Bến xe Miền Đông mới vắng hoe, ghế chờ vẫn còn mới tinh - Ảnh: LÊ PHAN
Dự án kết nối giao thông bị chậm
Về lý do bến xe này xây xong để đó, ông Hưng nhận định hạ tầng kết nối vẫn là vấn đề then chốt. Theo ông Hưng, hạ tầng kết nối vào bến xe mặc dù đã làm một số việc, một số dự án nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện. Các dự án đang triển khai và nhiều dự án 1-2 năm tới mới hoàn thành.
"Cụ thể, tuyến metro số 1 chưa đi vào hoạt động, theo báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị thì dự kiến đến cuối năm 2023 mới vận hành. Còn các dự án khác để hoàn thành kết nối như mở rộng xa lộ Hà Nội, xây cầu vượt bến xe Miền Đông mới, làm đường Hoàng Hữu Nam, đường A8 các đơn vị vẫn đang thực hiện, sở đang đốc thúc nhưng còn vướng mặt bằng", ông Hưng liệt kê.
Ngoài ra, tình trạng xe vi phạm, tổ chức "bến cóc xe dù" đoạn từ bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước vẫn còn tồn tại dẫn tới khách ít đến bến xe Miền Đông mới.
Thêm vào đó, từ tháng 10-2020 đến nay, TP và các tỉnh trải qua dịch bệnh nên việc đi lại của hành khách hạn chế rất nhiều, có thời điểm không hoạt động.
"Chủ đầu tư Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) cũng có nhiều khó khăn, hiện nay Samco chưa hoàn thành pháp lý liên quan đất đai. Khi xong rồi thì mặt bằng mới có, mới ký hợp đồng thuê đất. Samco cũng chưa có cơ chế cho thuê dịch vụ, việc này chỉ thực hiện được khi có mặt bằng, thủ tục pháp lý hoàn chỉnh.
Sở GTVT quản lý về mặt vận tải, còn đất đai liên quan tới chủ đầu tư với Sở Tài nguyên và môi trường, địa phương. Pháp lý cho thuê dịch vụ thì liên quan Cục Thuế, Sở Thông tin và truyền thông. Các vấn đề này sở không nắm", ông Hưng nói thêm.
Không đợi các dự án kết nối giao thông
"Nói như vậy không phải là ngồi chờ, mà thời gian qua sở và Samco thiết lập bộ phận theo dõi ý kiến người dân, báo đài góp ý để có điều chỉnh phù hợp.
Đối với các tuyến xe buýt phục vụ hành khách đến bến, hiện có 4 tuyến đi vào và đi ngang. Sở đã chỉ đạo đưa tuyến 150 vào tới sảnh để đón khách tốt hơn. Vinbus cũng có kế hoạch đưa xe buýt điện kết nối vào đây (nhưng phải hoàn thiện các thủ tục trước khi vận hành nên có độ trễ chứ chưa làm ngay được).
Chúng tôi cũng chỉ đạo tăng chất lượng phục vụ để thu hút khách đi từ nội thành ra. Người dân được phép mang hàng hóa, hành lý tầm 10kg chứ không sợ cảnh thu thêm tiền. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo đưa thêm xe buýt có lộ trình từ bến xe cũ đến bến xe mới, trong tuần sau Trung tâm quản lý giao thông công cộng phải có báo cáo về sở", ông Hưng đưa ra các giải pháp.
Sở này cũng yêu cầu bến xe Miền Đông tổ chức tốt cho hành khách chờ xe, nhất là vào các khung giờ đêm.
Về vấn nạn "xe dù bến cóc", sở có chỉ đạo thanh tra từ tuần sau và trong vòng 1 tháng phải tăng cường xử lý. Thời gian qua đã xử 183 trường hợp vi phạm nhưng chưa đủ, sở sẽ xử lý thêm bằng camera phạt nguội, lên kế hoạch đầu tư camera. Ngoài ra sẽ tháo camera ở nơi ổn định để gắn vào các điểm nóng.
Tuần sau Samco báo cáo tiến độ cụ thể
Trả lời chất vấn của Tuổi Trẻ Online về việc di dời bến xe, ông Hưng cho biết Samco đang có một số khó khăn vướng mắc, tuần sau sẽ báo cụ thể hơn và kèm với tiến độ.
"Sở có khuyến cáo thực trạng "xe dù bến cóc" đón khách trái quy định pháp luật. Người dân bắt xe trên đường thấy thuận lợi tuy nhiên điều đó tạo sự sai trái. Nếu xảy ra vấn đề gì, trách nhiệm nhà xe không đảm bảo".
Mời bạn đọc hiến kế giúp bến xe lớn nhất nước không còn cảnh... "chợ chiều"
Trước thực trạng hạ tầng giao thông của TP.HCM như hiện tại, theo bạn, làm thế nào để bến xe Miền Đông mới hoạt động hiệu quả?
Mọi góp ý, hiến kế kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận