18/10/2021 08:54 GMT+7

Sóc Trăng, Cà Mau trở thành điểm nóng COVID-19

KHẮC TÂM - NGUYỄN HÙNG
KHẮC TÂM - NGUYỄN HÙNG

TTO - Trong lúc dịch bệnh ở nhiều tỉnh miền Tây chựng lại thì hai tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau lại vượt lên dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trong khu vực.

Sóc Trăng, Cà Mau trở thành điểm nóng COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành phố về quê được đưa vào khu cách ly - Ảnh: K.TÂM

Lý do là thời gian qua, dòng người từ các tỉnh thành trở về hai tỉnh này quá nhiều, trong đó có người đã nhiễm bệnh.

Sóc Trăng mỗi ngày trên 200 ca F0

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 1-10, tỉnh Cà Mau chỉ ghi nhận 369 ca, là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 thấp nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, từ sau ngày 1-10 đến nay, số ca mắc của tỉnh Cà Mau nhanh chóng vượt qua mức 1.000 ca.

Cụ thể đến ngày 16-10, tỉnh Cà Mau ghi nhận 1.122 ca, chủ yếu là người từ các tỉnh vùng dịch trở về. Qua thống kê, từ ngày 1-10, có hơn 30.000 người từ các tỉnh về Cà Mau tránh dịch.

Tương tự, tại Sóc Trăng đến nay đã có khoảng 40.000 người về từ TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Trong số này có nhiều người mắc COVID-19, đẩy số ca mắc mới của tỉnh này tăng mạnh. Trong những ngày qua, mỗi ngày Sóc Trăng ghi nhận gần 200 ca mắc mới, có hôm lên đến 271 ca.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 16-10 Sóc Trăng có 3.338 ca mắc COVID-19 ở 11 huyện, thị xã, TP của tỉnh. Nhiều nhất là huyện Trần Đề do có liên quan đến một công ty thủy sản tại xã Tài Văn với 1.072 ca; kế đến thị xã Vĩnh Châu với 776 ca, huyện Mỹ Xuyên 489 ca. Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, hầu hết ca mắc mới là những trường hợp F1 và về từ vùng dịch, tất cả đều được quản lý trước đó.

Các nơi chi viện cho điểm nóng

Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết tuy các giải pháp phòng chống dịch đã triển khai thực hiện đúng hướng, hiệu quả, cơ bản được kiểm soát nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 phát hiện qua sàng lọc cộng đồng vẫn còn.

Hiện Sóc Trăng còn 1.980 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế. Trước tình hình này, Sóc Trăng đã kích hoạt, nâng cấp nhiều bệnh viện dã chiến, trong đó đầu tư trên 19 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp 2 khu nhà triển lãm Hồ nước ngọt (phường 6, TP Sóc Trăng) làm nơi cách ly và điều trị F0 không triệu chứng, đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19. Trước đó, Sóc Trăng đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ hỗ trợ tỉnh nguồn lực để phòng chống dịch.

Ông Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng - cho biết sau khi kêu gọi đã có 10 bác sĩ, 60 điều dưỡng được chi viện cho Sóc Trăng. Ngoài ra, TP.HCM đã hỗ trợ Sóc Trăng xe xét nghiệm lưu động, 10.000 sinh phẩm xét nghiệm và 4 người vận hành xe. Quân khu 9 cũng cho Sóc Trăng mượn 1 xe xét nghiệm của quân y. Bệnh viện Thống Nhất cử y, bác sĩ về tiêm tại chỗ 1.200 liều vắc xin Pfizer cho các tình nguyện viên, chức sắc tôn giáo.

Riêng Trường ĐH Cần Thơ chi viện 100 sinh viên cho Sóc Trăng hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin.

Tại Cà Mau, trước diễn biến số ca mắc COVID-19 đang leo thang, tỉnh này đã kích hoạt tất cả các bệnh viện dã chiến và thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - cho biết trước khi có dòng người về quê tránh dịch, khả năng tiếp nhận điều trị COVID-19 ở Cà Mau chỉ 790 bệnh nhân. Trước số ca bệnh tăng nhanh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh kích hoạt 5 bệnh viện dã chiến và chuẩn bị chuyển đổi công năng bệnh viện huyện Phú Tân và Ngọc Hiển thành bệnh viện dã chiến số 6 và 7, nâng tổng công suất tiếp nhận điều trị COVID-19 lên hơn 1.700 giường.

Ông Dũng dự báo số ca mắc COVID-19 ở Cà Mau sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nên rất cần sự hỗ trợ. Theo ông Dũng, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tăng cường lực lượng hỗ trợ Cà Mau về công tác phòng chống dịch và chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm 4 bác sĩ và 2 điều dưỡng, do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - trưởng khoa hồi sức cấp cứu - làm trưởng đoàn.

Đoàn của Bộ tư lệnh TP.HCM do thượng tá Nguyễn Mạnh Tú dẫn đầu, cũng đã đến Cà Mau trao trang thiết bị, vật tư y tế gồm: 1.000 giường xếp, 11.000 khẩu trang y tế, 175kg hóa chất Cloramin B, 15 máy phun khử khuẩn và 5.000 thùng mì gói.

Nghị quyết 128: thực hiện phải thông suốt

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 17-10 về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch của đợt dịch lần thứ 4.

Trong triển khai thực hiện nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn phải báo cáo cấp trên.

Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương tới các địa phương trên toàn quốc, trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

NGỌC AN

Sóc Trăng muốn xây dựng khẩn cấp lò hỏa táng điện gần 15 tỉ đồng Sóc Trăng muốn xây dựng khẩn cấp lò hỏa táng điện gần 15 tỉ đồng

TTO - Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho việc xử lý thi hài người bị nhiễm COVID-19, Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng đã có tờ trình ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp dự án lò hỏa táng điện với kinh phí gần 15 tỉ đồng.

KHẮC TÂM - NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên