Phóng to |
Năm năm qua, ông Tống Phước Thành (phải) cùng gia đình phải sống trong căn nhà xuống cấp mà không được phép sửa chữa - Ảnh: THÁI LỘC |
Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, nói việc khoanh vùng không nhất quán khiến người dân sống khổ mà chính quyền phường cũng khổ theo.
Không được xây nhà, tách thửa...
Mảnh đất rộng 1.470m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Soa ở 5/119 Lê Ngô Cát (TP Huế) do cha ông để lại từ xưa vừa được chính quyền cấp sổ đỏ. Đất rộng, nhà xuống cấp, không có tiền nên gia đình muốn bán 300m2 để xây nhà mới. Có người hỏi mua, bà Soa đến UBND phường hỏi thủ tục mới tá hỏa vì toàn bộ khu đất nằm trong khu vực 2 - khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Tự Đức. Đất có bán cũng không xin được giấy phép xây dựng nhà.
Gần nhà bà Soa là nhà ông Trần Xuân Sỹ, từ hai năm nay ông có ý định chia mảnh đất của mình làm bốn để các con xây nhà ở riêng. Nhưng do không được phép xây dựng nên gần 20 con người thuộc bốn thế hệ với năm cặp vợ chồng phải chen chúc trong căn nhà ba gian chật hẹp xuống cấp.
Bi đát hơn là trường hợp của ông Tống Phước Thành ở 119 Lê Ngô Cát, với căn nhà quá cũ, dột nát, con ông bị bệnh thận nặng. “Đất thì có nhưng muốn bán cũng không được. Tui không biết lấy chi để chạy chữa cho con, bệnh thì ngày một nặng hơn!” - ông Thành than thở.
Không chỉ ba trường hợp trên, gần 200 hộ dân thuộc các thôn Thượng 2 và Thượng 3 của phường Thủy Xuân cũng thấp thỏm chờ đợi từng ngày để được quyền sử dụng, xây dựng nhà trên mảnh đất của chính mình đang nằm trong vùng bảo vệ di tích.
Điều đáng nói là trong nhiều năm qua, người dân gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng cấp tỉnh và thành phố, song chỉ nhận được những lời hẹn chung chung. Ngày 20-8-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thông báo do Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thúy Hòa ký, với lời hẹn: “UBND tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương cắm mốc khoanh vùng di tích. Vì vậy mong bà con chờ đợi thêm một thời gian. Các vấn đề kiến nghị của bà con sẽ được giải quyết ngay sau khi hoàn thành việc cắm mốc”.
Tuy nhiên, đến nay đã năm năm mà việc cắm mốc còn dang dở.
Nhập nhằng khoanh vùng
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - phó chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, đa số người dân trong khu vực đã được cấp quyền sử dụng đất. Theo luật hiện hành họ có quyền chuyển nhượng, quyền làm nhà ở, cho con cái, quyền phân thửa hợp thửa... Song những quyền chính đáng của họ đã không thực hiện được, gây khó khăn cho đời sống người dân lẫn công tác quản lý của chính quyền. |
Việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Tự Đức vào năm 1991 đã lấy hai đường Lê Ngô Cát và Huyền Trân Công Chúa làm ranh giới. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều nhà cách lăng 200-300m được phép xây dựng, ngược lại có nơi cách gần 1km lại không được phép khiến người dân liên tục khiếu kiện.
Sau khi Luật di sản văn hóa có hiệu lực năm 2002, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cho lập hồ sơ khoanh vùng, điều chỉnh theo quy định mới và đã được UBND tỉnh thông qua cuối năm 2009. Đến năm 2010, trung tâm này đã công bố bản đồ điều chỉnh vùng bảo vệ lăng Tự Đức, trong đó khu vực 1 cách thành lăng 30m, khu vực 2 cách khu vực 1 là 70m tiếp theo.
Cùng với việc tiến hành cắm mốc khu vực 1, nhiều người dân trong vùng khấp khởi hi vọng vì... sắp thoát nạn. Song gần hai năm qua vẫn không có gì thay đổi.
Cuối tháng 3-2012, trong văn bản trả lời người dân, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lại khẳng định việc khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Tự Đức vẫn căn cứ theo quy định khoanh vùng được phê duyệt năm 1991. Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đang tiếp tục bổ sung hồ sơ khoanh vùng di tích gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và chờ ý kiến của bộ.
Ông Hải nói rất thông cảm với nỗi khổ của người dân sống trong khu vực khoanh vùng, nhưng do phải tuân thủ đúng theo nhiều quy định mới rất nghiêm ngặt liên quan đến di tích nên không thể hoàn tất sớm công việc. Ông Hải nói cố gắng đến hết năm 2012 sẽ xong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận