Chị Đoàn Yên Kiều chia sẻ quá trình thu thập thông tin, tư liệu để hoàn thành bản thảo cho tác phẩm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một vòng tròn đã "nối vòng tay lớn" ngay giữa đường, và rồi không cần micro, không cần loa, không cần dàn nhạc đệm, liên khúc những bài hát của một thời cứ rộn ràng nối nhau liên miên không dứt: Nối vòng tay lớn, Hát từ đồng hoang, Tổ quốc ơi ta đã nghe, Tự nguyện, Người đợi người, Hát trên đường tranh đấu, Dậy mà đi, Người mẹ Bàn Cờ…
"Hát những bài hát này, tôi thấy mình như trẻ mãi", chị Thanh Mai, một trong những "ca sĩ" phát biểu tươi rói mặc kệ tóc bạc da mồi. Và hàng trăm người tóc bạc da mồi mà trái tim mãi thanh xuân hiện diện hôm nay cũng vậy.
Những cô chú lớn tuổi nhưng vẫn rất thanh xuân khi tham dự chương trình giao lưu và ra mắt sách Chúng ta đòi hòa bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Gặp lại nhau, ôm lấy nhau, những ngày xưa trong giảng đường, giữa cuộc biểu tình trên đường phố, giữa vòng vây bao quanh khu "tam giác sắt" Nông - Dược - Văn khoa hay Y khoa - Tổng hội - Đại học xá Minh Mạng… như sống dậy.
Thổi thêm lửa cho không khí những ngày dấn thân của thanh xuân, Đường sách TP.HCM còn tổ chức khu triển lãm hình ảnh tư liệu của phong trào, khu tiếp lương thực bánh mì, khoai bắp như ngày xưa các ba các má đã nuôi sinh viên dài theo những đợt đấu tranh.
Những chuẩn bị chu đáo khiến mỗi người được mời lên sân khấu giao lưu đều không kìm được xúc động.
Là một giảng viên báo chí trẻ, Đoàn Yên Kiều, người được các cô chú phong trào chọn gửi gắm những hồi ức để chấp bút Chúng ta đòi hòa bình, chia sẻ chị đã cảm thấy "sợ" khi ước lượng sự phức tạp của khối lượng công việc phải làm trong việc kết nối, đối chiếu hồi ức với các nguồn tư liệu lịch sử, báo chí.
"Nhưng rồi tôi đã quyết tâm thực hiện với lòng biết ơn các thế hệ đi trước, những người đã dấn thân để tôi có được ngày hôm nay", chị Kiều bộc bạch.
Rất nhiều cựu thanh niên, sinh viên, học sinh phong trào trước 1975 từ các nơi tụ về tổ chức họp mặt thân hữu và giao lưu văn nghệ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Nguyễn Thị Yến, một trong những "hạt nhân" của phong trào ngày ấy, thủ quỹ của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chia sẻ con đường "từ trái tim đến trái tim" của phong trào: "Chúng tôi đã đi từ những kêu gọi thật cụ thể: Đòi trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm - chủ tịch Tổng hội Sinh viên, rồi chống tra tấn sinh viên khi những người được thả ra mang thương tích đầy mình, rồi tới chống quân sự hóa học đường…
Đồng bào các giới đều có con em là học sinh, sinh viên, tự cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ sinh viên, đứng về phía phong trào sinh viên…".
Từ đó mà nhiều phong trào khác của các giới giáo chức, phụ nữ, thanh lao công, các nghiệp đoàn đã dậy lên khắp Sài Gòn. Các dân biểu đối lập và cả nhiều tướng lĩnh, chính khách của chế độ Sài Gòn cũng đã ủng hộ và cả đồng hành với phong trào trong nhiều đoạn đường.
Chúng ta đòi hòa bình ghi lại hồi ức của ông Huỳnh Tấn Mẫm và các thành viên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn về phong trào đấu tranh đòi hòa bình của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn trong giai đoạn 1969 - 1975 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đọc sách, độc giả sẽ thót tim với nhiều trường đoạn như phim hành động, như khi các cô nữ sinh đi nhờ xe dân biểu đến chặn đường chất vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khi Huỳnh Tấn Mẫm được chính tướng Nguyễn Cao Kỳ giải thoát khỏi vòng vây cảnh sát, hay khi Mẫm tránh cảnh sát, ngồi lãnh đạo phong trào trong Dinh Hoa Lan.
"Lúc ấy, dù có bị bắt thì "chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí", chúng ta đã vượt qua được tất cả vì lòng yêu hòa bình, đất nước và yêu thương bạn bè, đồng đội", ông Lê Hoàng, giám đốc Đường sách TP.HCM và là người dẫn chương trình ngày hôm nay, kết luận.
"Sống một cuộc đời thật đáng sống" là những gì hàng trăm người trẻ đầu bạc hôm nay đã hết mình thể hiện để làm tấm gương cho những người trẻ thật sự của hôm nay soi vào.
Nữ biệt động Thiều Thị Tân (thứ nhất từ trái qua), người từng tham gia đội biệt động Sài Gòn và suýt chết vì bị đày ải trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cuốn sách Chúng ta đòi hòa bình, do Ban Liên lạc phong trào thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định trước 1975 thực hiện - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Nguyễn Thị Yến, một trong những "hạt nhân" của phong trào ngày ấy, thủ quĩỹ của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chia sẻ tại chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một số hình ảnh về phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước trước năm 1975 được trưng bày tại Đường sách Nguyễn Văn Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tác giả Huỳnh Tấn Mẫm ký tên lên sách để gửi bạn đọc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu tiếp lương thực bánh mì, khoai bắp như ngày xưa các ba các má đã nuôi sinh viên dài theo những đợt đấu tranh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận