của các thuyền viên tàu Đài Loan cũng không đảm bảo vì chỉ xoay vòng với ba món củ cải, cà rốt và cá (ở tàu Hàn Quốc, vấn đề ăn uống được đảm bảo hơn với bảy món mỗi bữa). Thường các thuyền viên chỉ có khoảng 5-10 phút ăn cơm, nếu ăn không hết cũng phải dừng để ra làm việc tiếp, không có chút thời gian nghỉ ngơi. Đau ốm cũng phải nai lưng ra làm lụng quần quật, không có ngày nghỉ.

Xuống tận nơi các thuyền viên nghỉ ngơi, tôi thấy cứ bốn thuyền viên được phân vào các cabin nhỏ chừng 3m2 tối tăm, ẩm thấp. Chiều dài giường ở tàu Yuh Sheng chỉ chừng 1,3m, các thuyền viên hầu như không bao giờ duỗi được thẳng người để nghỉ ngơi. Chị Kim Anh, người thường giúp phiên dịch khi các thuyền viên VN tại Cape Town có vấn đề cứu giúp, nói: “Nhiều thanh tra vận tải biển sau khi đi điều tra nói rằng cuộc sống của những thuyền viên này tệ không thể tưởng tượng nổi”. Tôi nhìn quanh, các thuyền viên đều ốm yếu, già nua hơn so với tuổi đời của họ.

Có ăn cháo cũng không đi nữa

Trên tàu Yuh Yeou, tôi gặp Lê Tuấn (sinh năm 1980, ở Diễn Châu, Nghệ An), thuyền viên do Công ty Cienco 4 (29 Nguyễn Khang, Hà Nội) đưa sang. Tuấn nói: “Tôi đã làm hết hợp đồng 24 tháng được hơn ba tháng nay rồi nhưng vẫn chưa về được”. Hỏi kỹ mới biết hợp đồng bắt Tuấn phải mất một nửa tiền vé khi về, và số tiền khoảng 400 USD quá lớn đối với thu nhập của một thuyền viên như Tuấn. 27 tháng làm ở Nam Phi, song công ty mới chỉ trả lương cho Tuấn chín tháng.

Tình trạng nợ lương và chậm trễ giải quyết các vấn đề chế độ cho thuyền viên khi trở về vẫn là vấn đề làm nhiều thuyền viên bức xúc nhất. Thuyền viên Phạm Minh Đức (sinh năm 1980, Nhơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) được Công ty Vinamotor ở Hà Nội đưa đi trên tàu An Sheng, đã làm được một năm nay mà gia đình cho biết chưa nhận được đồng lương nào.

Thân Trọng Tài (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đi được hơn bảy tháng nhưng gia đình mới chỉ nhận được hai tháng lương. Trên tàu Yuh Yeou, thuyền viên Lê Trọng Tấn và Đặng Đình Dũng (cùng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm một năm nhưng gia đình mới nhận được một tháng lương... Một số thuyền viên do bị đánh đập nhiều quá không chịu được phải về nhà thường bị các công ty thu hết tiền đặt cọc và không trả tiền lương vì cho rằng họ vi phạm hợp đồng. Đó là trường hợp của năm thuyền viên trên tàu Yuh Sheng vừa mới trở về VN sau khi bị chủ đánh đập.

Với các thuyền viên còn ở lại, họ luôn trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi những gian khổ sẽ đến trong nay mai. Tôi lên tàu Yuh Sheng, nơi xảy ra vụ chủ tàu đánh đập năm thuyền viên VN thường xuyên khiến họ phải trở về VN hồi tháng 11-2006, gặp bốn người mới sang gồm có Nguyễn Nam Giang (sinh năm 1979, Quỳnh Lưu, Nghệ An), Bùi Văn Huy (1982, Hậu Lộc, Thanh Hóa), Nguyễn Sáng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Phúc (Cửa Lò, Nghệ An).

Đây là những thuyền viên do Công ty Getranco và Công ty Nova Việt Nhật (Gia Lâm, Hà Nội) cung cấp sau khi năm thuyền viên VN về nước. Giang là người từng chứng kiến cảnh chủ tàu đánh thuyền viên VN trên bến nên rất sợ. Riêng Sáng thì lo lắng: “Tôi đi mà không biết có sống sót trở về được hay không. Chủ tàu Đài Loan rất ác và đối xử rất tệ”. Bốn thuyền viên cho biết hiện ngày nào họ cũng phải làm 12 tiếng, cộng với bốn tiếng tập câu vào buổi tối vì là người mới đến.

Thuyền viên Trần Xuân Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) của tàu Kwang Jaho khẳng định: “Chúng tôi ở nông thôn nghèo, thấy có công ăn việc làm là cố gắng đi, không biết khó khăn như thế này. Trở về dù có ăn cháo cũng không đi làm cái nghề này nữa”.

Trên tàu Yuh Sheng, thuyền trưởng là nỗi ám ảnh của các thuyền viên với những trận đòn bằng dùi cui và gậy sắt. Khi cao hứng, thuyền trưởng đeo găng tay sắt đấm vào mặt, vào ngực các thuyền viên. Hầu như ngày nào thuyền viên VN cũng phải chịu màn tra tấn.

_______________________________

Kỳ tới: Hải trình địa ngục

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên