09/08/2022 17:10 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bố trí 500 tỉ sửa chữa 246 chung cư

DƯƠNG NGỌC HÀ - CẨM NƯƠNG
DƯƠNG NGỌC HÀ - CẨM NƯƠNG

TTO - Theo Sở Xây dựng, nhiều chung cư xuống cấp nặng. Ví như những chung cư ở quận 3, dù mới cấp C nhưng đã nát, công tác chữa cháy, thoát nạn rất khó, cực kỳ nguy hiểm.

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bố trí 500 tỉ sửa chữa 246 chung cư - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Chiều 9-8, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - môi trường về việc thực hiện Luật nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng - cho biết trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượng dự án nhà ở thương mại TP chấp thuận chủ trương đầu tư là 260 dự án. Số lượng dự án nhà ở xã hội hoàn thành là 19 dự án với tổng số 14.954 căn hộ; 25 dự án dự kiến triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số 28.677 căn. Qua đó cho thấy nhà ở xã hội chỉ đạt 69,2% mục tiêu.

Về nhà lưu trú công nhân, đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án, tổng diện tích đất 7ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân.

Đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975. Qua đó, di dời 19 chung cư với 982 hộ dân; đã tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư với 123.211,4m2 sàn.

"Hiện nay có nhiều chung cư xuống cấp nặng, điều này rất đáng lo. Sở đã bố trí sửa chữa, dù vậy vẫn còn hơn phân nửa chưa đủ kinh phí để thực hiện bởi chưa được bố trí 500 tỉ từ nguồn vốn. Ví như những chung cư ở quận 3, dù mới cấp C nhưng đã nát, công tác chữa cháy, thoát nạn rất khó, cực kỳ nguy hiểm", ông Khiết nói.

Qua đó, sở kiến nghị được bố trí nguồn kinh phí 500 tỉ đồng để khẩn trương sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 cấp C; 180 cấp B) còn lại của giai đoạn 2016 - 2020.

Đánh giá chung về những khó khăn hiện tại, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết chủ yếu khó khăn về mặt quy trình, pháp lý. Hiện nay chưa có đơn vị nào tập hợp tất cả luật liên quan đến nhà ở, đất đai để thấy sự mâu thuẫn, nếu xét theo luật này được thì luật kia lại không.

"Như việc muốn làm nhà ở thương mại, yêu cầu phải có đất ở hợp pháp, có sổ đỏ, trong khi Luật đất đai không quy định điều đó. Hiện nay nhiều dự án vẫn vướng, vì trong dự án hầu như không có đất ở. Cần có cơ quan rà soát lại các điểm vênh", phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, quy định của Luật đấu thầu khi nào dự án không đấu giá được quyền sử dụng đất mới chuyển sang đấu thầu, do đó đấu giá dự án không được và việc xác định dự án nào không đấu giá được phải đấu thầu thì tình trạng cũng rất nhiều.

"Đối với dự án nhà ở xã hội, tiền sử dụng đất bằng 0 sẽ không đấu giá được, mà phải là đấu thầu. Tuy vậy, Luật đầu tư lại không có khái niệm đấu thầu. Do đó, cần có cơ quan về đầu tư để khẳng định dự án nào không có tiền sử dụng đất để chuyển sang đấu thầu", ông Khiết nói.

Trước báo cáo của Sở Xây dựng, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng việc trích giữ kinh phí 20% ngân sách về mặt chủ động sở vẫn có quyền tham mưu với UBND TP dựa trên nguồn đưa vào của năm.

Theo ông Hoàng, đây là vấn đề cần quan tâm, bởi thực tế tỉ lệ vốn nhà nước để mồi dự án 5 năm qua rất kém, chưa được 5%, riêng năm 2021 đã "án binh bất động".

"Sở nên tham mưu với TP để trích giữ một phần ngân sách để thực hiện các dự án, nếu không khả năng hoàn thành mục tiêu nhà ở xã hội rất khó. Thành công của sở là tập hợp đưa ra quy trình thực hiện nhà ở xã hội, thế thì cần kiến nghị chỉ đạo có quy trình thống nhất và ta dựa vào đó để làm, đứng ở góc độ nếu ta làm luật thì ta sẽ biết làm thế nào tốt hơn", ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu khác đã đặt vấn đề để Sở Xây dựng trình bày cụ thể hơn, bao gồm các nội dung: Định hướng phát triển nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho công nhân; Định hướng chuyển đổi nhà ven kênh rạch; Xác định chỉ tiêu liên quan đến nhà lưu trú công nhân;...

Lượng nhà ở xã hội đưa ra thị trường thiếu so với nhu cầu thực tế Lượng nhà ở xã hội đưa ra thị trường thiếu so với nhu cầu thực tế

TTO - Nhận định trên được bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đưa ra tại buổi giám sát việc thực hiện Luật nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021.

DƯƠNG NGỌC HÀ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên