19/09/2016 17:46 GMT+7

Sinh viên da đen bị kỳ thị ở Trung Quốc

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - “Có vài người thỉnh thoảng chạy lại rồi đưa tay sờ tóc tôi. Họ nói tôi là người Mỹ da đen đầu tiên họ gặp”, Jeffrey Wood, một sinh viên Mỹ gốc Phi từng du học tại Trung Quốc, nhớ lại.

Jeffrey Wood, một sinh viên Mỹ gốc Phi từng du học tại Trung Quốc - Ảnh: NPR

Bất chấp căng thẳng trong quan hệ chính trị, những năm gần đây, Washington và Bắc Kinh vẫn nỗ lực khuyến khích học sinh, sinh viên sang học các khóa về văn hóa, ngôn ngữ của nhau.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ trong năm 2015 đã có 21.975 sinh viên Mỹ sang học. Đa phần trong số này là sinh viên thuộc nhóm sắc tộc thiểu số và gốc Phi.

Trang NPR có cuộc trò chuyện với Jeffrey Wood, 24 tuổi, một sinh viên Mỹ gốc Phi vừa trở về Washington sau khi kết thúc khóa học tiếng Quan Thoại, văn hóa và quan hệ quốc tế tại Nam Kinh kéo dài một năm.

Năm 2009, còn ở cấp trung học, Wood quyết định tham gia chương trình học tiếng Hoa ở Bắc Kinh trong sáu tuần.

Chính từ dịp này, chàng trai trẻ cảm thấy hứng thú với những trải nghiệm mới lạ và quay lại vào năm 2015 để học tiếng Quan Thoại.

Sau hai chuyến đi, Wood nói mình học được những bài học thực tế mà trường lớp không dạy cậu.

“Có lần, một quảng cáo bột giặt của Trung Quốc đã gây tranh cãi dữ dội sau khi lên sóng”, Wood nhớ lại.

Trong đoạn phim gây tranh cãi hồi tháng 5 vừa qua, một người phụ nữ Trung Quốc có làn da trắng bỏ viên bột giặt "Qiaobi" của công ty Leishang vào miệng anh chàng da đen đang có ý định tán tỉnh cô. Chưa hết, cô đẩy anh chàng vào máy "giặt anh ta" cho đến khi anh ta biến thành người châu Á có làn da sáng.

Công ty sản xuất mẩu quảng cáo này sau đó phủ nhận cáo buộc phân biệt chủng tộc, và cho rằng truyền thông quốc tế chỉ đang làm quá mọi việc.

Thực chất, dù thái độ đối với sắc tộc và màu da đang dần cải thiện, nhưng truyền thống của xã hội Trung Quốc lại chuộng màu da sáng hơn.

May mắn thay, những bạn học Trung Quốc của Wood lại đón nhận câu chuyện một cách cởi mở và cảm thông, khiến anh cảm thấy nhẹ nhàng phần nào.

“Rất nhiều người bàn luận về mẩu quảng cáo đó và nói rằng nội dung đoạn phim đã sai ở chỗ nào”, anh kể.

Sau bảy năm, cuộc sống tại Trung Quốc trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều đối với những người Mỹ gốc Phi như Wood.

Chàng trai 24 tuổi nhớ lại phản ứng của những người Trung Quốc thời kỳ 2009 khi thấy anh quá khác biệt so với họ.

“Tôi bị sốc văn hóa khi người ta nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ và đối xử khác biệt. Có vài người thỉnh thoảng chạy đến và chạm vào tóc tôi”, Wood nhớ lại.

“Người ta nói trước giờ chưa từng gặp ai như tôi, chưa từng gặp người Mỹ da đen”, chàng sinh viên gốc Phi kể.

Sau khi trở về Mỹ, Wood tích cực khuyến khích bạn bè gốc Phi của mình tham gia chương trình trao đổi sinh viên.

Tuy nhiên, ngày càng có ít người trẻ Mỹ muốn học tiếng Hoa vì quá khó.

Ngoài ra, thách thức trong việc thích nghi với ngôn ngữ và một nền văn hóa không thuộc phương Tây cũng khiến họ sớm bỏ cuộc.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên