Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tìm việc trong ngày hội việc làm do trường tổ chức. Từ nay sinh viên khó khăn sẽ được vay vốn không lãi suất để nộp học phí - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình này, PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH TỨ - giám đốc ban điều hành Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Chương trình cho sinh viên vay ưu đãi để học tập tại ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được giao cho Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM trực tiếp phối hợp với ngân hàng để triển khai thực hiện.
Điểm đặc biệt của chương trình này so với các quỹ tín dụng sinh viên khác hiện nay là Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp với ngân hàng để triển khai chương trình cho vay dành cho sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó sinh viên là người đứng ra vay tín chấp.
Sinh viên tham gia vay chương trình này không phải chịu lãi suất, có nghĩa lãi suất là 0%, Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ hỗ trợ lãi suất từ nguồn tài trợ cho chương trình".
* Nguồn quỹ này được xây dựng thế nào? Hiện nguồn vốn của quỹ mỗi năm có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của bao nhiêu sinh viên và mức vay ra sao?
- Nguồn quỹ cho sinh viên vay vốn đang được xây dựng từ các nguồn lực đóng góp của xã hội (tổ chức, cá nhân...).
Hiện nguồn quỹ mới vận động được 20 tỉ đồng cho chương trình trong vòng 4 năm. ĐH Quốc gia TP.HCM và Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM đang tiếp tục vận động sự góp sức của xã hội, của doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm cho chương trình này.
Số lượng sinh viên và số tiền được vay sẽ tùy thuộc vào mức học phí của cơ sở đào tạo và hội đồng xét duyệt ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định.
* Sinh viên nào thuộc diện được hỗ trợ vay vốn từ quỹ này và cần làm gì để được vay, thưa ông?
- Đối tượng được vay vốn từ quỹ này là những sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn đang theo học chương trình đào tạo dài hạn, hệ chính quy tập trung tại các cơ sở đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, gồm sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
Sinh viên là thành viên của gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Điều kiện vay là sinh viên hệ chính quy của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đối với sinh viên năm 1 phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo. Đối với sinh viên năm thứ 2 trở lên phải có kết quả học tập đạt trung bình - khá (tương đương 6.5/10) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện 70/100 trở lên. Sinh viên cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn). Sinh viên chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác. Sinh viên đang không trong quá trình bị kỷ luật, đình chỉ học tập.
* Việc trả nợ được tính thế nào và sinh viên phải hoàn trả toàn bộ tiền vay trong bao lâu?
- Sinh viên phải trả nợ gốc lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày sinh viên kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định).
Thời gian cho vay tối đa là 8 năm và được xác định theo công thức sau: Thời gian cho vay = thời gian ân hạn trả nợ gốc + thời hạn trả nợ, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc = thời gian học tập còn lại của sinh viên tại khóa đào tạo (tối đa 5 năm) + 1 năm (tính từ thời điểm sinh viên tốt nghiệp); thời hạn trả nợ (tối đa 2 năm) là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay phải trả nợ gốc đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi.
* Ai có trách nhiệm giám sát, thu hồi nợ vay? Trường hợp sinh viên vay vốn từ quỹ đã hết thời gian gia hạn nợ có được xem xét khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ĐÌNH TỨ: Chương trình khuyến khích sinh viên trả nợ, tất toán khoản vay trước thời hạn để tạo nguồn lực hỗ trợ thế hệ sinh viên tiếp theo. Chương trình được phối hợp triển khai cùng với ngân hàng, nên việc cho vay và thu hồi khoản vay sẽ do ngân hàng thực hiện.
Trường hợp sinh viên nợ quá hạn sẽ có thông tin tín dụng không tốt trong hệ thống liên ngân hàng và thông tin sinh viên nợ quá hạn sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời có chia sẻ thông tin trên hệ thống website của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhà trường hợp tác với ngân hàng cho sinh viên vay tiền
Hiện nay, một số ít trường có chương trình hợp tác với các ngân hàng cho sinh viên vay vốn học tập. ThS Trương Văn Đạt - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết đã làm việc với một số ngân hàng thương mại như Vietinbank, Vietcombank về chương trình cho sinh viên vay vốn.
Theo đó, sinh viên, phụ huynh sẽ đóng học phí dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng hoặc vay thế chấp, ngân hàng hỗ trợ thủ tục thực hiện tại địa phương với lãi suất ưu đãi.
Tương tự, ThS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cũng cho hay dựa trên hợp tác với các ngân hàng đối tác, nhà trường đang triển khai gói hỗ trợ học tập cho sinh viên dự kiến 10 - 20 tỉ đồng.
Theo đó, từ học kỳ 2 của năm nhất, sinh viên khó khăn có thể nộp đơn vay vốn học tập để trường xem xét hỗ trợ vay ngân hàng với mức lãi suất từ 0% tới tối đa là 50% so với mức lãi suất thông thường, thời hạn vay trong vòng 3 năm (tới khi sinh viên tốt nghiệp).
Ngoài ra, tùy theo đăng ký với trường, sinh viên có thể chọn gói hỗ trợ tín dụng trả chậm để thanh toán học phí cho nhà trường, với thời gian trả chậm dự kiến 12 tháng mà không phải chịu phí thanh toán trả chậm cho ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận