08/02/2020 17:53 GMT+7

Sợ hãi là điều đương nhiên nhưng tin tưởng là điều cần thiết!

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Bác sĩ tuyến đầu tại một bệnh viện công Malaysia trong đợt bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009, ông Swee Kheng Khor, có bài viết kêu gọi đoàn kết và tin tưởng vào khoa học trong cuộc chiến chống virus corona mới trên báo South China Morning Post.

Sợ hãi là điều đương nhiên nhưng tin tưởng là điều cần thiết! - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại Vũ Hán chạy đua với thời gian trong cuộc chiến với virus corona - Ảnh: Tân Hoa xã

Trong bài viết đăng trên báo South Chia Morning Post (SCMP) ngày 8-2, ông Swee - chuyên gia y tế toàn cầu về hệ thống y tế, các chính sách y tế và hiện đang làm việc tại Đại học Oxford - nói ông đã tận mắt chứng kiến sự tin tưởng của công chúng cũng quan trọng như phòng cách ly và thuốc kháng virus.

Các đợt dịch bệnh luôn khiến con người hoảng loạn và sợ hãi, thậm chí như hiện nay có thể là tức giận, đặc biệt sau cái chết của một bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về virus corona tại Vũ Hán.

Tuy nhiên, điều quan trọng, theo bác sĩ Swee, chúng ta cần hiểu rõ virus corona mới này khác với những virus gây dịch bệnh trước đây như thế nào và chúng ta có thể làm gì để phòng chống nó.

Sợ hãi là điều bình thường. Chính sợ hãi đã giúp chúng ta sống sót qua hàng triệu năm tiến hóa. Trong suốt các đợt dịch bệnh, chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta không hiểu hết, những gì chúng ta biết bị thay đổi, chúng ta sợ những cái chết bất bình thường hoặc không thể đoán trước.

Về mặt tâm lý, chúng ta luôn sợ những gì chúng ta không thể nhìn thấy hay kiểm soát được. Về mặt xã hội, chúng ta tưởng rằng biên giới sẽ bảo vệ chúng ta khỏi "những mối đe dọa từ nước ngoài", do đó chúng ta hoảng loạn khi thấy virus vượt qua các biên giới này một cách dễ dàng.

Sợ hãi là điều đương nhiên nhưng tin tưởng là điều cần thiết! - Ảnh 2.

Một số khu dân cư tại thành phố Bắc Kinh lập các chốt kiểm tra để kiểm soát hành trình đi lại và thân nhiệt của những người muốn vào khu dân cư - Ảnh: AFP

Theo bác sĩ Swee, từ năm 2009 đến nay đã có thêm 3 yếu tố khiến các nỗi sợ thêm tồi tệ là mạng xã hội, niềm tin vào chính phủ đang ở mức thấp, sự phân biệt chủng tộc tiềm ẩn nhưng dễ bùng lên cùng với chủ nghĩa dân tộc được tuyên truyền từ các chính trị gia vô trách nhiệm.

Mạng xã hội

Cách đây 11 năm, thế giới chỉ có 17% người có điện thoại thông minh với khoảng 30 triệu tài khoản Twitter và 360 triệu tài khoản trên Facebook trong khi WhatsApp chỉ vừa ra mắt.

Ngày nay, khoảng 45% người dùng điện thoại thông minh, 500 triệu dòng tweet mỗi ngày và 2,9 tỉ người dùng Facebook, Messenger, WhatsApp hay Instagram mỗi tháng.

Truyền thông xã hội cung cấp cho con người một nền tảng nhưng không phải ai cũng biết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm. Khối lượng, tốc độ và tính đa dạng của thông tin có thể rất đáng sợ.

Với một người bình thường, họ có xu hướng tin tưởng gia đình, người thân và bạn bè hơn lời nói của các chuyên gia xa lạ.

Bác sĩ Swee cho rằng trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chính phủ các nước, các chuyên gia sức khỏe, truyền thông chính thống, mạng xã hội và những công dân có trách nhiệm phải "lấp đầy phương tiện truyền thông xã hội" bằng sự tin tưởng, đoàn kết để đẩy lùi những người phân biệt chủng tộc, những người có niềm tin mù quáng.

Niềm tin vào chính phủ

Niềm tin vào các tổ chức chính phủ và các chính trị gia đang suy giảm. Bác sĩ Swee cho rằng phần lớn không phải là lỗi của cơ quan y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì bản thân khoa học chưa bao giờ là tiêu chí duy nhất cho các quyết định liên quan đến y tế: chính trị, kinh tế và xã hội đều đóng vai trò quan trọng.

Các đợt bùng phát dịch đều khác nhau. Cứu người là ưu tiên hàng đầu trong khi chúng ta cần phải tôn trọng các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các bằng chứng xác thực. Khi dịch bệnh bùng phát, các nhà lãnh đạo đất nước phải làm việc với các chuyên gia y tế để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Đợt dịch này rồi sẽ qua đi và con người sẽ chuẩn bị để đối mặt với đợt dịch tiếp theo. Điều này buộc chúng ta phải có sự đầu tư để tăng cường khả năng đáp ứng cũng như nâng cấp toàn bộ hệ thống y tế.

Hệ thống y tế tốt và các chuyên gia y tế có tiếng nói hơn sẽ không chỉ giúp giảm thiểu dịch bệnh mà còn giúp quản lý dân số già và các bệnh không truyền nhiễm.

Sợ hãi là điều đương nhiên nhưng tin tưởng là điều cần thiết! - Ảnh 3.

Người dân đổ xô vào cửa hàng tiện lợi tại Đài Bắc, Đài Loan để mua khẩu trang - Ảnh: EPA

Phân biệt chủng tộc

Toàn cầu hóa dẫn đến sự phân cực các xã hội trên toàn thế giới và bản năng dân tộc sẽ biểu hiện qua sự phân biệt đối xử hay bài ngoại với một số dân tộc trong đợt bùng phát dịch lần này. Ngày càng có nhiều nước ban hành lệnh cấm du lịch dù có rất ít bằng chứng cho thấy chúng có tác dụng ngăn cản chủng virus vốn không cần xài đến hộ chiếu.

Bác sĩ Swee khẳng định dịch virus corona có thể đã bắt đầu ở Trung Quốc nhưng đó không phải là lỗi của người dân Trung Quốc, cũng giống như dịch cúm H1N1 năm 2009 bắt đầu tại Mỹ với 575.000 ca tử vong không phải là lỗi của người Mỹ.

Lời kêu gọi đoàn kết của Tổ chức Y tế thế giới là đúng đắn. Bác sĩ Swee chia sẻ rằng đây là cuộc chiến giữa các loài, không phải giữa các quốc gia. Hãy giúp đỡ Trung Quốc và mọi quốc gia đang đối mặt với dịch bệnh này, không chỉ vì nhân đạo mà còn vì đây là lẽ thường.

Bác sĩ Swee cho rằng cần tăng mức độ hợp tác khoa học toàn cầu và chia sẻ dữ liệu minh bạch hơn. Những tổ chức trung lập như WHO nên mở các kho lưu trữ truy cập mở để xây dựng lòng tin của người dân.

Khoa học tự bản thân nó không thể cứu chúng ta nhưng kết hợp giữa khoa học, lòng trắc ẩn, sự tin tưởng của công chúng, quản lý tốt của chính phủ và sự đoàn kết có thể giúp con người chiến thắng các đợt dịch.

Mỹ công bố công dân Mỹ đầu tiên chết vì virus corona ở ngay Vũ Hán Mỹ công bố công dân Mỹ đầu tiên chết vì virus corona ở ngay Vũ Hán

TTO - Báo New York Times dẫn nguồn tin đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết đã có một công dân Mỹ nhiễm virus corona chủng mới thiệt mạng.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên