26/02/2019 14:15 GMT+7

Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ 'con anh, con chúng ta'

NHƯ BÌNH - TUYẾT MAI  - MAI THỤY
NHƯ BÌNH - TUYẾT MAI - MAI THỤY

TTO - Một sản phẩm sáng tạo, thiết kế từ lúc được tượng hình cho tới khi chào đời không phải lúc nào cũng là sản phẩm độc lập của một cá nhân. Nên đến lúc phải tranh chấp đây là 'con anh', 'con tôi'" hay 'con chúng ta' thì thật đáng tiếc.

Sở hữu trí tuệ: Bảo vệ con anh, con chúng ta - Ảnh 1.

4 nhân vật chính trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (từ trái qua): Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo - Ảnh: Phan Thị

Nhiều người quan tâm phiên xử về tác quyền 4 nhân vật của Thần đồng đất Việt đồng ý rằng để tránh những vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo với các họa sĩ, nhà thiết kế... phải chi tiết hóa các điều khoản trong hợp đồng lao động và minh bạch quyền lợi, trách nhiệm của hai bên.

Như ý kiến của luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn. "Trong hợp đồng, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu họa sĩ, nhà thiết kế... từ bỏ quyền nhân thân đối với tác phẩm bởi để mỗi tác phẩm đến được công chúng cần phải có công sức của nhiều bộ phận trong doanh nghiệp" - luật sư Toàn chia sẻ.

Ở Việt Nam, ý thức bảo vệ sở hữu trí tuệ đã bắt đầu có nhưng còn chưa chuyên nghiệp, không chỉ là những bằng sáng chế mà còn từ những cái phổ biến hơn như logo, thương hiệu...

Ông Lý Quý Trung


Điều khoản về tác quyền cần được đưa ra trong hợp đồng

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội), để tránh tranh chấp về sau, phía công ty hay nhà xuất bản có thể quy định: "Nếu chúng tôi bỏ tiền ra thuê một người thực hiện tác phẩm, quyền sở hữu tác phẩm đương nhiên thuộc về chúng tôi và sau đó chúng tôi có quyền phát triển thêm nhân vật hoặc các tập tiếp theo nếu tác giả không theo nữa". 

Theo luật sư Hà, nếu có quy định này trong hợp đồng giữa tác giả và chủ sở hữu tác phẩm sẽ tránh được tranh chấp về sau. Quyền sở hữu trí tuệ cũng là quyền dân sự nên các bên phải thỏa thuận rõ trong hợp đồng.

Tương tự, luật sư Lê Nết (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng để tránh những xung đột về sau thì ngay từ đầu phải chặt chẽ, nếu không "sẽ tạo ra một điều rất vô lý là chuyện các công ty hay nhà xuất bản đầu tư tiền bạc, máy móc, công nghệ để sản xuất nhưng sau đó nảy sinh mâu thuẫn, tác giả không hợp tác nữa thì tác phẩm không được phép sử dụng".

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Lê Tăng Gia Phú, phụ trách thương hiệu Biti’s, cho rằng việc sáng tạo hình ảnh nhân vật hoàn toàn mới để sử dụng cho các ấn phẩm thương mại ở Việt Nam hiện tại không quá hiếm nhưng vẫn còn khá mới mẻ. Không ít sự hợp tác kéo dài đến vài chục năm, cả doanh nghiệp lẫn nghệ sĩ sáng tác cần hiểu rõ được mối hợp tác này.

Chẳng hạn với chiến dịch "Con rồng cháu tiên" mà đơn vị triển khai gần đây, Biti’s phải phát triển các hình ảnh nhân vật, các yếu tố gắn với nhân vật hoàn toàn được sáng tạo mới trong một chiến dịch lâu dài 20 năm. 

"Chúng tôi khai thác các hình ảnh văn hóa dân gian cả trên sản phẩm thương mại và truyền thông, do đó điều khoản về tác quyền đã được chú ý quy định rõ ràng trong hợp đồng". Chia sẻ thêm kinh nghiệm hợp tác với các nghệ sĩ, ông Gia Phú cho rằng để tránh các rắc rối về mặt tác quyền, các quy định điều khoản về tác quyền cần được đưa ra rõ ràng trong hợp đồng, biên bản làm việc và việc đăng ký sở hữu trí tuệ.

Cần quan tâm hơn đến quyền tác giả

Về phía người làm nghề, người làm ở lĩnh vực sáng tạo cũng cần tự bảo vệ mình trong bối cảnh thị trường ngày càng sôi động, cơ hội khai thác kinh doanh từ các sản phẩm sáng tạo càng cao, như ý kiến của họa sĩ Đạt Phan. 

Một tác phẩm có thể được phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau như trang trí nội thất, quà lưu niệm, sản phẩm quảng cáo, tác phẩm điện ảnh... Người nghệ sĩ nắm rõ giá trị, tiềm năng kinh tế tác phẩm sẽ dễ định giá, đưa được điều khoản có lợi, thỏa thuận tốt hơn. Ngoài ra, người sáng tạo cũng cần giấy tờ đạt tiêu chuẩn pháp lý, kiểm soát hợp đồng rõ ràng hơn.

"Thực tế hiện nay có khá nhiều dạng hợp tác, nhưng phổ thông nhất thường là cho khách hàng thuê quyền sử dụng tác phẩm hoặc khách hàng là người độc quyền sử dụng tác phẩm. Với việc thuê tác phẩm có nghĩa là nghệ sĩ có thể cho nhiều khách hàng sử dụng tác phẩm của mình, tùy theo mục đích và giới hạn.

Với việc độc quyền tác phẩm, khách hàng là người duy nhất được quyền sử dụng tác phẩm, thời gian vĩnh viễn. Với hai trường hợp này, nghệ sĩ vẫn nắm quyền nhân thân, vẫn được xác nhận mình là người tạo ra tác phẩm. Tuy vậy, vẫn có những hợp tác đặc biệt hơn, đôi khi nghệ sĩ được thỏa thuận để giấu danh tính, sản phẩm được đứng tên khách hàng, công ty" - họa sĩ Đạt Phan cho biết.

Họa sĩ trẻ này cũng cho rằng "mặt tích cực" từ những câu chuyện tranh chấp gần đây chính là việc giúp các nghệ sĩ, giới sáng tác Việt Nam hiểu rõ hơn quyền tác giả, cẩn thận hơn trong các thỏa thuận, hợp đồng.

"Đế chế" Marvel cũng từng bị kiện

Nói đến Marvel, hẳn đa số nghĩ ngay đến Stan Lee. Tuy nhiên, thế giới siêu anh hùng của Marvel sẽ khó hình thành nếu thiếu sự góp sức của một họa sĩ tài năng khác, đó là Jack Kirby.

Cùng với Stan Lee, ông được xem như một trong những nghệ sĩ truyện tranh hoạt hình nhiều ảnh hưởng nhất khi góp phần sáng tạo hơn 200 nhân vật cho cả Marvel DC Comics, trong đó có Captain America (đội trưởng Mỹ) - nhân vật siêu anh hùng ông sáng tạo đầu tiên cùng với nhà văn kiêm biên tập viên Joe Simon, Hulk (người khổng lồ da xanh), Iron Man (người sắt), Fantastic Four (bộ tứ siêu đẳng), Thor (thần sấm Thor) và Spider-Man (người nhện).

Theo Businessinsider, sau khi Jack Kirby qua đời năm 1994, các con của ông đã đâm đơn kiện Marvel đòi tác quyền cho những sáng tác cha mình thực hiện trong khoảng thời gian 1958 - 1963 cho Marvel. Cơ sở để các con của Kirby đâm đơn kiện là Đạo luật bản quyền, trong đó cho phép con của các nghệ sĩ đã mất có thể kiện đòi bồi thường tác quyền đối với các sáng tạo được thực hiện trước năm 1978.

Tuy vậy, ngay trong các điều khoản cũng nêu rõ người chủ/ doanh nghiệp thuê gia công được quyền sở hữu bất kỳ tác phẩm nào mà nhân viên của họ đã thực hiện cho họ, hay nói dễ hiểu hơn là các tác phẩm mà được thuê thực hiện thì vẫn thuộc về giới chủ.

Các con của Kirby lập luận rằng điều khoản ấy không thể áp dụng đối với trường hợp cha của họ bởi Kirby đã thực hiện các sáng tác trong vai trò một người làm tự do, người cộng tác dự án chứ không phải nhân viên chính thức.

Có một thực tế là mãi đến năm 1972, các tòa án ở Mỹ nhìn chung vẫn diễn giải ý "gia công khi được thuê - work-for-hire" trong Đạo luật bản quyền chỉ áp dụng với các nhân viên chính thức chứ không phải người làm tự do.

Mặc dù vậy, trải qua nhiều tranh cãi, một thẩm phán liên bang đã bác bỏ lập luận của gia đình Kirby bởi các nhân vật của Kirby trên thực tế là những tác phẩm "làm thuê" vì chúng "được tạo ra theo dự án và chi phí của Marvel".

Tuy gia đình Kirby tiếp tục kháng cáo nhưng các sáng tác của Kirby vẫn thuộc về Marvel.

HOÀI CHI

Sở hữu trí tuệ: Chất xám cần được bảo vệ Sở hữu trí tuệ: Chất xám cần được bảo vệ

TTO - Kết quả của phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị ngày 18-2 đang khiến một số doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này rất quan tâm.

NHƯ BÌNH - TUYẾT MAI - MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên