Phóng sự "Sứ mệnh Sinh viên Việt Nam" - Nguồn: Hội Sinh viên Việt Nam
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhắc đến những mô hình, cách làm sáng tạo khi phong trào sinh viên chống chọi với dịch COVID-19 trong một nhiệm kỳ vừa qua hết sức đặc biệt.
Tự tin bước vào thị trường lao động
* Thành tựu nổi bật trong phong trào sinh viên cả nước 5 năm qua là gì, thưa anh?
- Trong 5 năm nhưng có đến hơn nửa nhiệm kỳ chúng ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Nhưng chính trong đại dịch đã xuất hiện những điểm sáng. Nhiều mô hình, cách làm mới của tổ chức Hội đã phát huy được sức trẻ, sự sáng tạo của sinh viên.
Chẳng hạn như phải học trực tuyến, cách ly vì dịch bệnh song các bạn thích ứng rất nhanh, không gián đoạn việc học.
Nhiều bạn đã hăng hái lên đường, xông pha vào mặt trận chống dịch.
Có những bạn nói với tôi rằng khi học lịch sử về một thế hệ "xếp bút nghiên lên đường ra trận" thì trong đại dịch vừa qua, tinh thần ấy một lần nữa tái hiện trong lớp lớp sinh viên Việt Nam hôm nay.
Chúng tôi mong tinh thần ấy được nêu cao trong sinh viên Việt Nam, để đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, sinh viên phải là lực lượng đi đầu nhận lãnh sứ mệnh ấy.
Phong trào "Sinh viên 5 tốt" cũng là dấu ấn mạnh mẽ nên nhắc đến, cả số lượng lẫn chất lượng sinh viên đạt danh hiệu. Nhiệm kỳ qua đã thành lập mới hai Hội Sinh viên cấp tỉnh, năm Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta hướng tới nhiệm kỳ mới với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
* Hội sẽ làm gì để làm mới phong trào "Sinh viên 5 tốt", để sinh viên xem đó như một nhu cầu tự thân cần tham gia?
- Với danh hiệu này, đã có 960 bạn cấp trung ương, gần 19.000 bạn cấp tỉnh, trên 262.000 bạn cấp trường và hơn 2.600 "Tập thể Sinh viên 5 tốt" các cấp.
Có thể khẳng định phong trào này đã tạo ra môi trường phấn đấu, rèn luyện cho sinh viên hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất để bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho đất nước.
Trước đòi hỏi mới của thị trường, phong trào phải đóng vai trò là cầu nối, kết nối cung - cầu của thị trường lao động, kết nối nhu cầu việc làm của sinh viên và yêu cầu của các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp.
Đây vừa là quan điểm vừa là giải pháp của Hội để phát huy mạnh mẽ hơn danh hiệu này và nâng tầm, nâng chất phong trào.
Bổ sung nguồn nhân lực chất lượng
* Vì sao vững bản sắc lại được đưa lên đầu tiên trong khẩu hiệu hành động của thời gian tới?
- Vững bản sắc ở đây vừa là bản sắc của Hội, vừa là bản sắc của mỗi cá nhân sinh viên. Đó là tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trong học tập, nghiên cứu khoa học, đam mê học hỏi và khát khao cống hiến xây dựng đất nước. Nhìn xa hơn, đó còn là bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc đã được dựng xây từ bao đời nay.
Có vững bản sắc và giàu khát vọng, sinh viên mới kiến tạo được tương lai để dựng xây đất nước. Khẩu hiệu hành động đã lĩnh hội định hướng lớn của Đảng, của Đoàn, đồng thời cũng là những thành tố phản ánh đúng mong muốn, nguyện vọng của sinh viên, tạo động lực cho sinh viên Việt Nam thời gian tới.
* Mục tiêu xây dựng một thế hệ sinh viên Việt Nam thời kỳ mới sẽ như thế nào, thưa anh?
- Chúng tôi muốn xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có bản lĩnh, trí tuệ, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bổ sung nguồn nhân lực mới cho Đảng, cho Đoàn.
Tham gia vào tổ chức Hội, sinh viên sẽ được tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động với tinh thần hứng khởi, sẵn sàng hoàn thiện mình để phát huy thế mạnh của bản thân. Đó cũng là cách tích lũy hành trang tốt nhất để các bạn bước vào thị trường lao động.
Ngược lại, hành trình ấy cũng là cơ hội để sinh viên có thể đóng góp thiết thực, cụ thể vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lan tỏa hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Cũng là góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phấn đấu trở thành những công dân trẻ tích cực, nhiều hoài bão và phải là những nhân tố trẻ tích cực nhất của đất nước.
Hạt nhân tập hợp, đoàn kết sinh viên ngoài nước
Hiện đang có 13 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có mặt khắp các châu lục. Tổ chức Hội ở nước ngoài ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng, trở thành hạt nhân tập hợp, đoàn kết sinh viên Việt Nam ở ngoài nước, đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh chung của Hội Sinh viên Việt Nam.
Anh Nguyễn Minh Triết nói sắp tới Hội Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Hội Sinh viên ở nước ngoài, mở rộng cơ hội giao lưu sinh viên, gắn kết các bạn và định kỳ tổ chức đối thoại giữa thường trực Hội Sinh viên Việt Nam với cán bộ Hội, hội viên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước.
Giá trị tăng thêm cho sinh viên
* Giải pháp nào để Hội đồng hành, hỗ trợ sinh viên, nhất là tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới?
- Hội đã xác lập các giải pháp về nghề nghiệp việc làm, khởi nghiệp, đưa vào các nhóm chỉ tiêu, giải pháp cụ thể trong nhiệm kỳ mới. Mục tiêu làm sao giúp các bạn ra trường kiếm được việc làm, hoặc sau khi tham gia hoạt động Hội trở nên tự tin hơn, có nhiều kỹ năng, nhiều giá trị tăng thêm cho bản thân.
Tổ chức Hội từ trung ương đến cấp tỉnh đều có các thiết chế văn hóa, các trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên, trung tâm hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam, các quỹ hỗ trợ... Qua đó góp phần hiện thực hóa quan điểm, chỉ đạo của Hội Sinh viên Việt Nam để đồng hành với sinh viên trong tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm.
Những việc chờ Hội hành động
Đang có mặt dự Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần XI tại Hà Nội, một số đại biểu sinh viên cùng chia sẻ suy nghĩ từ diễn đàn trọng thể này.
Sinh viên Y UN DIỄM (Trường ĐH Tây Nguyên):
Hỗ trợ năng lực hội nhập cho sinh viên dân tộc
Tôi mong có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ Hội, đặc biệt cán bộ Hội người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Điều này sẽ giúp các bạn đỡ vất vả hơn khi vừa học vừa phải làm thêm trang trải cuộc sống và còn dành thời gian cho hoạt động. Đó cũng là tiền đề nâng chất công tác Hội và phong trào sinh viên.
Sinh viên địa bàn Tây Nguyên còn những khó khăn nhất định so với mặt bằng chung. Vì đa phần là người dân tộc thiểu số nên cùng với sân chơi chung, các bạn rất cần sân chơi có yếu tố đặc thù, phù hợp bản sắc để có thể phát triển toàn diện.
Tôi cho rằng cần hỗ trợ rất nhiều để sinh viên khu vực Tây Nguyên phát triển năng lực hội nhập, nhất là khả năng ngoại ngữ để có thể bắt kịp xu thế. Việc có cơ chế đặc thù đối với sinh viên dân tộc thiểu số trong đánh giá thi đua, khen thưởng cũng khá quan trọng. Chúng ta có thể thành lập câu lạc bộ sinh viên dân tộc thiểu số để tạo môi trường cho các bạn thuộc nhóm này trên cả nước có thể kết nối, sinh hoạt.
Sinh viên LÊ THANH LONG (Trường ĐH Mở TP.HCM):
Mong chờ có đột phá chuyển đổi số
Là một người trẻ tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nhiều bởi khoa học công nghệ, tôi mong chờ Hội Sinh viên Việt Nam sẽ có những bước đột phá về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào sinh viên. Để thực hiện được điều đó không thể ngày một ngày hai hay với vài ba chục người là được.
Hội cần lên kế hoạch, đề án cụ thể về chuyển đổi số để các cấp bộ Hội dễ dàng tiếp cận, thực hiện một cách đồng bộ. Mỗi sinh viên, hội viên cần hiểu chuyển đổi số là gì và vì sao cần quyết tâm chuyển đổi số trong hoạt động.
Cùng với đó, Hội phải có thang đánh giá mức độ chuyển đổi số của hội viên, sinh viên mới đo lường được kết quả. Chúng ta nên đặt câu chuyện chuyển đổi số gắn với phong trào "Sinh viên 5 tốt". Trong đó quan tâm đầu ra cho các bạn đạt danh hiệu, nên có diễn đàn và sự kết nối sinh viên 5 tốt với các doanh nghiệp và tổ chức tuyển dụng.
Sinh viên NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP (Trường ĐH Assumption, Thái Lan):
Kết nối sinh viên Việt Nam ở nước ngoài
Là chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, tôi vinh dự được đại diện về nước dự đại hội này.
Hội Sinh viên Việt Nam cần giữ vững vai trò cánh chim đầu đàn dẫn dắt hoạt động của sinh viên Việt Nam, cách riêng gắn kết sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Chúng tôi chờ mong sẽ có các chương trình, giải pháp phát huy sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó chú trọng tổ chức các sự kiện văn hóa, hoạt động tình nguyện, hỗ trợ tìm kiếm học bổng, xây dựng mạng lưới kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam ở nước ngoài giao lưu học hỏi, hội nhập với cộng đồng quốc tế nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc.
Tiếp cận, làm chủ nhanh nhất khoa học hiện đại
Ngày 19-12, Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ làm việc phiên trọng thể với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phiên trọng thể sẽ có tóm tắt báo cáo chính trị trình Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, lắng nghe phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ra mắt Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI.
Chiều 18-12, đại hội làm việc phiên thứ nhất. Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy khẳng định sinh viên là lực lượng bổ sung cơ bản cho đội ngũ trí thức trong tương lai, mang sứ mệnh lịch sử quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Theo anh Huy, sinh viên là lực lượng tiếp cận và làm chủ nhanh nhất khoa học hiện đại, là lực lượng ưu tú nhất trong thanh niên.
Anh Huy nói gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; giáo dục, định hướng những giá trị sống tốt đẹp, lối sống văn hóa, trách nhiệm là những vấn đề được đặt ra trong sinh viên hiện nay. Đặc biệt khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của sinh viên trong tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phong trào "Sinh viên 5 tốt" sẽ vẫn là phong trào chủ đạo sắp tới. Do đó, theo anh Huy, Hội cần điều chỉnh nội hàm và phương thức triển khai để nâng chất phong trào phù hợp tình hình mới. Quan tâm hơn đến chăm lo, hỗ trợ, đồng hành với sinh viên, thể hiện rõ vai trò là người bạn đồng hành của sinh viên.
Điều này đòi hỏi cần thay đổi tư duy trong hỗ trợ sinh viên. "Hội phải tạo được sự tự tin cho người được hỗ trợ để chính bản thân họ dám đối mặt và vượt qua khó khăn. Hội chỉ nên hỗ trợ để sinh viên có điều kiện, có tinh thần mạnh mẽ hơn vượt qua các khó khăn chứ không làm thay hay giải quyết các khó khăn cụ thể của bản thân từng sinh viên", anh Huy lưu ý.
Hiệp thương đủ 103 ủy viên ban chấp hành
Tại phiên thứ nhất chiều 18-12, đại hội đã hiệp thương 103 ủy viên Ban chấp hành, 15 ủy viên Ban kiểm tra Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Trong thành phần Ban chấp hành khóa XI vừa được hiệp thương có Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa X Nguyễn Minh Triết.
Các phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa X cũng tái cử Ban chấp hành khóa mới gồm các anh chị: Hồ Hồng Nguyên (trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn), Nguyễn Bá Cát (phó trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn), Nguyễn Tiến Hưng (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội), Trần Thu Hà (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM), Lê Công Hùng (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Đà Nẵng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận