24/12/2019 08:27 GMT+7

Sinh viên phát triển công nghệ giúp người bệnh giao tiếp bằng mắt

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ mong muốn giúp người bệnh không thể nói chuyện hay cử động có thể biểu đạt suy nghĩ, nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã phát triển công nghệ giúp người bệnh giao tiếp bằng mắt.

Sinh viên phát triển công nghệ giúp người bệnh giao tiếp bằng mắt - Ảnh 1.

Trần Đăng Khoa (trái) và Trần Văn Phúc cùng công nghệ giúp người bệnh giao tiếp bằng mắt - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Công trình là 1 trong 5 đề tài - từ hơn 800 dự án dự thi - được hỗ trợ kinh phí tiếp tục nghiên cứu tại vòng chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Lợi thế của công nghệ này nằm ở chỗ không cần đeo thêm bất cứ thiết bị nào, thay vào đó camera hoạt động gần như độc lập, tạo sự thoải mái cho người dùng.

TS Ngô Thanh Quyền

Từ căn bệnh của người quen

Trần Đăng Khoa - sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - từng nhiều năm chứng kiến người quen mắc phải "hội chứng khóa trong" (Lock In Syndrome). Dù vẫn có ý thức nhưng cơ thể người bệnh liệt hoàn toàn và không thể nói hay cử động tay chân. Người bệnh vẫn có khả năng nhìn, nghe, suy nghĩ nhưng không thể giao tiếp như bình thường.

Khoa bắt tay vào nghiên cứu làm sao giúp người bệnh giao tiếp dễ dàng nhất bằng việc tận dụng một trong những khả năng còn lại của họ là chuyển động đôi mắt. Khoa cho biết trên thế giới hiện đang sử dụng công nghệ phân tích sóng não, hoặc dùng cặp kính hồng ngoại để giúp người bệnh truyền tải điều muốn nói. 

Tuy nhiên, những phương pháp này khá đắt đỏ và khó tiếp cận với đa số bệnh nhân người Việt.

Sau thời gian nghiên cứu, Khoa cùng Trần Văn Phúc - sinh viên năm 4 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - tìm được phương pháp xử lý ảnh dùng camera nhận biết hướng di chuyển của con ngươi bệnh nhân. 

Nhóm lại thiết kế một ứng dụng trên màn hình máy tính, chứa các câu lệnh giao tiếp cơ bản như những câu trả lời "có", "không", yêu cầu "cần đi vệ sinh", hoặc "cần giúp đỡ khẩn cấp"... Từ đó, người bệnh chỉ cần nhìn mắt vào ô lệnh muốn nói trên màn hình, máy tính sẽ phân tích và thông báo cho người nhà biết về lựa chọn của bệnh nhân. 

Các câu lệnh được nhóm khảo sát trên nhiều trường hợp để chắt lọc những lựa chọn phổ biến nhất, với những nhu cầu cơ bản của người bệnh.

Khá mới mẻ

Theo TS Ngô Thanh Quyền - trưởng bộ môn tự động hóa khoa công nghệ điện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lợi thế của công nghệ này nằm ở chỗ không cần đeo thêm bất cứ thiết bị nào, thay vào đó camera hoạt động gần như độc lập, tạo sự thoải mái cho người dùng. 

TS Quyền cho biết nghiên cứu này ở Việt Nam vẫn còn khá mới so với nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM, ban tổ chức giải thưởng Euréka 2019 đánh giá khá cao ý tưởng và hướng giải quyết vấn đề của nhóm Khoa và Phúc. Đây cũng là 1 trong 5 đề tài từ hơn 800 dự án dự thi được hỗ trợ kinh phí tiếp tục nghiên cứu, được giới thiệu đăng ký tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ.

Ngoài ra, giải thưởng cũng hỗ trợ các bạn trong việc kết nối với các bệnh viện lớn, giúp tiếp cận với nhiều bệnh nhân bị hội chứng nói trên để khảo sát phát triển sản phẩm của mình.

Chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường

Trần Văn Phúc chia sẻ, tiếp cận được các bệnh nhân cũng là một trong những mong muốn hàng đầu của nhóm bởi khi thử nghiệm đến nhiều bệnh nhân mới có thể điều chỉnh các sai số và nâng cấp sản phẩm tốt hơn.

Từ tháng 1-2020 đến khoảng tháng 7-2020, nhóm sẽ nâng cấp phần mềm và bắt đầu cho thiết kế các phần cứng để hoàn thiện bộ sản phẩm. Nhóm cũng sẽ gầy dựng đội ngũ nhân sự kế hoạch lâu dài, hiện đang chuẩn bị nhân sự để có thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Người bệnh tự nhận diện mình trước khi phẫu thuật ngay trên bàn mổ Người bệnh tự nhận diện mình trước khi phẫu thuật ngay trên bàn mổ

TTO - Ứng dụng này giúp tránh nhầm lẫn bệnh nhân trong phẫu thuật, đồng thời giải tỏa nỗi lo lắng chờ đợi tin tức bệnh nhân của thân nhân người bệnh bấy lâu nay.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên