Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2016 Huỳnh Thị Thùy Dung thích thú thưởng thức một món ăn Việt tại sự kiện chiều 17-6 - Ảnh: GIA HOÀNG
Giới trẻ trong nước lẫn quốc tế đều thích mê
Trong lần ghé thăm dải đất hình chữ S vào hơn 10 năm trước, "cha đẻ marketing hiện đại" Philip Kotler từng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn của thế giới" vì ông rất ấn tượng với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn này.
Hay như gần đây món bún chả được đưa vào sách nấu ăn kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, một lần nữa góp phần khẳng định "thương hiệu" ẩm thực Việt với bạn bè năm châu.
Nhận thức được tiềm năng to lớn và mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy và nâng tầm nét di sản độc đáo trên, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) chính thức công bố đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 - 2024" vào chiều 17-6 tại TP.HCM.
Đề án dự kiến sẽ chia làm ba giai đoạn từ năm 2022 đến 2024 với một số hoạt động chính gồm: khảo sát, xây dựng văn hóa ẩm thực 100 món ăn tiêu biểu của ba miền và tổ chức liên hoan "100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam"; dự án "thực đơn thuần Việt đẳng cấp quốc tế" và cuối cùng là bản đồ ẩm thực Việt Nam, bảo tàng 3D ẩm thực Việt Nam, số hóa dữ liệu tổng tập văn hóa ẩm thực món ăn Việt Nam với 1.000 món ăn tiêu biểu.
Đề án thu hút sự tham gia từ hàng trăm nghệ nhân, đầu bếp, giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, văn hóa, lịch sử và nhiều bộ ngành trên khắp cả nước.
Mâm cỗ “Miền Trung an lạc” - Ảnh: GIA HOÀNG
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại sự kiện, người đẹp 9X Huỳnh Thị Thùy Dung (á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2016, hoa khôi Đại học Ngoại thương 2016) khẳng định đối với cô, ẩm thực Việt Nam ngon nhất thế giới.
"Tôi có may mắn được đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới và nếm qua không ít ẩm thực ở các châu lục, nhưng thật sự tôi luôn chỉ yêu và nhớ món Việt da diết. Tôi rất vui mỗi khi giới thiệu đồ ăn Việt cho bạn bè quốc tế và thấy họ thích mê", Thùy Dung chia sẻ. Người đẹp cũng tiết lộ một "bí mật" về hai món Việt bản thân mê nhất là cơm tấm và bánh mì, những món ăn gắn liền với khoảng thời gian bạn ngồi trên ghế nhà trường và có thể ăn mỗi ngày mà không ngán.
Oliver Smith (một 9X người Mỹ hiện sinh sống tại TP.HCM) cho biết anh cũng là "fan cuồng" của ẩm thực Việt.
"Lúc ở Mỹ, tôi có thử một số món Việt và đã rất thích, nhưng khi đặt chân đến đây và được ăn món bún chả ở ngay tại Hà Nội, món bún bò Huế ở Huế và phở, bò bía ở TP.HCM… thì tôi thật sự bị choáng ngợp vì ngon hơn ăn ở Mỹ rất nhiều.
Các bạn đang có một "kho tàng" ẩm thực đồ sộ đáng tự hào. Tuy nhiên, hiện việc tìm kiếm thông tin về các món ăn Việt với người nước ngoài khá khó khăn, bởi chúng tôi chỉ biết thông qua Google, chưa có một kênh thông tin chính thức để chúng tôi tham khảo, giới thiệu nhau", Smith giải thích.
Anh cho rằng, việc số hóa nền ẩm thực Việt sẽ là một bước tiến giúp các món ăn Việt thân quen hơn với bạn bè quốc tế.
Một số món ăn vặt đậm đà, đặc sắc của Việt Nam - Ảnh: GIA HOÀNG
Nhiều lợi ích khi "nâng tầm" ẩm thực Việt
Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy (giám đốc điều hành đề án) cho biết việc lưu trữ dữ liệu nền văn hóa ẩm thực ngàn năm của Việt Nam là trăn trở từ rất lâu của những cá nhân, tổ chức xây dựng dự án.
Là người có thâm niên hơn 10 năm trong ngành văn hóa du lịch, bà mong muốn góp phần biến trăn trở đó thành hành động.
Mâm cỗ “Hào sơn phương Nam” - Ảnh: GIA HOÀNG
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ (chủ tịch VCCA) cho biết song song câu chuyện nâng tầm ẩm thực Việt thành thương hiệu quốc gia, "số hóa" ẩm thực Việt thì đề án còn hướng đến việc giúp mọi người nhận thức được ba lợi ích dài hạn rất quan trọng xoay quanh câu chuyện trên, gồm: khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.
Mâm cỗ “Tết Tràng An” - Ảnh: GIA HOÀNG
"Chẳng hạn có nhiều món ăn Việt được nhắc đến vì ngon nhưng yếu tố lành, nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị theo tính chất vùng miền, giá trị dinh dưỡng cụ thể ra sao… thì ít được đề cập hoặc biết đến, đó là điểm đáng tiếc.
Hay như câu chuyện kinh tế Việt Nam dựa vào nông lâm, ngư nghiệp nhưng hầu hết đều đang phát triển riêng lẻ, cần một nơi có thể "gom" các đầu mối về và giúp các bên hưởng lợi từ nhau.
Hiện VCCA đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế địa phương, hiện thực hóa vấn đề trên. Đề án gặp rất nhiều thử thách nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện hiệu quả, "số hóa" thành công với thông điệp xuyên suốt là tôn vinh quá khứ, kiến tạo tương lai", ông Quốc Kỳ chia sẻ về lý do ký kết biên bản ghi nhớ giữa VCCA và Liên minh chuyển đổi số vào chiều 17-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận