25/11/2017 10:12 GMT+7

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Dư luận dậy sóng... nhầm

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Dư luận "dậy sóng" nhầm về việc ghi tên các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng có một phần lỗi khi diễn đạt thông tư không dễ hiểu và chưa giải thích kịp thời.

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình: Dư luận dậy sóng... nhầm - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Phấn, phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai khẳng định chỉ thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất mới ghi tên trên sổ đỏ - Ảnh: XUÂN LONG

Phải hiểu rõ bản chất là chỉ ghi tên thành viên có chung quyền sử dụng đất. Nếu là thành viên trong gia đình nhưng không có chung quyền sử dụng đất thì không ghi tên trên sổ đỏ. Vì vậy, trong hộ khẩu có thể có thành viên có chung quyền sử dụng đất nhưng cũng có thành viên không có quyền sử dụng đất. Vì thế, cần căn cứ vào quyền sử dụng đất của thành viên thông qua các quyết định giao đất

Ông MAI VĂN PHẤN

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty luật BASICO, nhận định như vậy tại cuộc toạ đàm "Làm rõ quy định mới về ghi tên thành viên trong cấp sổ đỏ" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 25-11.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc thắc mắc việc ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất có căn cứ vào sổ hộ khẩu, ông Mai Văn Phấn - phó cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường), khẳng định sổ hộ khẩu chỉ có tính chất tham chiếu.

Không làm tăng thêm thủ tục

Trước câu hỏi khi ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất, sẽ trở thành hành trình gian nan về lấy ý kiến các thành viên vì có trường hợp có người ở nước ngoài, có người ở xa không thực hiện được, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng khi chưa có quy định mới về ghi tên thành viên có chung quyền sử dụng đất thì vẫn tồn tại các trường hợp thành viên ở xa, ở nước ngoài nên đây không phải là vướng mắc.

"Trước đây vẫn có những trường hợp thành viên ở chỗ này, chỗ kia, ở nước ngoài. Bây giờ có thể vẫn có những trường hợp như vậy, nhưng trước kia chưa rõ, còn quy định mới hiện nay đã rõ hơn là nếu ủy quyền thì thống nhất ủy quyền cho ai" - ông Đức giải thích.

Theo ông Mai Văn Phấn, ngay trong Bộ luật dân sự cũng đã có quy định với các tài sản chung đều phải xin ý kiến các thành viên ký nhận khi giao dịch. Còn với tài sản là đất đai, khi thực hiện, Luật đất đai cũng đã đưa ra hai hai giải pháp để chủ sử dụng lựa chọn. 

Đó là khi tham gia giao dịch với hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, có thể lựa chọn hình thức là trực tiếp giao dịch và ủy quyền giao dịch.

Bạn đọc ở Hà Nội đặt câu hỏi việc ghi tên thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất có làm tăng thêm thủ tục, ông Mai Văn Phấn khẳng định không có chuyện tăng thêm thủ tục. 

Theo ông Phấn, thông tư 33 đã quy định rõ hai phương án cho các thành viên hộ gia đình lựa chọn.

Thứ nhất, các thành viên hộ gia đình có thể cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Tuy nhiên, với phương án này trên sổ đỏ vẫn chỉ ghi tên là đại diện cho hộ gia đình chứ không phải ghi như trước kia là hộ ông X, hộ bà Y. 

Việc chỉ ghi là đại diện hộ gia đình trên sổ đỏ cũng nhằm ngăn ngừa tình huống lợi dụng việc được ghi tên riêng để tự ý chuyển nhượng, làm mất quyền lợi của các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất.

Thứ hai, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đều muốn ghi tên sẽ ghi tên tất cả trên sổ đỏ. Với phương án ghi tên tất cả các thành viên có chung quyền sử dụng đất, trong thông tư đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện để không phát sinh thêm thủ tục.

Ví dụ ghi tên 4 thành viên trong gia đình trên sổ đỏ thì không phải cả 4 người đều phải cùng đi làm thủ tục, chỉ cần một người làm thủ tục chứ không phải cả 4 người cùng phải đi làm thủ tục.

Một bạn đọc ở Hà Nội đặt câu hỏi: Khi giao đất cho hộ gia đình trước đây, trên sổ đỏ là bố đứng tên nhưng người bố đã mang đi cầm cố. Với quy định mới thì có thể đòi lại được quyền sử dụng đất không?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội - cho rằng ngay các quy định trước đây cũng đã giải quyết được câu chuyện này. 

"Ngay thông tư 23/2014 trước đây đã hướng dẫn những người có chung quyền sử dụng đất có thể khởi kiện ra tòa để xử lý tình huống này. Còn với quy định ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất sẽ áp dụng tới đây, tôi nghĩ sẽ hạn chế được những câu chuyện như thế này" - ông Nghĩa nói.

Thông tư diễn đạt chưa khéo, gây hiểu nhầm

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng dư luận vừa qua đã "dậy sóng nhầm" về quy định mới trong ghi tên trên sổ đỏ, vì việc ghi tên thành viên trong gia đình trên sổ đỏ chỉ thực hiện với những thành viên có chung quyền sử dụng đất. 

"Việc quy định cụ thể trong ghi tên với sổ đỏ cấp cho hộ gia đình cũng chỉ áp dụng với 1/17 trường hợp ghi tên trên sổ đỏ chứ không phải với tất cả" - ông Đức nói.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ quan tâm của người dân, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng với những xôn xao trong dư luận vừa qua, ít nhiều cơ quan chức năng có một phần lỗi. 

"Thứ nhất, đó là cách diễn đạt không dễ hiểu mặc dù không sai. Thứ hai, đó là việc giải thích khi dư luận xôn xao chưa kịp thời" - ông Đức nói.

Ông Mai Văn Phấn cũng khẳng định quy định mới chỉ áp dụng với hộ gia đình và với các trường hợp có chung quyền sử dụng đất. 

"Tức chỉ có 1/17 trường hợp áp dụng theo quy định mới, còn 16 trường hợp ghi tên còn lại như sổ đỏ các nhân, tài sản của vợ chồng…vẫn giữ nguyên việc cấp sổ đỏ như trước đây" - ông Phấn nói.

Tuy nhiên, từ góp ý của người dân về diễn đạt trên thông tư dễ hiểu hơn, ông Phấn khẳng định "với tinh thần cầu thị, chúng tôi xin tiếp thu". 

"Có thể sử dụng văn phong diễn nôm người dân dễ hiểu hơn. Chúng tôi sẽ tiếp thu trong xây dựng các văn bản pháp luật tiếp theo, cố gắng hòa nhập giữa văn phong pháp luật và văn phong diễn nôm để chính sách đi vào cuộc sống và người dân dễ hiểu" - ông phấn nói.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên